Gắn bó lâu năm với ngành xuất bản, ông Lê Hoàng (Trưởng văn phòng đại diện phía Nam tại TP.HCM - Giám đốc Công ty Đường sách TP.HCM) luôn trăn trở về chiến lược phát triển ngành xuất bản và phát hành.
Trước thềm đại hội ngành xuất bản, ông chia sẻ về nhiệm vụ mà ngành hướng tới trong năm 2017.
Ông Lê Hoàng, Phó chủ tịch Hội xuất bản Việt Nam. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Vì sao Văn phòng phía Nam của Hội Xuất bản chọn nội dung phát triển văn hóa đọc làm nhiệm vụ quan trọng của đại hội xuất bản năm nay?
- Theo theo số liệu của Cục Xuất bản Việt Nam năm 2015, nước ta xuất bản hơn 360 triệu bản sách, bình quân 4 đầu sách/người. Nếu phân tích sâu hơn thì số lượng sách giáo khoa, giáo trình là sách công cụ để học tập, chiếm trên 80% trong tổng số 360 triệu bản, là 288.000 bản sách giáo khoa, giáo trình.
Số lượng học sinh cấp 1, 2, 3 có khoảng 22 triệu học sinh trên cả nước trên tổng số 90 triệu dân. Như vậy, số bản sách 72.000 còn lại dành cho trên 90 triệu dân nghĩa là chưa tới một đầu sách/người mỗi năm. Như vậy, văn hoá đọc của người Việt Nam quá thấp.
Năm 2016, dù tình hình kinh doanh của các nhà xuất bản có tiến triển so với năm 2015 với tổng doanh thu hơn 2,2 nghìn tỷ đồng. Nhưng doanh thu cả ngành xuất bản không bằng tổng doanh thu của Fahasa tại TP HCM với hơn 2,4 nghìn tỷ đồng/năm.
Ngoài ra, số liệu thống kê cho thấy, tỷ lệ người dân Việt Nam sử dụng thư viện công cộng rất thấp, chỉ có 0,057 dân số, tương đương 564.133 người/90 triệu dân (theo báo SGGP, ngày 20/5).
Thực tế, Việt Nam không có tên trong danh sách 61 nước có số lượng người đọc sách cao trên thế giới, trong khi các nước Đông Nam Á có 3 nước gồm Singapore đứng thứ 36, Malaysia đứng thứ 53 và Indonesia đứng thứ 60.
Sức đọc của người Việt Nam thấp kém như vậy nên bức tranh về thị trường tiêu thụ sách cũng không thể sáng sủa. Một đầu sách ở nước ta in trung bình 1.000 - 2.000 bản, mà chưa chắc 1,2 năm có thể bán hết. Hiệu quả của kinh tế xuất bản ở Việt Nam cực thấp, do vậy người làm nghề chật vật trong cuộc mưu sinh và phát triển ngành nghề.
Vì thế, trong đại hội lần này tôi muốn nhấn mạnh đến thực trạng văn hoá đọc ở Việt Nam. Từ đại hội này chúng tôi gửi đến thông điệp: Mọi người Việt Nam hãy đọc sách.
- Cụ thể, hội có gợi ý giải pháp gì cho vấn đề này, thưa ông?
- Đối tượng chúng tôi hướng tới trước tiên là các gia đình Việt Nam. Tôi nghĩ mỗi gia đình nên quan tâm và tạo điều kiện cho con trẻ đến với sách từ sớm, tạo cho các cháu có thói quen đọc sách từ khi biết đọc. Mỗi gia đình nên có tủ sách cho con mình và xem tủ sách là tài sản quý giá đầu đời của các cháu.
Đối với ngành giáo dục, thay vì dùng phương pháp truyền đạt một chiều, thầy đọc trò chép, bài văn mẫu... thì áp dụng phương pháp thầy và trò cùng sử dụng sách làm công cụ trung tâm cho việc dạy và học trong nhà trường.
Chẳng hạn, nhà trường có quy định mỗi học sinh phải dành ít nhất 20 phút đến thư viện đọc sách mỗi ngày. Trong chương trình học có những giờ phê bình sách để mỗi bạn trình bày và nhận xét về nội dung cuốn sách mình vừa đọc.
Mục tiêu phát triển văn hoá đọc đạt được, không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cho ngành mà quan trọng hơn đó là hiệu quả về xã hội, hiệu quả về xây dựng con người.
Ông Lê Hoàng và giáo sư Tom Kosnik, tác giả cuốn sách Gear up - Bánh răng khởi nghiệp. Ảnh: Bá Ngọc. |
- Nhìn lại hoạt động một năm qua của văn phòng phía Nam. Ông đánh giá thế nào về việc phát triển Văn hóa đọc của hội ở TP.HCM?
- Năm 2016, Văn phòng Hội phía Nam đã phối hợp cùng Thành đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Thông tin và Truyền thông, Thư viện Khoa học Tổng hợp Thành phố, mở cuộc vận động quyên góp sách từ các đơn vị xuất bản, phát hành đưa về phục vụ thiếu nhi, học sinh ở các huyện nghèo ngoại thành TP.HCM và các tỉnh vùng sâu vùng xa, khu nhà trọ công nhân các khu chế xuất... với gần 40.000 bản sách, trị giá gần 1 tỷ đồng.
Đặc biệt nhất là việc hình thành Đường sách TP.HCM. Ngày càng nhiều sự kiện về văn hoá đọc được tổ chức trên đường sách như trưng bày, triển lãm, các cuộc gặp gỡ giao lưu tác giả, độc giả giới thiệu sách mới. Trung bình mỗi tuần đều diễn ra từ 2 đến 3 sự kiện.
Hoạt động trên đường sách thực sự lôi cuốn công chúng đến với sách, tác động lớn đến nhu cầu và sở thích đọc sách của người dân thành phố. Đặc biệt tác động đến tuổi thiếu nhi, học sinh, sinh viên.
- Với những tồn tại của ngành xuất bản như bản quyền, tác quyền… hội sẽ xử lý thế nào?
- Đó là những vấn đề tồn tại trong hoạt động xuất bản và phát hành, đòi hỏi cả xã hội phải vào cuộc một cách đồng bộ, mạnh mẽ thì mới khắc phục được. Có những vấn đề liên quan đến trình độ, bản lĩnh còn non yếu của đội ngũ làm xuất bản thì phải có quá trình lâu dài trong bồi dưỡng, đào tạo lại.
Vấn đề vi phạm bản quyền, in lậu, bán sách lậu là vấn đề nhức nhối của người làm xuất bản hiện nay. Cuộc đấu tranh dù nỗ lực nhưng kết quả rất khiêm tốn. Điều này liên quan đến luật không có đủ các chế tài nặng để có tính răn đe cao.