Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ IV của Hội Xuất bản

Sau khi tổng kết công tác Khóa III (2011 – 2016), Hội Xuất bản Việt Nam đưa ra phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ IV (2017 – 2022)

Những công việc chưa làm được, khuyết, nhược điểm, nguyên nhân

- Một số việc chưa làm được:

  + Do điều kiện kinh phí khó khăn, cơ sở vật chất, nhân sự đều phải nhờ vả các hội viên nên chưa thực hiện được nhiệm vụ tổ chức theo định kỳ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho hội viên.

  +Chưa bảo vệ được quyền lợi chính đáng của hội viên như: Đề xuất ban hành văn bản về cơ chế, chính sách; đề nghị cấp vốn ban đầu; chống nạn in lậu và vi phạm bản quyền...

   + Chưa tổ chức được nhiều hoạt động để hội viên trao đổi thông tin nghề nghiệp, lắng nghe những khó khăn của hội viên để phản ánh với các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước.

     + Chưa phát huy được sức mạnh của hội viên, công việc của Hội bị hạn chế trong Thường trực, Thường vụ; nhiều Ủy viên Ban Chấp hành chưa hoạt động đúng với chức trách được phân công; có người trong cả nhiệm kỳ không tham gia một hoạt động chung nào của Hội.

      + Chưa làm tốt công tác phát triển hội viên mới, nhiệm kỳ III số hội viên mới phát triển còn ít.

    + Chưa tạo được nguồn kinh phí để có thể tổ chức nhiều hoạt động phục vụ hội viên tốt hơn.

      + Nhà xuất bản trực thuộc Hội tuy hoạt động với chức năng, nhiệm vụ đặc thù, nhưng chưa thạo việc nên  mắc một số sai sót, khuyết điểm, hiệu quả kinh tế thấp nên đã ngừng hoạt động.

- Nguyên nhân

+ Khách quan: Trong nhiệm kỳ, kinh tế - xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn; sự không rõ ràng trong cơ chế quản lý và hoạt động của các hội nói chung, hội chính trị-xã hội – nghề nghiệp nói riêng. Riêng với xuất bản, sự không rõ ràng này càng đậm nét hơn; các hội viên nhìn chung là những đơn vị khó khăn về kinh tế nên đóng góp cho hoạt động chung của Hội còn hạn chế.

+ Chủ quan: Thường trực Hội, Thường vụ và cao hơn là Ban Chấp hành chưa tìm được phương thức hoạt động phù hợp và hiệu quả để vượt qua những khó khăn và hạn chế khách quan.

Đánh giá chung

Trong nhiệm kỳ, Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam đã bám sát Chương trình hoạt động toàn khóa, Nghị quyết của Ban Chấp hành, tổ chức triển khai thực hiện được phần lớn các nhiệm vụ cơ bản, quan trọng đã đề ra trong chương trình công tác. Nhiều cán bộ Hội các cấp và hội viên đã tích cực ủng hộ và nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội.

Tuy nhiên, tài chính của Hội rất khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân lực hạn chế, cán bộ các cấp Hội hoạt động  chưa đều tay, vẫn còn các hội viên cơ sở chưa thật tích cực tham gia các hoạt động của Hội và chưa thực hiện nghĩa vụ theo quy định Điều lệ Hội (đóng hội phí). Sự phối hợp với các Vụ, Cục của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông về một số mặt công tác chưa thực hiện tốt.

Phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ IV (2017- 2022) của Hội Xuất bản Việt Nam

- Hội Xuất bản phối hợp với các cơ quan quản lý hoạt động xuất bản của Đảng và Nhà nước tiếp tục tuyên truyền phổ biến, vận động hội viên thực hiện nghiêm túc Luật Xuất bản và pháp luật có liên quan;

- Triển khai thực hiện Thông báo số 19/TB-TW của Ban Bí thư về việc tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 42 của Ban Bí thư khóa IX về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản trong các cấp hội với các nội dung:

+ Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động tư vấn, phản biện xã hội và bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên; chăm lo bồi dưỡng chính trị, chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp cho hội viên; phát huy vai trò tổ chức hội trong xây dựng văn hóa đọc.

+ Tiếp tục triển khai thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về tính chất chính trị của Hội; Phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất, xây dựng cơ chế phù hợp để Hội Xuất bản Việt Nam hoạt động đúng với tính chất của hội đặc thù.

- Tham gia với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch, cơ chế và các quy định chi tiết thực hiện Đề án Giải thưởng Sách Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Tổ chức tốt việc trao Giải thưởng Sách Quốc gia trong 5 năm 2017-2022; xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam trên toàn quốc, trong đó tập trung vào các khu vực trọng điểm với các hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn.

- Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như Báo điện tử Tri thức trực tuyến, Tạp chí Sách và đời sống  kiện toàn bộ máy, hoạt động đạt hiệu quả tốt.

- Triển khai thực hiện Luật về hội khi Quốc hội thông qua, xây dựng cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động và chương trình công tác mới phù hợp.

- Căn cứ tình hình cụ thể từng khu vực để mở thêm các Văn phòng đại diện của Hội tại một số khu vực.

- Tạo lập thêm các hình thức sinh hoạt nghề nghiệp như câu lạc bộ biên tập viên, những người làm sách trẻ, phát hành sách theo khu vực; mở rộng các kênh thông tin giới thiệu sách đến các đối tượng khác nhau; chủ động tổ chức và tích cực tham gia các hoạt động phát triển văn hóa đọc do các bộ, ngành, địa phương tổ chức.

- Tích cực phối hợp với các địa phương để xây dựng các phố sách, đường sách tại các khu dân cư, đồng thời vận động hội viên tham gia các hoạt động phố sách, đường sách.

- Chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học về tác phẩm Đường Kách mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhân kỷ niệm 90 năm ra đời tác phẩm.

- Cùng các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước chuẩn bị tốt chuỗi các hoạt động kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nhà in Quốc gia vốn được tổ chức liên tục hơn 60 năm qua là Ngày Truyền thống ngành Xuất bản – In – Phát hành sách.

- Tích cực tham gia các hoạt động thường niên của Hiệp hội Xuất bản Châu Á – Thái Bình Dương (APPA) và Hiệp hội Xuất bản các nước Đông Nam Á (ABPA). Chuẩn bị mọi mặt để đảm nhận vai trò Chủ tịch Hiệp hội Xuất bản ASEAN trong năm 2018.

- Chủ động tìm kiếm các nguồn thu để duy trì hoạt động bình thường của Hội.

Phương hướng công tác trên đây sẽ được BCH nhiệm kỳ IX cụ thể hóa thành chương trình hoạt động toàn khóa với từng nội dung và thời gian cụ thể.

Nhiem vu cua hoi xuat ban anh 1
Các hội sách, phố sách sẽ tiếp tục được tổ chức để đẩy mạnh văn hóa đọc. Ảnh: Việt Hùng.

Kiến nghị:

1. Đề nghị Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban Đảng có liên quan, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ chỉ đạo  triển khai thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22 tháng 9 năm 2014 của Bộ Chính trị.

 2. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ  thành lập Quỹ hỗ trợ  xuất bản và quảng bá xuất bản phẩm nhằm từng bước hiện thực hóa sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước  đã được ghi trong chỉ thị số 42/CT-TƯ ngày 25/8/2004 và Điều 7 Luật Xuất bản 2012, từ đó định hướng cho việc xây dựng văn hóa đọc và thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển lành mạnh, đúng hướng.

3. Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về xuất bản, cần quan tâm rà soát các quy định trong các văn bản hiện hành để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản; Mạnh dạn cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đẩy mạnh cải cách hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản đúng pháp luật.

Với lòng tin tưởng sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng và quản lý của Nhà nước, sự nỗ lực và ủng hộ của các hội viên trong cả nước, Hội Xuất bản Việt Nam sẽ có bước phát triển mạnh mẽ trong nhiệm kỳ 2017-2022.

‘Nhiệm vụ trọng tâm của đại hội lần này là văn hóa đọc'

Theo ông Lê Hoàng, nhiệm vụ trọng tâm của Văn phòng phía Nam Hội Xuất bản là phát triển văn hóa đọc của người dân TP.HCM và miền Nam.

 


Tuệ Mẫn

Bạn có thể quan tâm