I. Kết quả hoạt động nhiệm kỳ III (2011-2016) của Hội Xuất bản Việt Nam
1. Vài nét khái lược về tình hình hoạt động của Hội
Sau 7 năm kiên trì kiến nghị với các cấp, các cơ quan của Đảng và Nhà nước, ngày 22/9/2014 Bộ Chính trị đã có Thông báo số 102 TB/BCT về việc Hội Xuất bản Việt Nam được hưởng các chế độ, chính sách như là hội chính trị - xã hội - nghề nghiệp.
Tuy nhiên, đến nay, Hội Xuất bản Việt Nam vẫn chưa được Nhà nước cấp kinh phí cho các hoạt động, cán bộ Hội đa phần làm việc kiêm nhiệm không có phụ cấp hoặc với phụ cấp rất ít ỏi, nhưng do yêu nghề và tâm huyết cũng như trách nhiệm trước xã hội nên vẫn tổ chức được một số hoạt động hữu ích.
Nhờ sự ủng hộ và chủ động của các chi hội cơ sở, các đơn vị trực thuộc, sự giúp đỡ của các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước nên Hội Xuất bản Việt Nam vẫn duy trì được hoạt động, khắc phục khó khăn, hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ đề ra trong chương trình hoạt động toàn khóa. Thông qua các hội viên ở cơ sở, Hội tiến hành các hoạt động nghề nghiệp nhằm sản xuất, phổ biến xuất bản phẩm, đáp ứng nhu cầu của toàn xã hội. Từ bối cảnh những thuận lợi và khó khăn trên đây, xin điểm lại những công việc chính đã làm được.
Đường sách TP.HCM ra đời có vai trò quan trọng của Hội Xuất bản Việt Nam. |
2. Kết quả hoạt động của nhiệm kỳ 2011-2016
Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của Hội
- Hội Xuất bản đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các Hội nghị sơ kết và giao ban công tác xuất bản, phát hành sáu tháng đầu năm, tổng kết công tác xuất bản, phát hành xuất bản phẩm toàn quốc các năm 2011-2016.
- Tiếp tục phối hợp với các cơ quan hữu trách trong việc hoàn thiện cơ chế xuất bản lịch Blốc.
- Trước tình hình 39/63 nhà xuất bản không hội đủ các điều kiện về vốn, trụ sở làm việc, nhân sự lãnh đạo chủ chốt và biên tập viên cơ hữu nên các nhà xuất bản này sẽ không được cấp lại giấy phép thành lập và có nguy cơ phải dừng hoạt động, Hội đã có các văn bản đề nghị Thường trực Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành hữu quan có biện pháp hữu hiệu nhằm giúp các nhà xuất bản tháo gỡ khó khăn, đồng thời có giải pháp lâu dài phát triển ngành xuất bản.
Tham gia soạn thảo, đóng góp ý kiến vào hệ thống văn bản quy phạm pháp luật
- Hội đã nghiên cứu, đề xuất và đóng góp ý kiến với Đảng và Nhà nước cùng các bộ ngành hữu quan về các vấn đề liên quan đến hoạt động xuất bản và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội của đất nước như Góp ý về sự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII; dự thảo các Đề án: "Giải thưởng Sách Quốc gia" và nhiều dự án, đề án khác.
- Thường trực Hội Xuất bản đã soạn thảo và ban hành Quy tắc đạo đức nghề nghiệp hội viên Hội Xuất bản Việt Nam; Quy chế hoạt động của các Ban chuyên môn và các đơn vị trực thuộc.
- Hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng Đề án về Ngày Sách Việt Nam. Sau khi được Chính phủ quyết định, đã tích cực phối hợp với các cơ quan hữu trách tổ chức nhiều hoạt động thiết thực tại Hà Nội, TP.HCM và một số địa phương khác nhằm tôn vinh Ngày Sách Việt Nam 21/4 và Ngày Sách và Bản quyền thế giới 23/4 bắt đầu từ năm 2014.
- Lãnh đạo Hội đã tham gia đóng góp ý kiến hoặc trực tiếp tham gia soạn thảo, xây dựng một số văn bản quy phạm pháp luật: Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật Xuất bản 2012; Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về chế độ nhuận bút trong lĩnh vực báo chí, xuất bản.
- Tổ chức nghiên cứu và đóng góp ý kiến nghiêm túc, xây dựng và dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 45 của Chính phủ về tổ chức, quản lý và hoạt động của các hội.
- Ngày 5/9/2014, tại thành phố Pleiku tỉnh Gia Lai, Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam theo chức năng, nhiệm vụ của mình đã tổ chức tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 42/CT-TW ngày 25/8/2004 của Ban Bí Thư Trung ương Đảng về nâng cao chất lượng toàn diện của hoạt động xuất bản. Ban Chấp hành Hội đã đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, xác thực, thông qua báo cáo của Hội với Đảng và Nhà nước về cơ chế chính sách và hướng phát triển của ngành xuất bản Việt Nam.
- Tháng 9/2016, Hội đã góp ý bổ sung Thể lệ Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại, trong đó đề nghị bổ sung sách bên cạnh sản phẩm báo chí.
- Sau khi Quốc hội Khóa 13 quyết định dừng việc thi hành Bộ luật hình sự 2015 để tiếp tục lấy ý kiến chỉnh sửa hoàn thiện, trong tháng 7 và tháng 8 năm 2016, Hội Xuất bản Việt Nam đã tổ chức 2 cuộc tọa đàm ở TP.HCM và Hà Nội để lắng nghe ý kiến của các hội viên là các nhà xuất bản và các công ty phát hành sách, công ty kinh doanh sách về Bộ luật Hình sự 2015. Ngày 5/9/2016 Hội đã có văn bản gửi đến các cơ quan của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và tổ chức có liên quan kiến nghị sửa đổi cơ bản điều 225 và điều 344 trong Bộ luật Hình sự 2015. Ngày 9/12/2016, Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã có văn bản giao cho các cơ quan của Chính phủ nghiên cứu tiếp thu đề xuất của Hội Xuất bản.
- Để góp phần thúc đẩy việc nhân rộng mô hình đường sách, phố sách ra cả nước, ngày 29/1/2016 lãnh đạo Hội đã gửi văn bản đến chủ tịch UBND 5 tỉnh và thành phố lớn đề nghị hưởng ứng thiết thực Ngày Sách Việt Nam thông qua việc chỉ đạo hình thành mô hình phù hợp về đường sách, phố sách ở địa phương.
- Văn phòng phía Nam của Hội đã phối hợp với Sở Truyền thông TP.HCM tổ chức tọa đàm với chủ đề "Những quyển sách làm ô nhiễm môi trường giáo dục thanh thiếu niên - thực trạng và giải pháp"; Cuộc tọa đàm đã chỉ ra thực trạng và nguyên nhân để lọt những ấn phẩm có nội dung phản cảm, gây nên sự bức xúc trong công luận và đề ra những giải pháp khắc phục, tạo được hiệu ứng xã hội tốt, góp tiếng nói định hướng dư luận và đấu tranh những nhận thức phiến diện, lệch lạc hoặc cực đoan về xuất bản thời gian gần đây.
- Hội đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, Sở Thông tin và Truyền thông TP Cần Thơ tổ chức các sự kiện về sách với vai trò là thành viên tham mưu, tư vấn về chương trình, kế hoạch và nội dung hoạt động. Đây là lần đầu tiên một hội sách có quy mô khu vực được tổ chức ở đồng bằng sông Cửu Long với số lượng hàng trăm gian hàng và hàng nghìn khách tham quan mua sắm.
- Để quản lý, điều hành hoạt động của Đường sách, Hội đã quyết định thành lập Công ty TNHH MTV Đường Sách TP.HCM, với vốn điều lệ 50 triệu đồng do Hội Xuất bản Việt Nam làm chủ sở hữu. Công ty đã đi vào hoạt động từ đầu năm 2016 và phát huy tốt vai trò cả về hiệu quả kinh tế và nội dung hoạt động.
Doanh thu ngành xuất bản có sự tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua. |
Thực hiện công tác chính trị - tư tưởng trong các đơn trực thuộc và hội viên
- Đã tổ chức quán triệt các Nghị quyết TƯ, đặc biệt đi sâu trao đổi, liên hệ với nhiệm vụ chính trị của Hội Xuất bản khi quán triệt Nghị quyết TƯ 9 khóa XI ngày 4/7/2014 về phát triển văn hóa và con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
- Tiếp tục thực hiện cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", liên hệ với thực tiễn của hội và ngành.
- Đặc biệt, khi Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép trên vùng đặc quyền kinh tế của nước ta tháng 5 năm 2014 toàn thể hội viên đã bày tỏ thái độ chính trị rõ rệt: phản đối, lên án dã tâm của Trung Quốc và đồng tình với sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước là kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, đồng thời giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển. Lãnh đạo Hội Xuất bản đã ra Nghị quyết kêu gọi toàn thể hội viên bằng hoạt động nghề nghiệp hãy xuất bản nhiều tác phẩm góp phần chứng minh chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Nhờ tác phẩm về chủ đề này đã được Hội đồng Giải thưởng Sách Việt Nam của Hội trao giải thưởng.
- Hội Xuất bản Việt Nam đã phản ánh tâm tư, nguyện vọng của hội viên và những thông tin thu thập được qua hoạt động nghề nghiệp của các tổ chức trực thuộc Hội đến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo định kỳ, hoặc theo yêu cầu đột xuất của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Về tổ chức giải thưởng sách Việt Nam
Hàng năm, Hội đều tổ chức chấm và trao Giải thưởng Sách Việt Nam theo quy định của Chính phủ. Nhìn chung Giải thưởng Sách Việt Nam đã được tiến hành nghiêm túc trong nhiệm kỳ III và có hiệu ứng xã hội tốt. Đến nay, chưa phát hiện sai sót trong quá trình chấm giải. Việc chấm giải được thực hiện theo Quy chế Giải thưởng Sách Việt Nam. Những cuốn sách đoạt giải được trao thưởng vào dịp Ngày Sách Việt Nam 21/4 kể từ năm 2014. Trong 5 năm tổng số tên sách dự thi là 1893 cuốn, trong đó có 2 cuốn Giải Đặc biệt, 41 cuốn Giải Vàng, 112 Giải Bạc và 124 Giải Khuyến khích.
Để nâng cao chất lượng Giải, Hội đã sửa đổi, bổ sung Quy chế về Giải thưởng Sách Việt Nam vào năm 2012; thường xuyên bổ sung, kiện toàn bộ máy chấm giải và đề nghị các cơ quan phụ trách như Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Ban Tuyên giáo Trung ương giao cho Hội đồng Giải thưởng Sách Việt Nam chủ động nâng cao giá trị giải thưởng bằng cách hạn chế tổng số giải trong điều kiện không được tăng kinh phí. Biện pháp này đã cho phép tăng giá trị giải Vàng từ 15 triệu lên 25 triệu đồng, tuy còn rất thấp so với giải Báo chí hoặc giải của các hội nghề nghiệp khác về văn học nghệ thuật.
Qua 11 năm trao thưởng, Giải thưởng Sách Việt Nam đã trở thành hoạt động được trông đợi của những người là xuất bản và các tác giả.
Về việc xét chọn tác phẩm dự thi viết về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"
Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản đã thành lập Hội đồng sơ khảo xét chọn tác phẩm của các nhà xuất bản và các tỉnh, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương gửi về. Sau khi chấm sơ khảo, Hội đã gửi kết quả về Hội đồng chung khảo - Ban chỉ đạo giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí hưởng ứng cuộc vận động " Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Kết quả tóm tắt như sau: đợt một năm 2013 Thư viện Quốc gia Việt Nam và Công ty cổ phần phát hành Sách TP.HCM FAHASA được trao giải quảng bá xuất bản phẩm. Đợt 2 năm 2015, bên cạnh các tác phẩm được đề nghị trao giải thưởng, Hội cũng đã đề nghị Hội đồng chung khảo trao giải thưởng cho 3 nhà xuất bản Thông tin Truyền thông, Chính trị Quốc gia - Sự thật và Công an nhân dân về hoạt động quảng bá các tác phẩm về chủ đề nói trên.
Đại diện Hội chợ sách Frankfurt đã tới Việt Nam làm việc với Hội Xuất bản hồi đầu năm 2017. |
Hoạt động hợp tác quốc tế
- Hội tích cực tham gia các hoạt động thường niên của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ABPA) và Hiệp hội Xuất bản Châu Á - Thái Bình Dương (APPA), cử người tham gia Hội chợ sách ở Mỹ từ nguồn kinh phí tài trợ.
Được sự ủy quyền của Hiệp hội Xuất bản các nước Đông Nam Á, lãnh đạo Hội Xuất bản Việt Nam đã làm việc với các cơ quan hữu trách của Lào và Đại sứ quán Campuchia tại Việt Nam về việc mời Lào và Campuchia tham gia Hiệp hội.
Hội nghị thường niên của Hiệp hội Xuất bản Đông Nam Á (ASEAN Book Publisher Association) do Việt Nam đăng cai diễn ra vào sáng 7/10/2016 tại Hà Nội. Hội nghị có sự tham gia của đại diện các hội thành viên đến từ 8 quốc gia trong ASEAN. Hội nghị đã thống nhất kết nạp Lào là thành viên chính thức và tiếp tục đề nghị Việt Nam vận động Campuchia gia nhập Hiệp hội.
- Hội Xuất bản Việt Nam đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với Hiệp hội Xuất bản Indonesia.
Về công tác tổ chức, cán bộ của Hội và phát triển hội viên
Căn cứ nhu cầu thực tế, để tăng cường sự lãnh đạo của Hội ở các tỉnh thành, Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam đã tiến hành kiện toàn bộ máy và nhân sự của Hội: Bầu bổ sung 3 Ủy viên Ban Chấp hành, trong đó có một Ủy viên Thường vụ là Phó CHủ tịch Hội phụ trách công tác của Hội ở phía Nam; bổ nhiệm Chánh văn phòng và Trưởng ban kiểm tra mới. Hội đã thành lập Văn phòng đại diện phía Nam tại TP.HCM từ 8/2014.
Trong nhiệm kỳ III đã vận động và kết nạp được 25 hội viên và các cơ quan, tổ chức ở cơ sở và bầu bổ sung 4 ủy viên Ban chấp hành Hội, trong đó có một ủy viên Thường vụ Phó chủ tịch Hội phụ trách công tác phía Nam.
Hội đã thành lập chi hội Câu lạc bộ giám đốc xuất bản, đã có những hoạt động bước đầu.
Nhằm tìm hiểu thực trạng công tác xuất bản, phát hành; giao lưu; xây dựng các chương trình phục vụ xã hội và cộng đồng, ngày 27/6/2014, Hội đã tổ chức tọa đàm, gặp gỡ các nhà xuất bản, các công ty in và kinh doanh sách ở TP.HCM.
Trong năm 2015, Lãnh đạo Hội đến làm việc, tìm hiểu tình hình của một số nhà xuất bản gặp khó khăn hoặc phải sáp nhập với đơn vị khác để chia sẻ, động viên và cùng tìm biện pháp ổn định hoạt động sau sáp nhập.
Các đơn vị trực thuộc Hội
- Về hoạt động của báo điện tử Tri thức trực tuyến nhìn chung có những bước tiến rõ rệt, số lượt truy cập cao, nội dung nhìn chung tốt, phù hợp với giới trẻ, có các chuyên mục về sách hay, sách mới, tác giả và tin tức về hoạt động xuất bản. Nội dung chuyên mục này đang được tập trung nâng cao chất lượng và số lượng bài vở ngày càng phong phú, hấp dẫn, số lượng truy cập về xuất bản trong tốp đầu các báo điện tử hiện nay. Bộ máy, nhân sự, tổ chức Đảng tiếp tục được kiện toàn để tờ ngày càng phát triển đúng hướng.
Hoạt động khác
- Hội Xuất bản Việt nam đã tặng hàng ngàn cuốn sách có giá trị cho các đơn vị bộ đội ở đảo Cồn cỏ; cho trường Trung học cơ sở Phan Văn Đường ở huyện Tư Nghĩa tỉnh Quảng Ngãi nhân ngày khai giảng năm học 2014-2015.
Trong tháng 9 và tháng 10, Hội đã vận động các chi hội, hội viên trong cả nước đóng góp ủng hộ nhân dân các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ.
Hội đã quyên góp được hơn 300 triệu và hơn 1000 bản sách thiếu nhi trực tiếp trao tặng cho các học sinh và bà con chịu ảnh hưởng của thiên tai tại Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Hội Xuất bản nỗ lực kiến nghị vấn đề bỏ hình sự hóa hoạt động xuất bản. |
3. Những công việc chưa làm được, khuyết, nhược điểm, nguyên nhân
Một số việc chưa làm được:
- Tổ chức các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nghiệp vụ cho hội viên. Do điều kiện kinh phí hạn hẹp, cơ sở vật chất, nhân sự đều phải nhờ vả các hội viên nên chưa thực hiện được nhiệm vụ này.
- Bảo vệ quyền lợi chính đáng của hội viên qua nhiều hình thức: Đề xuất ban hành văn bản về cơ chế, chính sách đặc thù đối với xuất bản, làm việc với các cơ quan chủ quản đề nghị hỗ trợ hội viên là nhà xuất bản.
- Chưa tổ chức được nhiều hoạt động để hội viên trao đổi thông tin nghề nghiệp, lắng nghe những khó khăn của hội viên để phản ánh với các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước.
- Chưa phát huy được sức mạnh của hội viên, công việc của Hội bị hạn chế trong thường trực, thường vụ: nhiều ủy viên ban chấp hành chưa hoạt động đúng với chức trách được phân công.
- Chưa tạo được nguồn kinh phí để có thể tổ chức nhiều hoạt động phục vụ hội viên tốt hơn.
- Nhà xuất bản Thời Đại trực thuộc Hội tuy hoạt động với chức năng, nhiệm vụ đặc thù, đội ngũ cán bộ và nhân viên đều mới, chưa thạo việc nên mắc một số sai sót, khuyết điểm, hiệu quả kinh tế thấp nên đã ngừng hoạt động.
Nguyên nhân
- Khách quan: Trong nhiệm kỳ, kinh tế - xã hội nước ta gặp nhiều khó khăn; sự không rõ ràng trong cơ chế quản lý và hoạt động của các hội nói chung, hội chính trị xã hội - nghề nghiệp nói riêng. Riêng với xuất bản, sự không rõ ràng này càng đậm nét hơn; các hội viên nhìn chung là những đơn vị khó khăn về kinh tế nên đóng góp cho hoạt động chung của Hội còn hạn chế.
- Chủ quan: Thường trực Hội, Thường vụ và rộng hơn là Ban chấp hành chưa tìm được phương thức hoạt động phù hợp và hiệu quả để vượt qua những khó khăn và hạn chế khách quan.
Phần công việc chưa làm được sẽ được phân tích sâu hơn trong Báo cáo kiểm điểm của Ban chấp hành Hội.
II. Phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ IV (2016-2021) của Hội Xuất bản Việt Nam
- Hội Xuất bản phối hợp với các cơ quan quản lý hoạt động xuất bản của Đảng và Nhà nước tiếp tục tuyên truyền phổ biến, vận động hội viên thực hiện nghiêm túc Luật Xuất bản và luật pháp của Nhà nước; tổ chức các lớp bồi dưỡng về chính trị, pháp luật và nghiệp vụ cho hội viên.
- Tham gia với Bộ Thông tin và Truyền thông xây dựng kế hoạch, cơ chế và các quy định chi tiết thực hiện Đề án Giải thưởng Sách Quốc gia theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Tổ chức tốt Lễ trao Giải thưởng Sách quốc gia trong 5 năm 2016-2021; xây dựng và triển khai kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam trên toàn quốc, trong đó tập trung vào các khu vực trọng điểm với các hoạt động thiết thực, hiệu quả hơn.
- Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc như Báo điện tử Tri thức trực tuyến, tạp chí Sách và đời sống kiện toàn bộ máy, hoạt động đạt hiệu quả tốt hơn.
- Tiếp tục triển khai việc thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị về tính chất chính trị của Hội, tiến hành các việc liên quan với các cơ quan chức năng. Triển khai thực hiện Luật về hội khi Quốc hội thông qua, xây dựng cơ cấu tổ chức, cơ chế hoạt động và chương trình hoạt động mới phù hợp với Luật về hội.
- Căn cứ tình hình cụ thể từng khu vực để mở rộng thêm các Văn phòng đại diện của Hội tại một số khu vực.
- Tạo lập thêm các hình thức sinh hoạt nghề nghiệp như câu lạc bộ biên tập viên, câu lạc bộ những người làm sách trẻ, câu lạc bộ phát hành sách theo khu vực; mở rộng các kênh thông tin giới thiệu sách đến các đối tượng khác nhau; tích cực tham gia các hoạt động phát triển văn hóa đọc do các bộ, ngành, địa phương tổ chức.
- Tích cực phối hợp với các địa phương để xây dựng các phố sách, đường sách tại các khu dân cư, đồng thời vận động hội viên tham gia các hoạt động phố sách, đường sách tại địa phương.
- Chủ trì tổ chức Hội thảo khoa học về tác phẩm Đường Kách Mệnh của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nhân 90 năm ra đời tác phẩm.
- Cùng với các cơ quan chức năng của Đảng và Nhà nước chuẩn bị tốt chuỗi các hoạt động kỷ niệm 65 Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh thành lập Nhà in Quốc gia. Hơn 60 năm qua, ngày 10/10 hàng năm được kỷ niệm là Ngày Truyền thống ngành Xuất bản - In - Phát hành sách cách mạng.
- Tích cực tham gia các hoạt động thường niên của Hiệp hội Xuất bản Châu Á - Thái Bình Dương (APPA) và Hiệp hội Xuất bản các nước Đông Nam Á (ABPA).
- Tích cực tìm kiếm các nguồn thu để duy trì hoạt động bình thường của Hội.
Hội Xuất bản tiếp tục nỗ lực tham gia vào các hoạt động nâng cao vai trò của ngành xuất bản Việt Nam. |
Đánh giá chung
Nguồn lực tài chính của Hội không được nhà nước hỗ trợ nên rất khó khăn, cơ sở vật chất thiếu thốn, nhân lực hạn chế, cán bộ các cấp Hội hoạt động chưa đều tay, vẫn còn các hội viên chưa thật tích cực tham gia các hoạt động của Hội và chưa thực hiện nghĩa vụ đóng hội phí theo quy định Điều lệ Hội, Công tác phối hợp với các Vụ, Cục của Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các lớp tập huấn về luật pháp và bồi dưỡng công tác nghiệp vụ cho hội viên chưa được thực hiện thường xuyên.
Trong nhiệm kỳ III, Ban Chấp hành Hội Xuất bản Việt Nam đã bám sát nội dung Nghị quyết của Ban Chấp hành, Thường vụ Hội, tổ chức triển khai thực hiện được hầu hết nhiệm vụ cơ bản, quan trọng đã đề ra trong chương trình công tác toàn khóa. Nhiều cán bộ các cấp của Hội và hội viên đã ủng hộ và nhiệt tình tham gia các hoạt động của Hội, góp phần tích cực vào những kết quả đạt được trong 5 năm qua.
III. Kiến nghị
1/ Đề nghị Văn phòng Trung ương Đảng, các Ban Đảng có liên quan, Văn phòng Chính phủ, Bộ Nội vụ chỉ đạo triển khai thực hiện Kết luận số 102-KL/TW ngày 22/9/2014 của Bộ Chính trị trong đó có kết luận về vị trí, tính chất Hội Xuất bản theo quy định của Luật về hội.
2/ Giải thưởng Sách Quốc gia là sự tiếp tục Giải thưởng Sách Việt Nam, được Hội Xuất bản Việt Nam và Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị Chính phủ xem xét để nâng cấp Giải thưởng Sách Quốc gia. Hiện nay, Hội Xuất bản đang tổ chức thực hiện Giải thưởng Sách Việt Nam năm thứ 11. Hội Xuất bản đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông sớm phê duyệt Đề án và các văn bản để triển khai. Giải thưởng Sách Quốc gia theo ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ.
3/ Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục báo cáo Thủ tướng Chính phủ thành lập Quỹ hỗ trợ xuất bản và quảng bá xuất bản phẩm nhằm từng bước hiện thực hóa sự hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đã được ghi trong chỉ thị số 42/CT-TƯ ngày 25/8/2004 và Điều 7 Luật Xuất bản 2012, từ đó định hướng cho việc xây dựng văn hóa đọc và thúc đẩy hoạt động xuất bản phát triển lành mạnh, đúng hướng.
4/ Đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông, Ban Tuyên giáo Trung ương thông báo cho Hội Xuất bản kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và các đề án về lĩnh vực xuất bản để Hội có thể thực hiện được nhiệm vụ Ban Bí thư quy định tại Quyết định 283 QĐ/TƯ ngày 26/1/2010 về tham gia xây dựng các văn bản nói trên.
5/ Bộ Thông tin và Truyền thông, Cục Xuất bản, In và Phát hành bên cạnh việc tăng cường công tác quản lý Nhà nước về xuất bản, cần quan tâm rà soát các quy định trong các văn bản hiện hành để điều chỉnh, bổ sung, sửa đổi hoặc đề nghị các cấp có thẩm quyền sửa đổi, phù hợp với thực tiễn hoạt động xuất bản. Mạnh dạn cắt giảm các thủ tục không cần thiết, đẩy mạnh cải cách hành chính theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất bản đúng pháp luật.