Thú sưu tầm sách cũ, sách xưa không phải quá mới mẻ ở Việt Nam. Nhưng với sự phát triển của mạng xã hội cũng như ý thức về văn hóa đọc, mấy năm gần đây nét văn hóa này đang phát triển mạnh mẽ. Đặc biệt, đối tượng theo đuổi sưu tầm không còn là người lớn tuổi mà rất nhiều người trẻ thậm chí ở thế hệ 8X.
Một trong những minh chứng của trào lưu người trẻ sưu tầm sách xưa, sách cũ là các hội chợ sách cũ được tổ chức đều đặn trong khoảng 2 năm nay tại Hà Nội.
Một sở thích định mệnh
Luật sư Phạm Quang Huy sinh năm 1983 tại Hà Nội, hiện sở hữu khoảng 3000 đầu sách luật, văn và sử với cuốn sách xưa nhất xuất bản năm 1936 – cuốn Sử ký thanh hoa do học giả Nguyễn Văn Vĩnh dịch.
Bộ sưu tập sách luật Sài Gòn của anh Huy cũng gần đủ bộ sách giáo khoa của Đại học Luật khoa Sài Gòn trước năm 1975. Trong bộ sưu tập này, anh rất tâm đắc với các tác phẩm của Vũ Văn Mẫu, Nguyễn Mạnh Bách, Nguyễn Quang Quýnh, Nguyễn Cao Hách, Vũ Quốc Thông… “Các vị này tinh thông luật học, có thực tế (làm chính trị, hành nghề luật sư, thẩm phán), thông thạo Anh-Pháp-Hán nên sách luật của họ rất hay và được các tác giả ngày nay trích dẫn nhiều”.
Anh Huy chia sẻ về thú vui chơi sách cũ của mình: “Thập niên 1990, sách cũ là giải pháp tài chính tốt cho hai chị em tôi. Chị tôi học xong sẽ chuyển lại sách cho tôi học. Có lẽ thú chơi sách xưa đã phôi thai nơi tôi từ thuở gian khó ấy”.
Nhà sưu tập trẻ Phạm Quang Huy bên tủ sách cá nhân của mình. |
Nếu như Phạm Quang Huy yêu thích sách xưa và sử dụng để trích dẫn trong các bài báo khoa học thì với nhà báo Kiều Mai Sơn, sự yêu quý sách cũ, tài liệu cũ từ giá trị thực tế của văn bản học. Nhờ duyên của nghề báo, anh được gặp và phỏng vấn rất nhiều nhân vật nổi tiếng cũng như sở hữu những tư liệu quý của các nhân vật này.
Kiều Mai Sơn chia sẻ: “Tôi không phải người chơi sách cũ song có sưu tầm được một số đầu sách quý hiếm. Những cuốn sách ấy đến với tôi thật tình cờ, có thể lý giải rằng đó là có duyên với nhau. Đọc sách cũ, tuy chất lượng giấy có thể không tốt, giấy xấu nhưng tôi thấy trong đó là cả nét đẹp văn hoá của người làm sách. Sách cũ rất hiếm gặp những lỗi sai chính tả hoặc những lỗi về nội dung - điều thường gặp như cơm bữa hiện nay. Đó là điều tôi thấy quý sách cũ mà phiền lòng về sách mới”.
Sách xưa không bao giờ cũ
Kiến trúc sư trẻ Từ Xuân Minh là người có sở thích sưu tầm các sách văn, sử và có một bộ sưu tập đáng nể những sách hiếm tuyệt bản. Anh Minh kể: “Đằng sau một cuốn sách cũ, bao giờ cũng có một câu chuyện, và câu chuyện đó, bao giờ cũng hay hơn câu chuyện trong cuốn sách”. Cuốn sách gợi nhớ đến con người với kỷ niệm như những vật báu thời gian.
Đúng như câu slogan của một người có thâm niên bán sách cũ gần 20 năm là anh Trần Văn Thiện: “Sách xưa không bao giờ cũ – Sách cũ không bao giờ xưa”. Sách xưa có những giá trị tinh thần vượt thời gian. Những cuốn sách xưa có những hành trình riêng trong đời sống mỗi con người và tự thân nó cũng có một đời sống riêng giàu cảm xúc.
Nhiều bộ sách xưa có giá trị đã được tái bản gần đây. |
Có lẽ vì thế mà gần đây rất nhiều cuốn sách xưa đã được tái bản. Như bộ sách triết lý an vi của Kim Định, sách về âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy, một số sách được làm lại bản xưa sách cũ của các tác giả Lương Duy Thiệp, Phan Du…
Nhà báo Kiều Mai Sơn chia sẻ thêm về sự không cũ của sách xưa: “Đối với tư liệu, qua thực tế công việc của mình, tôi thấy rằng nguồn sách cũ giúp tôi nhiều điều. Có những tư liệu khi tái bản vì nhiều nguyên nhân mà người sau đã cắt bỏ. Tìm thấy chúng trong sách cũ nó cho thấy hơi thở của cả một thời. Dù đúng dù sai thì thời đại nào có sự sống của thời đại đó, thời trước và thời sau không thể thay thế hay phủ nhận được”.
Nhà sưu tập trẻ Phạm Quang Huy chia sẻ thêm về ước mong với sách xưa: “Qua trải nghiệm nghiên cứu của riêng mình, tôi những mong phong trào làm mới sách cũ sẽ đến với những sách xưa chuyên ngành (như luật học chẳng hạn) để những nhà nghiên cứu, sinh viên thời nay sẽ tiếp cận được những học thuyết, triết lý có giá trị vượt thời gian của người xưa."
Những giá trị trường tồn của sách xưa thể hiện qua sự tìm đọc của người nay. Trước đây, các bộ sách xưa quý hiếm thường chỉ lưu hành hạn chế trong giới sưu tầm. Theo đó, các nhà sưu tầm sách xưa thường thực hiện giao dịch thông qua Internet hoặc tìm kiếm trực tiếp ở các hiệu sách cũ tại phố Nguyễn Thị Minh Khai, Trần Nhân Tôn... (Sài Gòn), đường Láng, Trần Quốc Hoàn, Giải Phóng…(Hà Nội). Thời mạng xã hội lên ngôi, các nhà sưu tầm này chuyển sang giao lưu, mua bán trên facebook…Nhóm chơi sách xưa có rất nhiều người trẻ với nhiều nghề khác nhau như luật sư, kiến trúc sư, nhà báo, doanh nhân…