Đầu tháng 3, Nhà xuất bản Phụ Nữ (NXB) ra mắt tủ sách Phụ nữ tùng thư, xuất bản những cuốn sách về tư tưởng, các vấn đề liên quan đến nữ giới. Tới nay, đã có những cuốn sách thuộc tủ sách này được phát hành như: Phan Khôi - Vấn đề phụ nữ ở nước ta, Đạm Phương nữ sử - Vấn đề phụ nữ ở nước ta, Một điểm tinh hoa - Thơ văn Hồng Hà nữ sĩ. Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc NXB Phụ Nữ - chia sẻ về việc thực hiện tủ sách này cũng như những giá trị mà nó hướng tới.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc NXB Phụ Nữ, đơn vị xây dựng tủ sách Phụ nữ tùng thư. |
- Từ đâu mà nhà xuất bản có ý định thực hiện tủ sách "Phụ nữ tùng thư"?
- Xuất phát từ thực tại giáo dục xã hội Việt Nam hiện nay, có rất nhiều phong cách, trào lưu nuôi dạy con du nhập vào nước ta như nuôi dạy con kiểu Pháp, Đức, Mỹ, Do Thái, Nhật… Chúng tôi tiếp cận sớm những trào lưu ấy, nhưng điều ấy cũng gợi chúng tôi suy nghĩ: liệu các phương pháp giáo dục ấy, trong truyền thống Việt Nam có hay không?
Chúng tôi tìm hiểu trong lịch sử, lật lại vấn đề, và thấy nó tản mát trong những bà mẹ, những câu chuyện lưu lại trong dân gian, và một phần nữa ở thời kỳ cận hiện đại, mà tiêu biểu là bà Đạm Phương, với những công trình phụ nữ dự gia đình, nhi đồng, giáo dục phụ nữ, phụ nữ thường đàm…
Khi đọc những trước tác của Đạm Phương, chúng tôi thấy rất rõ truyền thống giáo dục Việt Nam, đồng thời du nhập những trào lưu giáo dục phương Tây. Bà Đạm Phương dịch qua tiếng Pháp những cách giáo dục sớm từ Italy, Pháp… Chúng ta có thể học rất nhiều từ những truyền thống mà bà trao truyền lại lẫn những tác phẩm giáo dục sớm mà bà dịch từ đầu thế kỷ 20.
Đó là ý tưởng khiến chúng tôi làm tủ sách Phụ nữ tùng thư. Chúng ta không chỉ bàn về những vấn đề phụ nữ, mà còn nói đến những phạm vi khác như phụ nữ với vấn đề giáo dục như thế nào, phụ nữ với vấn đề chính trị ra làm sao…
- Tủ sách này sẽ có những dòng sách, quan tâm đến những nội dung gì?
- Thứ nhất chúng tôi tìm ra những nhà tiên phong về nữ quyền ở Việt Nam, những người quan tâm tới vấn đề phụ nữ, chúng tôi hệ thống lại để đưa vào tủ sách này.
Đồng thời, chúng tôi giới thiệu những phong trào phụ nữ trên thế giới, những phong trào ở Việt Nam. Đó là những khảo cứu, nghiên cứu… như tác phẩm của Đạm Phương, Phan Khôi mà chúng tôi đã làm.
Những cuốn sách nước ngoài thực hành nữ quyền, phong trào phụ nữ cũng sẽ được dịch đưa vào tủ sách.
Chúng tôi muốn bảo tồn những giá trị truyền thống, ví dụ những sáng tác của phụ nữ trung đại, mà chúng ta bị khoảng cách về thời gian nên ngôn ngữ có khác biệt, nên chúng tôi dịch lại, sưu tập lại để cho ra những sáng tác của phụ nữ. Tới đây chúng tôi sẽ ra cuốn tuyển thơ văn Đoàn Thị Điểm.
- Khi thực hiện tủ sách này, Nhà xuất bản hướng tới mục tiêu gì?
- Chúng tôi hướng tới lưu trữ các vấn đề phụ nữ một cách hệ thống. Chúng tôi muốn đánh giá lại lịch sử vấn đề phụ nữ đã được nghiên cứu như thế nào tại Việt Nam, và cũng muốn trao đổi lại việc nghiên cứu đó với thế giới, và giới thiệu thế giới về Việt Nam.
- Để thực hiện được mục tiêu đó, nhà xuất bản phải hợp tác với những nhà chuyên môn nào?
- Chuyện này cũng rất công phu. Chúng tôi có một hội đồng cố vấn chọn tác giả, tác phẩm nào được vào tủ sách này. Trước mắt chúng tôi đang mời nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương - một nhà nghiên cứu trẻ từ Viện Văn học - để thực hiện vấn đề này. Bên cạnh đó chúng tôi cũng tham vấn nhà nghiên cứu Bùi Trân Phượng - một nhà giáo dục, lịch sử nghiên cứu vấn đề phụ nữ.
Chúng tôi cũng tham vấn những nhà nghiên cứu độc lập khác như Lại Nguyên Ân, Đỗ Lai Thúy… Ngoài ra, để ra được tủ sách có chất lượng chúng tôi sẽ làm việc với hội đồng cố vấn để ra được những cuốn sách chất lượng.
Đạm Phương nữ sử - Vấn đề phụ nữ ở nước ta là một công trình dày dặn mới ra mắt thuộc tủ sách Phụ nữ tùng thư. |
- Tại sao Nhà xuất bản lại chọn cái tên hoài cổ là “Phụ nữ tùng thư”?
- Có cái tên ấy là từ ý tưởng về truyền thống. Chúng ta cứ lao theo những giá trị hiện đại mà quên đi giá trị truyền thống. Chúng tôi nghĩ bên cạnh tìm hiểu, cập nhật hiện đại, chúng ta cũng cần lưu giữ truyền thống. Hiện nay chúng ta đang cực đoan, chỉ chạy theo một thái cực thôi, cứ thấy một phương pháp dạy con này hay là phủ nhận tất cả những phương pháp khác. Quá trình chúng ta tiến bộ lên là chuyện chúng ta tiếp thu giá trị truyền thống như nào, cộng với giá trị mới, nó sẽ tốt hơn.
Chính vì thế, chúng tôi đặt tên là “Phụ nữ tùng thư” nghe có vẻ cổ để thể hiện sự bảo tồn, lưu trữ, gìn giữ bản sắc dân tộc. Đồng thời chúng tôi muốn hướng tới giá trị hiện đại, đó là việc hệ thống hóa lại các vấn đề khi mà nhà nghiên cứu muốn tiếp cận, khi độc giả muốn tiếp cận thì họ sẽ tìm thấy ở đây những vấn đề mang tính hệ thống.
- Vấn đề nữ quyền của chúng ta đặt ra từ đầu thế kỷ 20, liệu tủ sách này có nhiều dữ kiện để khai thác?
- Thật ra chúng ta đặt ra vấn đề nữ quyền từ rất sớm. Từ thế kỷ 18, Đoàn Thị Điểm từ đó đã đặt ra rồi, sau đó đến Hồ Xuân Hương. Trước đó nữa, chúng tôi có làm cuốn Tuyển thơ nữ Việt Nam từ xưa đến nay (sách song ngữ), chúng tôi thấy ý thức về giới có từ rất sớm ở Việt Nam. Tôi nghĩ kể từ thời Hai Bà Trưng đã có ý thức nữ quyền, khẳng định phụ nữ có thể làm mọi việc như nam giới, kể cả những việc khó nhất, tưởng như không thực hiện ở nữ giới như cưỡi voi ra trận, chống giặc ngoại xâm, thì khởi thủy Việt Nam ta đã có.
Chúng tôi tin rằng tủ sách này có sức nặng, giá trị tư liệu phong phú. Tới đây chúng tôi còn làm cả những cuốn sách về thời kỳ rất sớm trong lịch sử Việt Nam,
- Ngày nay, các đơn vị làm sách cho phụ nữ thường hướng tới sách dạy làm đẹp, thời trang, các trào lưu dạy con đang thịnh hành… nhằm đạt hiệu quả kinh tế. Chị có tự tin về lượng sách phát hành của tủ sách này?
- Chúng tôi vẫn đi hai chân. Một bên chúng tôi đáp ứng nhu cầu thông thường hiện nay, những giá trị phổ cập, những sách kỹ năng để phụ nữ tham khảo, ví dụ liên quan đến thời trang, làm đẹp, nuôi dạy con… Nhưng đồng thời chúng tôi quan tâm đến giá trị khác, những giá trị mà mình tự lĩnh trách nhiệm ấy, là mở rộng, nâng cao tri thức cho phụ nữ.
Để mở rộng, nâng cao, chúng ta phải có tri thức nền tốt, hiểu lịch sử văn hóa đất nước. Vì thế chúng tôi quyết tâm ra tủ sách này. Chắc chắn sẽ có những khó khăn, bởi một vấn đề như vấn đề phụ nữ, nếu mọi người không hiểu thực chất, căn cơ, mọi người sẽ thấy đó là một nửa trong xã hội, nhưng một nửa xã hội này có tác động rất lớn tới toàn xã hội. Nếu chúng ta giải phóng đúng sức mạnh của phụ nữ, chúng ta sẽ nhận thấy những tiềm năng rất lớn của phụ nữ.
Chúng tôi tin tưởng từ những vấn đề, tư tưởng về phụ nữ sẽ đóng góp nhận thức, giải phóng đúng sức mạnh phụ nữ.
- Khi triển khai tủ sách này, Nhà xuất bản gặp những khó khăn gì, và phải giải quyết chúng ra sao?
- Chắc chắn có những khó khăn. Làm tủ sách này chúng tôi phải lưu trữ, bảo tồn, lấy tư liệu từ những khảo cứu công phu, do đó sách dày dặn. Sách không mỏng thì mình có cách nào để lan tỏa những giá trị này đến bạn đọc?
Chúng tôi có hai cách. Một cách là chúng tôi tổ chức những buổi giao lưu, tọa đàm giới thiệu sách, những buổi có chuyên gia bàn đến những vấn đề. Một mặt chúng tôi tách ra những vấn đề nhỏ, ví dụ như trong di sản của Đạm Phương nữ sử có những vấn đề nhỏ về gia đình, phụ nữ, giáo dục con… chúng tôi tách vấn đề ra, để mọi người có thể tiếp cận từng vấn đề nhỏ.
Một mặt chúng tôi đi vào kênh thư viện phục vụ các nhà nghiên cứu, các độc giả ở những đối tượng, độ tuổi khác nhau.