Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Phúc Long lãi gần 200 tỷ đồng

Phúc Long sau khi về tay Masan vẫn đang tỏ ra hoạt động hiệu quả với các cửa hàng flagship. Tuy nhiên, mô hình kiosk không mang lại thành công như kỳ vọng.

Các cửa hàng flagship của Phúc Long đang hoạt động hiệu quả hơn mô hình kiosk. Ảnh: MSN

Tập đoàn Masan, công ty mẹ của Phúc Long Heritage vừa công bố kết quả kinh doanh năm 2022. Trong đó hệ thống Phúc Long (PLH) đạt 1.579 tỷ đồng doanh thu và 195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA). Phúc Long đóng góp 2% doanh thu và 1,3% lợi nhuận cho công ty mẹ.

Những con số tích cực này đến từ các cửa hàng flagship hoạt động hiệu quả với doanh thu và EBITDA lần lượt đạt 1.153 và 332 tỷ đồng. Masan ước tính các cửa hàng flagship mang lại doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp đôi doanh thu của cửa hàng tương tự trong ngành, biên EBITDA trên 35%.

Trong năm 2022, PLH đã khai trương 44 cửa hàng flagship, nâng số cửa hàng flagship đến cuối 2022 lên con số 132, tăng gấp đôi số lượng của mô hình này kể từ khi được Masan mua lại. Trong đó, số cửa hàng flagship đạt kỷ lục vào quý IV/2022 với 23 cửa hàng mới.

Ngược lại, hệ thống kiosk và cửa hàng mini của Phúc Long chỉ mới mang lại 426 tỷ đồng doanh thu tương đương khoảng 27% doanh thu cho hệ thống Phúc Long. EBITDA của mô hình này đang bị âm 134 tỷ đồng, con số lỗ thực tế còn lớn hơn do chưa trừ đi chi phí lãi vay, khấu hao.

Nếu so sánh với số liệu của quý III, hệ thống kiosk và cửa hàng mini Phúc Long chỉ đạt doanh thu vỏn vẹn 44 tỷ trong khi lỗ thêm tới 100 tỷ vào quý IV/2022.

Masan cũng thừa nhận Phúc Long đã đóng cửa các kiosk hoạt động kém hiệu quả và việc này tiêu tốn 42 tỷ đồng chi phí. Bên cạnh đó, ban điều hành công ty đang tiến hành đánh giá toàn diện trong quý I nhằm xác định mô hình hoạt động tối ưu trước khi tiếp tục nhân rộng.

Trước đó, mô hình kiosk và cửa hàng mini tích hợp trong các siêu thị WinMart, WinMart+ được kỳ vọng giúp Phúc Long như "hổ mọc thêm cánh".

Các chuyên gia nhận định Phúc Long sẽ có lợi thế tiết kiệm được các chi phí thuê mặt bằng, nhanh chóng mở rộng được hệ thống chuỗi trên toàn quốc chứ không chỉ ở các thành phố lớn. Ngoài ra, thương hiệu trà và đồ uống này còn có thể tận dụng tập khách hàng của hệ thống WinMart, WinMart+.

Tuy nhiên, thực tế đã chứng minh rằng mô hình này không mang lại hiệu quả như kỳ vọng.

Phúc Long dự kiến doanh thu thuần năm nay dao động 2.500-3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 58-90% so với năm ngoái nhờ mở khoảng 90 cửa hàng và duy trì hiệu quả doanh thu như hiện tại.

Masan cũng tiết lộ Phúc Long sẽ ra mắt thị trường quốc tế trong năm 2024-2025. Doanh nghiệp đang chuẩn bị cho việc mở rộng này với sự bổ sung CEO mới là người có bề dày kinh nghiệm trong mảng nhượng quyền thương hiệu quốc tế để phát triển các quy trình và hệ thống vận hành chuẩn quốc tế ngay từ năm nay.

Vingroup thu hơn 5,5 tỷ USD năm qua

Năm 2022, doanh thu thuần hợp nhất bao gồm cả doanh thu từ chuyển nhượng bất động sản ghi nhận vào thu nhập tài chính của Vingroup đạt 130.759 tỷ đồng, tương đương hơn 5,5 tỷ USD.

Độc giả có thể tìm thêm nhiều câu chuyện truyền cảm hứng về những gương doanh nhân thành công, kinh nghiệm điều hành doanh nghiệp và những kiến thức mới mẻ thời đại 4.0 ở tuyển tập sách của Zing tại Tủ sách kinh tế

Diệu Thanh

Bạn có thể quan tâm