Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi - Fredick Backman
Elsa có một người bà kỳ lạ, với những ký ức kỳ lạ. Bà kể những câu chuyện cổ tích đầy màu sắc về con rồng, về các chàng hiệp sĩ hay nàng công chúa ở xứ sở mộng mơ, nhưng lại luôn ám chỉ đến những con người thật. Bà tán tỉnh cảnh sát, lái xe phạm luật, và cả bắn súng sơn từ ban công để trêu hàng xóm. Bà làm những việc chẳng giống với một bà cụ 77 tuổi thông thường vẫn làm.
Tác phẩm Bà ngoại tôi gửi lời xin lỗi của Fredick Backman. |
Hàng xóm xung quanh luôn gọi bà là kẻ điên khùng lập dị, nhưng Elsa luôn coi bà là một siêu anh hùng. Bởi bà là người bạn lớn duy nhất có thể giải đáp cho những thắc mắc trẻ thơ của một đứa trẻ 7 tuổi.
Fredick Backman là nhà văn người Thụy Điển, tác giả của cuốn sách ăn khách Người đàn ông mang tên Ove. Năm 2017, ông ra mắt tác phẩm mới mang tên Beartown lọt vào danh sách những cuốn sách hay nhất của năm.
#Sếpnữ - Sophia Amoruso
Sophia không có bằng đại học, từng mắc chứng tăng động và khó hòa nhập với xã hội. Cô phải kiếm sống qua ngày bằng cách bới thùng rác và ăn cắp vặt trong các cửa hiệu. Khi mở cửa hàng quần áo cũ Nasty Gal Vintage trên eBay, Sophia chẳng có một đồng vốn hay kinh nghiệm về thương mại điện tử ngoài việc bán online mấy thứ lẻ tẻ ăn cắp được.
Nhưng 10 năm sau, Sophia Amoruso trở thành cái tên được mọi tạp chí hàng đầu nước Mỹ phải nhắc đến với sự nể phục. Từ một kẻ cắp vặt, giờ đây cô đã trở thành CEO của một công ty với khối tài sản lên đến hơn 100 triệu đô, và trở thành một sếp nữ truyền cảm hứng mạnh mẽ nhất trong làng thời trang Mỹ.
Sách #Sếpnữ của Sophia Amoruso. |
Cuốn sách #Sếpnữ là những chia sẻ chân thực nhất của một vị CEO lừng danh dành cho mọi độc giả muốn trở thành sếp nữ, hoặc cả sếp nam. Tuy công ty Nasty Gal của bà chỉ tồn tại trong khoảng 10 năm, nhưng những gì mà Sophia làm được vượt trên sức tưởng tượng của bất cứ ai. Câu chuyện của Sophia Amoruso là minh chứng rõ ràng nhất cho sức mạnh của một người phụ nữ tự tin, dám thử sức với những việc mà họ muốn làm.
Người mẹ lang thang - Hika Hirada
Hiromi là một phụ nữ trẻ nhưng lại chọn cuộc sống lang thang khắp nước Nhật để trở thành “mẹ nuôi” của hàng triệu đứa trẻ kém may mắn. Cô hy sinh cả tuổi thanh xuân để chăm sóc những đứa trẻ còn chẳng phải con ruột của mình, những người con bị cha mẹ ruột chúng đánh đập, ngược đãi, bỏ rơi. Và khi chúng đã trưởng thành, cứng cáp, ổn định gia đình thì cô lại lặng lẽ rời đi để cưu mang những mảnh đời bất hạnh khác.
Tác phẩm Người mẹ lang thang của Hika Harada. |
Người mẹ lang thang là một trong những tác phẩm châu Á cảm động nhất về người mẹ, được sánh ngang với hiện tượng Hãy chăm sóc mẹ của nhà văn Shin Kyung-sook. Cuốn sách truyền tải đến những thông điệp giản dị nhưng giàu tính nhân văn: Mẹ không phải là một người chỉ làm việc nhà. Mẹ là người yêu thương con cái vô điều kiện, không bao giờ đòi hỏi bất kỳ sự hồi đáp nào.
Hika Harada sinh năm 1970. Bà đã giành được nhiều giải thưởng lớn nhỏ như Radio Drama Grand Prize và Subaru Literary Prize. Người mẹ lang thang là tác phẩm đầu tiên của bà được dịch ra tiếng Việt.
Yêu dấu - Toni Morrison
Sethe là một phụ nữ da đen xinh đẹp và kiêu hãnh. Sinh ra đã bị trói buộc làm nô lệ, cô bỏ trốn đến một vùng đất mới, nhưng mười tám năm sau cô vẫn chưa thật sự tự do. Người phụ nữ bất hạnh ấy, với nhiều ám ảnh trong quá khứ đã xuống tay giết hại chính những đứa con của mình.
Tác phẩm Yêu dấu của Toni Morrison. |
Yêu dấu là một cuốn sách khắc nghiệt nhưng xứng đáng được đọc đi đọc lại. Chỉ có như vậy, người ta mới thấy được tình yêu thiêng liêng của người mẹ, người thà phải chịu nỗi đau một mình còn hơn để các con phải sống cảnh nô lệ. Và cũng chỉ như vậy, bức tranh nước Mỹ đầy rẫy nạn phân biệt chủng tộc mới được hiện lên rõ ràng được đến thế.
Toni Morrison là nhà văn da màu nổi tiếng người Mỹ. Yêu dấu được coi là cuốn sách hay nhất của bà. Cuốn sách đã mang về cho bà giải Pulitzer năm 1988, đồng thời góp phần giúp bà được vinh danh tại giải thưởng Nobel Văn học năm 1993.
Ngôi nhà vui vẻ - Gong Ji-young
Mẹ là một người mẹ đơn thân, đã từng kết hôn ba lần và ly hôn cả ba lần. Giờ đây, mẹ nuôi ba đứa con mang ba họ cha khác nhau, và chẳng có đứa nào mang họ giống mẹ. Mẹ còn là một nhà văn thất thường, có khi vui tươi hạnh phúc quá, có khi lại ủ rũ não nề làm cả không khí xung quanh cũng buồn thảm theo.
Tiểu thuyết Ngôi nhà vui vẻ của Gong Ji-young. |
Qua lời kể của cô bé Wi Nyeong mười tám tuổi nhìn về cuộc sống với mẹ của mình, Ngôi nhà vui vẻ hiện lên là một bức tranh về tình cảm gia đình ấm áp nhưng không trọn vẹn. Trong một xã hội vẫn còn nhiều định kiến ở Hàn Quốc vào những năm 1990, ly hôn vẫn còn một khái niệm xa lạ, chính điều đó đã khiến cuộc sống của mẹ Wi Nyeong luôn bị soi mói và chịu nhiều dèm pha. Nhưng mẹ không bao giờ bị kéo gục xuống.
Gong Ji-young là nhà văn Hàn Quốc được yêu mến qua các tác phẩm Yêu người tử tù, Dù con sống thế nào mẹ cũng luôn ủng hộ, Cá thu,... Cuốn sách Ngôi nhà vui vẻ được lấy cảm hứng từ chính cuộc đời Gong Ji-young khi bà đã từng trải qua ba đời chồng và hiện đang là mẹ của ba đứa trẻ.