Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phát hiện căn cứ tên lửa bí mật của Triều Tiên

Ảnh vệ tinh chụp căn cứ tên lửa bí mật của Triều Tiên được công bố chỉ vài tuần trước thềm hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa Tổng thống Trump và ông Kim Jong Un.

Guardian dẫn báo cáo được công bố ngày 21/1 của Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) cho biết căn cứ Sino Ri là nơi Triều Tiên cất giữ tên lửa tầm trung Nodong.

Sino Ri là một trong 20 địa điểm tình nghi là cơ sở tên lửa chiến lược mà Triều Tiên không công bố chính thức. Các chuyên gia cảnh báo tên lửa Nodong có thể được sử dụng trong kịch bản tấn công hạt nhân hoặc chiến tranh quy ước nhắm vào Hàn Quốc, Nhật Bản và lãnh thổ Guam của Mỹ.

"Căn cứ tên lửa Sino Ri và những tên lửa Nodong được triển khai tại đây phù hợp với chiến lược hạt nhân quân sự của Triều Tiên, xây dựng năng lực tấn công phủ đầu bằng vũ khí quy ước hoặc hạt nhân", báo cáo nhận định.

can cu ten lua bi mat cua Trieu Tien anh 1
Ảnh chụp vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) hé lộ căn cứ tên lửa Sino Ri của Triều Tiên. CSIS phát hiện nhiều lối vào hầm ngầm và huấn luyện. Ảnh: CSIS.

Sino Ri cách khu vực phi quân sự ngăn cách Triều Tiên và Hàn Quốc khoảng 212 km về phía bắc. Căn cứ rộng gần 18 km2, có khả năng tiếp nhận đơn vị cơ giới cấp trung đoàn và tên lửa tầm trung Nodong-1.

Triều Tiên có thể đã sử dụng căn cứ này trong chương trình phát triển tên lửa đạn đạo Pukkuksong-2, được thử nghiệm lần đầu tiên vào tháng 2/2017 không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức.

CSIS khẳng định căn cứ này chưa bao giờ được Triều Tiên công bố thông tin. Điều này khiến Sino Ri nằm ngoài danh sách những nội dung đàm phán phi hạt nhân hóa.

Nhà phân tích Victor Cha, cựu đặc phái viên Mỹ trong vấn đề Triều Tiên, lưu ý rằng bất kỳ thỏa thuận nào về phi hạt nhân hóa "toàn diện, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược" đều phải bao gồm các căn cứ tên lửa của Triều Tiên. 

"Triều Tiên sẽ không đàm phán về những điều mà họ không công bố. Họ muốn giữ lại tất cả những năng lực chiến thuật này một khi phá hủy mọi cơ sở hạt nhân đã công bố", ông cảnh báo.

can cu ten lua bi mat cua Trieu Tien anh 2
Ông Kim Jong Un thị sát buổi phóng thử tên lửa đạn đạo Hwasong-12. Ảnh: KCNA.

Trong khi đó, Kim Joon Rak, người phát ngôn Bộ Tham mưu Liên quân của Hàn Quốc, cho biết quân đội nước này và đồng minh Mỹ thời gian qua luôn giám sát chặt chẽ Sino Ri và nhiều căn cứ tên lửa khác chưa được Triều Tiên công bố.

Phát hiện của các chuyên gia tại CSIS làm tăng lại những hoài nghi về mức độ chân thành của Bình Nhưỡng trong đàm phán hạt nhân. Trong tuần này, các quan chức ngoại giao Mỹ và Triều Tiên sẽ gặp tại Thụy Điển để bàn luận kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần hai. 

Cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un dự kiến diễn ra vào cuối tháng 2. Địa điểm tổ chức vẫn chưa được công bố, dù báo chí quốc tế thời gian qua dẫn nhiều nguồn tin cấp cao cho biết Việt Nam đang là ứng viên sáng giá.

Nửa sau nhiệm kỳ TT Trump: Tokyo đối mặt tương lai ngày càng bất định

Tròn hai năm Tổng thống Trump nắm quyền, quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật nhìn chung đã được củng cố, nhưng chính sách “Nước Mỹ trước tiên” đang tạo thêm nhiều lo ngại về tương lai.

Cảnh giác Trung Quốc, Mỹ lần đầu tập trận tên lửa tại Nhật

Theo nguồn tin từ Nhật Bản, Mỹ đã trao đổi và lên kế hoạch tập trận tên lửa lần đầu tiên tại đảo Okinawa nhằm đối phó với sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc.



Thanh Danh

Bạn có thể quan tâm