Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đặc phái viên Mỹ: 'Chúng tôi sẽ không xâm lược Triều Tiên'

Đặc phái viên hàng đầu của Bộ Ngoại giao Mỹ về Triều Tiên nói rằng Mỹ không muốn xâm lược nước này, ngụ ý Washington sẵn sàng chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên.

Trong bài phát biểu đầu tiên sau khi nhậm chức, đặc phái viên Stephen Biegun bày tỏ quan điểm về quan hệ Mỹ - Triều trước hội nghị thượng đỉnh lần hai giữa lãnh đạo hai nước, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2.

"Tổng thống Trump đã sẵn sàng kết thúc cuộc chiến này (Chiến tranh Triều Tiên). Nó đã kết thúc, đã xong. Chúng tôi sẽ không xâm lược Triều Tiên. Chúng tôi không tìm cách lật đổ chế độ Triều Tiên", ông Biegun phát biểu tại Stanford hôm 31/1.

"Tôi hoàn toàn bị thuyết phục, và quan trọng hơn là tổng thống Mỹ bị thuyết phục, rằng đã đến lúc phải vượt qua 70 năm chiến tranh và sự thù địch ở bán đảo Triều Tiên. Không có lý do gì để cuộc xung đột này kéo dài thêm nữa", CNN dẫn lời ông Biegun.

Hòa bình vĩnh viễn cho bán đảo Triều Tiên

Triều Tiên đã hối thúc Mỹ cam kết ký hiệp ước hòa bình chính thức để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hàng thập kỷ. Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In đã cam kết sẽ chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên trong hội nghị thượng đỉnh mang tính bước ngoặt vào tháng 4/2018.

Trong bài phát biểu tại Stanford, ông Biegun cũng loại bỏ khả năng Mỹ chấp nhận rút quân khỏi Hàn Quốc như một sự nhượng bộ đối với ông Kim.

"Chúng tôi không tham gia vào bất kỳ cuộc thảo luận ngoại giao nào, chấm hết. Điều đó sẽ gợi ý về sự đánh đổi này. Nó chưa bao giờ được thảo luận", ông Biegun nói.

Ông Biegun cho biết ông Kim đã cam kết tháo dỡ và phá hủy tất cả cơ sở làm giàu plutonium và uranium của Triều Tiên nếu Mỹ thực hiện "các biện pháp tương ứng".

"Những biện pháp này chính là vấn đề tôi dự định thảo luận với người đồng cấp Triều Tiên trong các cuộc gặp tiếp theo của chúng tôi", ông nói.

chien tranh Trieu Tien anh 1
(Từ trái sang) Kim Yong Chol, quan chức cao cấp và cựu giám đốc tình báo Triều Tiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đặc phái viên Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun chụp ảnh ở Washington, Mỹ, ngày 18/1. Ảnh: AP.

"Từ phía chúng tôi, chúng tôi sẵn sàng thảo luận về các hành động có thể giúp xây dựng lòng tin giữa hai nước và thúc đẩy tiến trình, song song với các mục tiêu của hội nghị thượng đỉnh Singapore về chuyển đổi quan hệ, thiết lập chế độ hòa bình vĩnh viễn trên bán đảo và phi hạt nhân hóa hoàn toàn", ông bày tỏ.

Theo CNN, nhận xét của ông Biegun nhằm làm sáng tỏ những "tiến bộ" tích cực trong mối quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên. Tuy nhiên, theo báo cáo tình báo được công bố tuần này, mục tiêu tối thượng "phi hạt nhân hóa được xác minh đầy đủ" của Triều Tiên vẫn nằm ngoài tầm với.

Các nguồn tin nói với CNN rằng cuộc thảo luận xung quanh mục tiêu này trong chuyến thăm của đặc phái viên Triều Tiên Kim Yong Chol tới Washington D.C hồi đầu tháng 1 cũng "không đi đến đâu".

"Có thể nói rằng chúng tôi có nhiều công việc ở phía trước hơn là các công việc đã hoàn thành", ông Biegun thừa nhận. Tuy nhiên, ông cũng chỉ trích báo cáo tình báo, chia sẻ "sự thất vọng của Tổng thống Trump với cách thông tin tình báo này được thu thập và diễn giải".

Hôm 30/1, ông Trump đã công khai chỉ trích các quan chức tình báo của mình sau khi họ bày tỏ mâu thuẫn với một số chính sách đối ngoại của ông trong phiên điều trần của Thượng viện Mỹ ngày 29/1. 

chien tranh Trieu Tien anh 2
Giám đốc CIA Gina Haspel cùng Giám đốc FBI Christopher Wray và Giám đốc Tình báo Quốc gia Daniel Coats điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện tại Tòa nhà Quốc hội ở Washington, Mỹ, ngày 29/1. Ảnh: AP.

Giám đốc Tình báo Quốc gia Dan Coats cho rằng Triều Tiên "khó có thể từ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân". Giám đốc Cơ Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) Gina Haspel nói Bình Nhưỡng "đang kiên trì phát triển tên lửa vũ trang hạt nhân tầm xa có thể gây ra mối đe dọa trực tiếp cho Mỹ".

Ông Biegun không tranh cãi về tính xác thực của những thông tin mà bà Haspel và ông Coats đưa ra nhưng cho rằng cách trình bày của họ có vấn đề.

"Sự thất vọng của tôi không phải là ở tính chính xác của thông tin mà ở cách nó được trình bày và được giải thích. Không thể chia tách thông tin tình báo khỏi chính sách", ông nói.

"Nếu tôi trình bày cùng một thông tin, tôi sẽ nói rằng nước Mỹ có khả năng đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng và vì vậy, ngoại giao với Triều Tiên càng cần thiết để xem liệu chúng ta có thể thay đổi đường hướng trong các chính sách của họ bằng cách thay đổi chính sách của chính chúng ta hay không", ông lập luận.

Nhiệm vụ khó khăn của đặc phái viên Mỹ

Nhận xét của ông Biegun được đưa ra khi ông chuẩn bị tới Seoul để gặp gỡ các quan chức Hàn Quốc và Triều Tiên. Đây là bài phát biểu công khai đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức 5 tháng trước.

Công việc đó không hề dễ dàng. Ông mô tả các cuộc họp gần đây tại Washington D.C với các đối tác của Triều Tiên là "năng suất, tập trung và hướng tới kết quả". 

Tuy nhiên, trước sự hờ hững của phía Triều Tiên, các cuộc gặp để bàn công việc của ông Biegun đã gặp khó khăn khi lên lịch. Ông Biegun nhấn mạnh rằng ông đã liên lạc với các quan chức Tiều Tiên ở mọi cấp kể từ khi nhận việc nhưng gặp trở ngại khi truyền tin giữa hai nước.

chien tranh Trieu Tien anh 3
Ông Stephen Biegun (phải), đặc phái viên Mỹ phụ trách Triều Tiên, và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo. Ảnh: AFP/Getty.

Kỳ vọng của ông Trump về hiệu quả của các cuộc đàm phán trực tiếp với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un khiến tổng thống Mỹ luôn vững tin vào triển vọng phi hạt nhân hóa của Triều Tiên, ngay cả khi việc thiết lập các cuộc đàm phán cấp thấp hơn gặp trục trặc.

Ông Biegun đã đề cập điều này trong bài phát biểu của mình nhưng ông cho rằng cả ông Trump và ông Kim đều không bị hạn chế bởi "những kỳ vọng truyền thống".

"Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim đã quyết định theo đuổi cách tiếp cận từ trên xuống trong hàng loạt vấn đề. Nếu thành công, điều này sẽ chuyển đổi căn bản quan hệ giữa hai quốc gia chúng ta", ông nói.

"Giờ là cơ hội, là thời điểm thích hợp. Mỹ sẵn sàng biến tầm nhìn của Tổng thống Trump và Chủ tịch Kim tại Singapore thành hiện thực", ông nói thêm.

Ông Biegun đã công bố "các bước sơ bộ" mà Triều Tiên đã thực hiện để phá hủy một số địa điểm thử nghiệm hạt nhân và tên lửa của nước này. Tuy nhiên, trong hơn một năm kể từ khi chính quyền Trump và Triều Tiên bắt đầu hoạt động ngoại giao, Triều Tiên không thực hiện bất kỳ hành động hữu hình nào được cho là ảnh hưởng đến khả năng hạt nhân của họ.

Chương trình nghị sự của ông Trump trong hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai với ông Kim Jong Un, dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2, vẫn chưa rõ ràng. 

Biegun nhấn mạnh sự cần thiết của việc "công bố đầy đủ" các vũ khí hủy diệt và chương trình tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, ông không trông đợi nhiều vào khả năng Triều Tiên trao đổi thông tin này trong hội nghị thượng đỉnh sắp tới. Ông nói rằng Mỹ sẽ có được thông tin đó "vào lúc nào đấy".

Giây phút Trump - Kim ký Tuyên bố chung lịch sử Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã cùng ký kết tuyên bố chung Mỹ - Triều. Hai bên đưa ra 4 cam kết hướng tới hòa bình và phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.

TT Trump tức giận chỉ trích lãnh đạo tình báo Mỹ 'ngây thơ'

Trước đánh giá của cơ quan tình báo Mỹ nói Iran hiện tuân thủ cam kết không chế tạo vũ khí hạt nhân, ông Trump ngay lập tức chỉ trích các quan chức quá "thụ động và ngây thơ".

BNG lên tiếng về thông tin thượng đỉnh Trump - Kim tổ chức tại VN

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao cho biết Việt Nam sẵn sàng đóng góp tích cực trong việc thúc đẩy đối thoại về vấn đề Triều Tiên và tự tin vào khả năng tổ chức của Việt Nam.

Tuyết Mai

Bạn có thể quan tâm