Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Masan đặt mục tiêu doanh thu 100.000 tỷ đồng trong năm nay

Tập đoàn Masan (MSN) ước tính doanh thu thuần trong năm tài chính 2023 đạt 90.000-100.000 tỷ đồng, tức tăng trưởng 18-31% so với mức 76.189 tỷ đồng của năm 2022.

Đây là dự báo sơ bộ của Masan về kết quả tài chính năm 2023, được nêu trong bản phân tích chi tiết kết quả kinh doanh chưa soát xét của quý IV/2022 và năm tài chính 2022 vừa công bố.

Lợi nhuận sau thuế TNDN ở các mảng kinh doanh chính (chưa bao gồm khoản thu nhập 1 lần) trong năm nay dự kiến nằm trong khoảng 4.000-5.000 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tăng trưởng 4-30% so với mức 3.852 tỷ đồng trong năm 2022.

Trong trường hợp các điều kiện kinh tế vĩ mô xấu hơn dự kiến và tâm lý thắt chặt chi tiêu vẫn tiếp diễn, ban điều hành ước tính doanh thu tăng trưởng trong khoảng 10-15%.

DOANH THU TẬP ĐOÀN MASAN CÁC NĂM TÀI CHÍNH GẦN ĐÂY
Số liệu năm 2021 đã loại trừ doanh thu mảng thức ăn chăn nuôi do đã chuyển giao.
NhãnNăm 2021Năm 2022Dự báo năm 2023
Doanh thu Tỷ đồng 74.22476.189100

Động lực tăng trưởng chính

Năm nay, tập đoàn xác định The CrownX vẫn tiếp tục là động lực tăng trưởng, đóng góp hơn 70% vào tổng doanh thu, tức đạt doanh thu thuần khoảng 65.000-72.300 tỷ đồng, tăng 16-29% so với năm 2022.

Trong đó, WinCommerce dự kiến mang lại 36.000-40.500 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 23-38%, với động lực chính là việc tiếp tục mở 800-1.200 cửa hàng thành công và tăng doanh thu cấp cửa hàng khoảng 5-10%.

Trước đó, trên cơ sở chuẩn hóa, doanh thu mảng này đã tăng 10,8% trong quý IV/2022 và tăng 6,4% trong năm 2022. Biên EBITDA ở cấp độ cửa hàng đạt 6,5% cho phép chuỗi này mở mới 730 cửa hàng WinMart+ trong năm.

masan anh 1

WinCommerce dự kiến là mảng đóng góp doanh thu lớn nhất cho Masan. Ảnh: MSN.

Mảng khác của The CrownX là Masan Consumer Holdings (MCH) cũng dự kiến mang lại doanh thu thuần 30.500-33.500 tỷ đồng trong năm nay, tăng 15-30% so với năm trước nhờ chú trọng vào hoạt động R&D.

Để đạt được mức tăng trưởng này, MCH sẽ đẩy mạnh doanh thu từ các sản phẩm mới và tập trung chinh phục các khu vực địa lý chưa đạt hiệu quả kinh doanh tối ưu. Thực phẩm tiện lợi, đồ uống, sản phẩm chăm sóc cá nhân tại nhà dự kiến là động lực tăng trưởng chính cho MCH, đóng góp xấp xỉ 2/3 tổng tăng trưởng doanh thu trong năm.

"Đây là chiến lược của MCH nhằm nắm giữ thị phần lớn hơn ở các ngành hàng có thị trường lớn và có tốc độ tăng trưởng cao nhưng MCH có mức độ thâm nhập chưa cao như ngành gia vị, nhằm duy trì mức tăng trưởng hàng năm 20% trong vòng vài năm tới. Trong quý IV/2022, MCH đã tái tổ chức nhằm phát triển một mô hình hoạt động chuyên biệt hơn theo ngành hàng và kênh bán hàng", bản phân tích của Masan nêu rõ.

Những toan tính với Phúc Long

Trong khi đó, Phúc Long sau khi về tay Masan vẫn đang tỏ ra hoạt động hiệu quả. Năm 2022, mảng kinh doanh này đem về 1.579 tỷ đồng doanh thu và 195 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, lãi vay và khấu hao (EBITDA), chủ yếu nhờ các cửa hàng flagship hoạt động hiệu quả với doanh thu và EBITDA lần lượt đạt 1.153 và 332 tỷ đồng.

Masan ước tính các cửa hàng flagship mang lại doanh thu trên mỗi cửa hàng gấp đôi doanh thu của cửa hàng tương tự trong ngành, biên EBITDA trên 35%, cao hơn hẳn so với các chuỗi F&B thuộc top đầu thế giới. Tập đoàn đặt mục tiêu đưa Phúc Long trở thành công ty trà và cà phê số một Việt Nam trong vòng vài năm tới, hướng đến mục tiêu chinh phục thị trường quốc tế.

Song song đó, thương hiệu cũng đã đóng các kiosk hoạt động kém hiệu quả. Điều này khiến doanh nghiệp thiệt hại 42 tỷ đồng chi phí. Ban điều hành cho hay đang đánh giá toàn diện trong quý IV/2023 nhằm xác định mô hình hoạt động tối ưu trước khi tiếp tục nhân rộng.

Dù vậy, mảng này dự kiến vẫn tăng trưởng 58-90% trong năm nay, đem về mức doanh thu thuần 2.500-3.000 tỷ đồng thông qua việc mở thành công 75-90 cửa hàng flagship và duy trì hiệu quả doanh thu như hiện tại.

Bản phân tích cũng tiết lộ Phúc Long sẽ ra mắt thị trường quốc tế trong năm 2024/2025. Doanh nghiệp đang chuẩn bị cho việc mở rộng này với sự bổ sung CEO mới là người có bề dày kinh nghiệm trong mảng nhượng quyền thương hiệu quốc tế để phát triển các quy trình và hệ thống vận hành chuẩn quốc tế ngay từ năm nay.

masan anh 2

Masan đang đặt ra tham vọng lớn với Phúc Long. Ảnh: MSN.

Bên cạnh đó, Masan MEATLife (MML) dự kiến đạt doanh thu thuần 8.500-9.000 tỷ đồng, tăng 78-88% so với cùng kỳ năm trước. Động lực tăng trưởng đến từ việc mở rộng danh mục sản phẩm thịt heo và thịt gà, đặc biệt là thịt chế biến, và việc tăng cường năng lực phân phối qua kênh WCM.

Lợi nhuận dự kiến sẽ được cải thiện nhờ tỷ lệ sử dụng cao hơn, doanh số bán thịt chế biến tăng và việc kiểm soát chi phí mạnh mẽ hơn nữa, trong đó có tối ưu chi phí hậu cần và bán hàng gián tiếp.

Ngoài ra, Masan High-Tech Materials (MHT) dự kiến đạt doanh thu thuần 16.500-18.200 tỷ đồng, tăng 6-17% so với năm trước. Các sáng kiến chủ chốt là tập trung tối ưu hóa chi phí, tích hợp với Nyobolt và chuẩn bị cho hoạt động tái chế phế liệu vonfram và chất thải đen. MHT cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm cơ hội bán lượng đồng tồn kho ở thị trường trong nước và quốc tế.

Trên bảng cân đối kế toán, Masan cho biết sẽ tiếp tục tìm kiếm các giải pháp thay thế trên thị trường vốn để giãn thời gian đáo hạn các khoản vay, cải thiện lãi suất và kết quả kinh doanh thông qua việc giảm nợ.

"Năm 2022, chúng tôi củng cố nền tảng tiêu dùng bán lẻ tích hợp với việc ra mắt các cửa hàng Win. Năm 2023 và xa hơn nữa, những đổi mới mang tính quyết định tiếp theo của Masan sẽ là số hóa toàn bộ cơ sở hạ tầng tiêu dùng từ sản xuất đến bán lẻ, đồng thời phát triển nền tảng tích hợp giữa thương mại hiện đại và thương mại truyền thống.

Nếu thực hiện được điều này, sẽ ngày càng có nhiều người tiêu dùng lựa chọn Masan bởi những trải nghiệm mua sắm độc đáo và chi phí tiết kiệm ít nhất 5% cho các sản phẩm và dịch vụ thiết yếu hàng ngày. Tốc độ và mức độ đổi mới sâu rộng là điều khiến Masan tự tin về triển vọng tăng trưởng trung và dài hạn", ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Masan chia sẻ.

Masan Group mua lại trước hạn 1.700 tỷ đồng trái phiếu

Tập đoàn này tiếp tục giảm số dư trái phiếu đáo hạn trong năm sau bằng việc mua lại lượng lớn giá trị 18 lô trái phiếu phát hành tháng 8/2020.

Masan Group vay được 600 triệu USD lãi suất thấp

Trong bối cảnh thị trường vốn đang gặp nhiều thách thức, tập đoàn này vẫn gọi vốn thành công 600 triệu USD với lãi suất thậm chí còn thấp hơn trước đây 2 năm.

Lan Anh

Bạn có thể quan tâm