Tập đoàn bán lẻ trong nước huy động được nguồn tiền lớn trong bối cảnh thị trường vốn trong nước đang khó khăn. Ảnh: Masan. |
Tập đoàn Masan vừa công bố nhận giải ngân thành công toàn bộ khoản vay hợp vốn trị giá 600 triệu USD (gần 15.000 tỷ đồng), được sắp xếp bởi BNP Paribas, Credit Suisse, HSBC và Standard Chartered Bank.
Giao dịch còn được bảo lãnh phát hành và thu hút 37 tổ chức tài chính quốc tế đăng ký vượt mức; đồng thời trở thành khoản huy động hợp vốn nước ngoài kỳ hạn 5 năm có giá trị lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam.
Khoản vay bằng USD có lãi suất 2,9%, cộng với lãi suất tham chiếu SOFR (tương đương lãi suất khoảng 6,7% mỗi năm). Biên độ trên lãi suất tham chiếu giảm 35 điểm cơ bản so với khoản vay hợp vốn trị giá 200 triệu USD từng hoàn thành vào năm 2020.
Diễn biến này cho thấy mức cải thiện đáng kể trong hợp đồng vay vốn 5 năm mới nhất (khoản vay hợp vốn năm 2020 có kỳ hạn 3 năm), bởi môi trường lãi suất hiện nay đã cao hơn nhiều so với thời điểm năm 2020.
Trên thực tế, việc tăng vay bằng USD có dẫn đến rủi ro ngoại hối lớn hơn trong bối cảnh lãi suất tăng. Masan cho biết sẽ chủ động theo dõi và đánh giá thời điểm thích hợp để thực hiện các giao dịch phái sinh nhằm giảm thiểu rủi ro thị trường và vẫn duy trì chi phí vốn một cách tối ưu.
Tập đoàn đa ngành này tin rằng các điều khoản tín dụng có lợi hơn và khả năng tiếp cận vốn mạnh mẽ đến từ sự cải thiện về kết quả kinh doanh ở các mảng kinh doanh cốt lõi.
Chẳng hạn, The CrownX đã cải thiện đáng kể khả năng tạo ra dòng tiền và qua đó có thể tạo ra lợi nhuận EDITDA gấp 3 lần so với năm 2019 (thời điểm hợp nhất). Biên EBITDA tăng từ 5,5% lên 13,4% trong cùng thời gian kể từ khi được Masan vận hành.
Các bên cho vay và đối tác quốc tế khác cũng đã ghi nhận các kết quả kinh doanh khởi sắc và sự mở rộng hệ thống bán lẻ có lợi nhuận.
Masan Group đã thực hiện đợt phát hành trái phiếu trị giá 1.700 tỷ đồng (kỳ hạn 5 năm) vào tháng 11 vừa qua cho các nhà đầu tư đa quốc gia. Đây là các tổ chức đang quản lý các quỹ trái phiếu có tổng tài sản (AUM) cao đang hoạt động tại Việt Nam.
Tập đoàn cũng phát hành thành công thêm 2.500 tỷ đồng trái phiếu trong nước trong năm 2022. Kỳ hạn của tất cả trái phiếu này đều là 5 năm để gia tăng nguồn vốn dài hạn.
Masan Group khẳng định các khoản huy động vốn mới sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến tỷ lệ đòn bẩy tài chính, đồng thời tăng khả năng thanh khoản đáng kể nhờ thời hạn khoản vay dài hơn và hiệu quả hoạt động được cải thiện.
Tính đến tháng 11/2022, tập đoàn đã trả hết toàn nợ vay và lãi vay năm 2022 trị giá 6.915 tỷ đồng và còn trả trước hạn 6.660 tỷ đồng nợ đáo hạn vào năm 2023.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...