Theo Korea Times, cuộc đàm phán bí mật giữa các quan chức Mỹ và Triều Tiên tại Thụy Điển, bắt đầu từ hôm 19/1, nhằm tìm kiếm tiếng nói chung về vấn đề phi hạt nhân và xây dựng kế hoạch cho cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 đã kết thúc hôm 21/1.
"Các cuộc đối thoại mang tính xây dựng đã diễn ra, bàn về các vấn đề liên quan tới tiến triển trên bán đảo Triều Tiên, trong đó có xây dựng lòng tin, phát triển kinh tế và phối hợp trong dài hạn", Bộ Ngoại giao Thụy Điển, nước chủ nhà tổ chức cuộc gặp, cho biết.
Chiếc xe được cho là của phái đoàn Triều Tiên rời cuộc gặp với phái đoàn Mỹ tại Thụy Điển. Ảnh: Yonhap. |
Dẫn đầu phái đoàn Mỹ tham gia cuộc đàm phán bí mật là đại diện đặc biệt về Triều Tiên Steve Biegun. Trong khi đó, Triều Tiên cử Thứ trưởng Ngoại giao Choe Son Hui làm trưởng đoàn tham gia cuộc gặp.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, bên trung gian cho cuộc gặp, từ chối bình luận về các chi tiết do các bên yêu cầu giữ kín nội dung các cuộc họp kín. Tuy nhiên, Seoul tiết lộ có các dấu hiệu tích cực, đồng thời cho biết đây là động lực làm mới đối thoại giữa Washington và Bình Nhưỡng.
"Chúng tôi trông chờ cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 diễn ra và cả hai bên đạt được tiến bộ thực sự trong đàm phán phi hạt nhân hóa, trong bối cảnh động lực cho đối thoại Mỹ - Triều đang được củng cố", phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho biết.
Seoul cho biết phái đoàn Mỹ và Triều Tiên đã dùng bữa cùng nhau trong suốt 3 ngày một cách thân mật. Kết quả lạc quan từ cuộc gặp tại Thụy Điển khiến các chuyên gia nhận định Mỹ - Triều có thể sẽ sớm công bố địa điểm và thời gian chính thức cho cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un.
Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un tại Singapore ngày 12/6/2018. Ảnh: Reuters. |
Các chuyên gia nhận định Washington và Bình Nhưỡng đã thu hẹp bất đồng trong các vấn đề then chốt, dự kiến được thảo luận tại cuộc gặp thượng đỉnh lần 2 sắp tới.
Về phía Mỹ, nước này trông chờ Triều Tiên tiến hành các bước đi giải trừ quân bị thực chất tiếp theo sau khi Bình Nhưỡng đã thực hiện cam kết dỡ bỏ tổ hợp hạt nhân lớn nhất cả nước Yongbyon.
"Nhiều khả năng phái đoàn Washington kêu gọi đối tác Bình Nhưỡng xử lý các cơ sở sản xuất tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM)", Kim Sang Ki, giám đốc chương trình thống nhất từ Viện Thống nhất quốc gia Hàn Quốc, nhận định.
Đổi lại yêu cầu này, rất có thể Mỹ đã cam kết loại bỏ một số lệnh cấm vận đang siết chặt Triều Tiên. "Trên tất cả, Triều Tiên sẽ yêu cầu đưa Tổ hợp Công nghiệp Kaesong vào hoạt động trở lại, bởi việc đóng cửa tổ hợp này liên quan trực tiếp tới lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc", ông Kim nói.