Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đạm Phương nữ sử - nhà báo đấu tranh nữ quyền đầu tiên

Đạm Phương nữ sử không chỉ là người phụ nữ cấp tiến, mà còn có đóng góp lớn cho nhận thức và thực hành vấn đề nữ quyền ở nước ta 100 năm trước.

Sách Đạm Phương nữ sử - Vấn đề phụ nữ ở nước ta do Đoàn Ánh Dương tuyển chọn mới được NXB Phụ Nữ giới thiệu tới bạn đọc đúng dịp 8/3. Cuốn sách không chỉ nêu lên những vấn đề của phụ nữ Việt Nam 100 năm trước, qua đó cho thấy bức tranh xã hội Việt Nam, mà còn nói lên rất nhiều điều về tác giả Đạm Phương nữ sử - người phụ nữ hết lòng vì vấn đề phụ nữ.

Dam Phuong nu su - nha nu quyen anh 1
Sách Đạm Phương nữ sử tập hợp những bài báo, bài phát biểu, tác phẩm văn thơ về vấn đề phụ nữ. 

Người hết mình vì vấn đề phụ nữ ở nước ta

Đạm Phương nữ sử tên thật là Công Nữ Đồng Canh, sinh năm 1881, mất năm 1947. Bà thuộc dòng dõi hoàng tộc, là con gái của hoàng tử Nguyễn Phúc Miên Thiện, cháu vua Minh Mạng. Tuy xuất thân từ xứ Huế - đất ngại vàng ngự trị, song trong buổi đầu tiếp cận tân học, bà khiến giới học thuật, nghiên cứu đời nay kinh ngạc về tư tưởng, những đóng góp cho vấn đề phụ nữ ở nước ta.

Tiến sĩ Đoàn Ánh Dương là người biên soạn cuốn sách này, khi tiếp cận di sản của Đạm Phương nhận xét: “Những tư liệu về Đạm Phương cho thấy một tư duy bén nhạy, một ý chí quả quyết, một thái độ cầu thị, và một tinh thầnh ăng say, một tấm lòng nồng nhiệt cho sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, tất cả khẳng định thêm vị trí quan trọng của Đạm Phương trong các hoạt động văn hóa xã hội ở Việt Nam những năm giao thời.

Sách Đạm Phương nữ sử - Vấn đề phụ nữ ở nước ta được Đoàn Ánh Dương chia thành ba phần. Phần đầu tập hợp các bài báo của bà Đạm Phương từ các tờ báo như Nam Phong tạp chí, Lục tỉnh tân văn, Trung Bắc tân văn, Hữu thanh… về quan điểm nữ học.

Phần hai tập trung vào những bài viết của Đạm Phương, các nhà nghiên cứu thời đó viết về Nữ công học hội (Hội phụ nữ đầu tiên do bà Đạm Phương tổ chức, hoạt động rất bài bản, hiệu quả tại Việt Nam đầu thế kỷ 20). Đây là cách bà thực hành những quan điểm về vấn đề phụ nữ ở phần đầu.

Phần ba tập hợp những sáng tác hư cấu của bà gồm thơ, câu đối, tiểu thuyết về phụ nữ của bà.

Theo nhà nghiên cứu Đoàn Ánh Dương, đóng góp của Đạm Phương thể hiện quan điểm về phụ nữ, nữ quyền, sự phát triển, tiến bộ của phụ nữ đầu thế kỷ 20, trong lúc giao thời, tiếp xúc văn minh âu, Tây.

Quan điểm nổi trội là bà đặt vấn đề giáo dục gia đình, nữ học, giáo dục nhi đồng. Trọng tâm các bài viết của bà đều xoay quanh giáo dục cho trẻ em gái, giáo dục phụ nữ.

Trong bối cảnh đầu thế kỷ 20 có nhiều luồng quan điểm. Trong đó Nho giáo không đặt nặng vấn đề phụ nữ. Ở đây bà lên tiếng về việc cần thiết giáo dục phụ nữ, bên cạnh giáo dục nam giới. Căn cốt đứa trẻ trong gia đình từ giáo dục của mẹ. Nếu người mẹ giáo dục tốt, thì đứa trẻ có điều kiện thụ hưởng nền giáo dục tốt.

Dam Phuong nu su - nha nu quyen anh 2
Đạm Phương nữ sử - người có đóng góp to lớn cho nhận thức, thực hành nữ quyền ở Việt Nam đầu thế kỷ 20.

Dạy phụ nữ tự học, khởi nghiệp, chăm con từ 100 năm trước

Những đóng góp của Đạm Phương nữ sử không chỉ có tác động tới nữ giới tại Việt Nam khoảng 100 năm trước, mà còn có ý nghĩa nhất định với xã hội. Nhà nghiên cứu Bùi Trân Phượng - người đã dành 7 năm làm Tiến sĩ ở Pháp để nghiên cứu về vấn đề phụ nữ ở Việt Nam đầu thế kỷ 20. Quá trình nghiên cứu, bà Trân Phượng đánh giá Đạm Phương là tiếng nói mạnh mẽ, góp tiếng nói đồ sộ thời kỳ đầu thế kỷ 20.

Tư tưởng phương Tây xâm nhập vào nước ta từ trước, nhưng đến đầu thế kỷ 20 mới khởi phát, lan rộng ra toàn xã hội. Cái mới không còn nằm trong một nhóm người thiểu số tinh hoa biết được, mà xâm nhập vào toàn xã hội, tác động vào nhận thức số đông. Đạm Phương nữ sử là một trí thức lớn trong thời kỳ có nhiều trí thức mà đến nay chúng ta vẫn cần học hỏi. Thời kỳ đó, theo nhà nghiên cứu Trân Phượng, có những nhà nữ quyền như Phan Bội Châu, nữ sĩ Manh Manh, Đạm Phương nữ sử.

“Khi đọc cuốn sách này, tôi nhận thấy sự kiên quyết, nhất quán của bà khi bảo vệ quyền con người nói chung, quyền nữ giới nói riêng. Tôi đánh giá bà Đạm Phương là người ôn nhu, trầm tĩnh, quyết đoán và đi rất xa trong tư tưởng nữ quyền của mình” - nhà nghiên cứu Trân Phượng nói.

Đọc các bài của Đạm Phương viết về trinh tiết, tưởng rằng tư tưởng của bà rất hiền hòa, nhưng nếu đi sâu, ta thấy cái bà bảo vệ chính là cái tư cách phụ nữ, tư cách làm người. “Đạm Phương đã đi rất xa trong việc bảo vệ quyền làm người của phụ nữ, quyền ngang hàng với đàn ông của phụ nữ” - bà Trân Phượng đánh giá.

Trong buổi ra mắt Nữ công học hội (một tổ chức phụ nữ có tính chất xã hội dân sự đầu tiên của phụ nữ Việt Nam do bà vận động thành lập và duy trì), bà phát biểu: “Thói ỷ lại là nguồn gốc của sự nô lệ”. Trong bối cảnh xã hội Việt Nam vẫn còn chịu nhiều tư tưởng phong kiến, coi phụ nữ phải ở nhà, còn đàn ông làm công to việc lớn, bà Đạm Phương khuyến khích phụ nữ học nghề, tự lập. Bà nói phụ nữ mà ỷ lại, phụ thuộc vào chồng, để chồng nuôi là nguồn gốc nô lệ. Theo các nhà nghiên cứu thời nay, tư tưởng ấy của Đạm Phương đã đi xa, nêu lên sâu sắc vấn đề phụ nữ nước ta thời đó.

Đạm Phương luôn khuyến khích phụ nữ phải học hỏi. Bà nói: “Đàn ông mạnh mẽ đến đâu, trước khi làm chồng làm cha cũng phải làm người. Đàn bà trước khi làm vợ làm mẹ cũng phải làm người. Vậy trước khi trở thành người vợ, người mẹ, phải học làm người cái đã”.

Bà có nhiều câu tưởng chừng mềm mỏng, ôn hòa, nhưng thật ra quan điểm rất quyết liệt. Sở dĩ phải viết mềm mỏng, bởi các bài viết của Đạm Phương đều vốn là những bài báo đăng tải công khai, bị Pháp kiểm duyệt gắt gao, nên bà phải lồng ghép tư tưởng trong lối viết mềm mỏng, hài hòa như thế.

Không chỉ khuyến khích phụ nữ học hỏi, học nghề, tự lập, tư tưởng nữ quyền của bà gắn liền, quan hệ mật thiết với đấu tranh độc lập dân tộc. Ngày ra mắt Nữ công học hội chỉ có mặt quan chức Pháp, cụ Phan Bội Châu không có mặt. Nhưng vài ngày sau cụ Phan tới diễn thuyết. Nhà nghiên cứu Trân Phượng đánh giá: “Khi người ta đấu tranh đòi quyền học hành, làm việc, đó không chỉ là dân trí, mà còn là dân khí. Đó là chiều kích khác trong quan điểm, tư tưởng của Đạm Phương”.

Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc NXB Phụ Nữ - nói bà thực sự kinh ngạc khi tiếp cận di sản của Đạm Phương. Bà chủ trương phương pháp giáo dục sớm, thể hiện rõ ở các bài báo. Từ thời ấy, bà chỉ ra cách phạt con như nào để thuyết phục con, con bị phạt mà vẫn cảm thấy sự yêu thương. Bà có góc nhìn nhà kinh tế, muốn dùng giáo dục để nhìn rộng sang vấn đề phụ nữ, phụ nữ dùng nghề để giao thương với vùng khác, nước khác.

Bà Hoa Phượng nói: “Chúng tôi kinh ngạc với quan điểm của một người phụ nữ khuê các như vậy. Bây giờ chúng ta kêu gọi phụ nữ khởi nghiệp, nhưng từ 100 năm trước Đạm Phương đã kêu gọi phụ nữ khởi nghiệp. Bây giờ chúng ta kêu gọi dạy con theo phương pháp Montessori, nhưng từ 100 năm trước bà đã truyền đạt cách giáo dục sớm”.

Ông Nguyễn Khoa Điềm - cháu nội của bà Đạm Phương - nói về di sản văn chương của Đạm Phương. Theo ông, tư tưởng văn chương của Đạm Phương rõ ràng, với bà viết văn phải có ích cho vấn đề nào đó. Nên văn chương, thơ phú của bà (thơ, tiểu thuyết, bình luận văn hóa nghệ thuật), điều gì bà đã làm phải có lợi cho phụ nữ, có lợi cho đất nước. Đó là một người đàn bà hết lòng cho phụ nữ. Làm gì cũng với mục tiêu để cho phụ nữ bớt khổ.

“Đây là một người gieo ánh sáng cho chúng ta tới giờ, chứ không chỉ là một tia sáng hồi quang yếu ớt. Với tôi bây giờ vẫn đọc bà, học hỏi xây dựng hạnh phúc gia đình mình” – nhà thơ, chính trị gia Nguyễn Khoa Điềm nói.

5 cuốn sách về những người phụ nữ lạ thường trong văn chương

Trong văn học có những người phụ nữ không có pháp thuật hay sức mạnh siêu nhiên, nhưng họ vẫn sống một cuộc đời phi thường, thậm chí còn lạ thường trong mắt của độc giả.


Thu Hiền

Bạn có thể quan tâm