Phóng viên AP kể về bức ảnh lịch sử 'Em bé Napalm'
Nhà báo chiến trường Nick Út đã hồi tưởng lại khoảnh khắc ghi lại hình ảnh cô Phan Thị Kim Phúc bị trúng bom napalm, trần truồng chạy ra…
Chắc hản ai cũng biết nhân vật Nick Út, tên thật Huỳnh Công Út, (sinh ngày 29 tháng 3 năm 1951) là người Mỹ gốc Việt. Ông là phóng viên ảnh cho hãng tin Associated Press, người chụp bức ảnh em bé Phan Thị Kim Phúc (thường được biết như "Vietnam Napalm Girl" - cô gái Việt Nam bị napalm) và những đứa trẻ khác bị bỏng do bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng - Tây Ninh, bức ảnh đã mang lại cho ông giải Pulitzer và ông trở nên nổi tiếng. Bức ảnh được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn. Bức ảnh này của ông đã gây chấn động lương tâm con người, kéo theo nhiều cuộc biểu tình lớn ở các thành phố như: New York, London, Tokyo… phản đối, đòi Mỹ chấm dứt ngay chiến tranh tại Việt Nam.
Phản ứng của những người yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới đã góp phần làm áp lực cho Tổng thống Mỹ Nixon chấp nhận rút dần lính Mỹ khỏi Việt Nam, mang đến hòa bình, thống nhất đất nước.
Tình huống chụp bức ảnh lịch sử
Sáng sớm ngày 6/8/1972, tôi có mặt tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Người dân, từ người già đến trẻ em, cả ngàn người ngồi trên những chiếc xe bò, lỉnh kỉnh đồ đạc, ùn ùn kéo ra quốc lộ 1, giăng lều lánh nạn. Họ chờ máy bay Mỹ bỏ bom mới dám trở về nhà trong thị xã. Ngồi ngay quốc lộ, nhìn vào các thôn xóm gần đó, có thể thấy rõ những chiếc trực thăng quần thảo trên bầu trời. Những tiếng bom nổ, khói trắng bốc lên, che khuất cả một vùng.
Gần 12h trưa, máy bay ngưng ném bom, tôi cũng đã chụp đủ ảnh nên chuẩn bị lên xe trở về nhà. Một cơn mưa vừa dứt hạt, tôi men theo quốc lộ 1, cách Trảng Bàng được khoảng 200 thước, thì thấy một người lính ngụy Sư đoàn 25 quặng lựu đạn ngay khu vực chùa Cao đài. Lựu đạn nổ, khói bốc lên thì tôi nghe có tiếng của hai chiếc phi cơ bay tới.
Bức ảnh "Vietnam Napalm Girl" gây chấn động trên toàn thế giới. |
Tôi nói với một đồng nghiệp: “Tao chụp một tấm ảnh này nữa rồi đi về ngay”. Tôi giơ máy ảnh lên chụp vài kiểu ảnh.
Khoảng 2 phút sau, một trong hai chiếc máy bay, lượn mấy vòng, sau đó thả xuống 4 quả bom napalm. Lửa tung lên, cháy chùa Cao đài. Tôi tiếp tục ghi ảnh và bẩm bẩm: “Dễ sợ quá!”. Trong suy nghĩ của tôi, tôi cầu mong không còn người dân nào ở khu vực đó… Đứng từ xa, tôi có thể cảm nhận hơi nóng rát của bom napalm.
Bom cháy xong, chuyển từ khói trắng thành khói đen, tôi thấy có nhiều trẻ em từ khu vực bị ném bom chạy ra quốc lộ, trong đó có một bà già bồng đứa bé. Bà già này vừa chạy vừa la thất thanh: “Cứu cháu tôi, cứu cháu tôi”. Tôi nhìn thấy đứa bé bà bồng trên tay đang trong tình trạng da từ từ lột ra, trông rất khủng khiếp. Bà già chạy ra chưa được 50 mét, đứa bé đã chết. Tôi kịp ghi lại tất cả những hình ảnh đau thương này.
Trong lúc “nhắm” vào máy hình, tôi bất chợt thấy lọt vào ống kính của mình một cô bé trần truồng, khoảng 9 tuổi từ khu vực trúng bom lúc nãy, chạy ra quốc lộ. Theo phản xạ tự nhiên, tôi nhào đến, chụp lia lịa, không kịp suy nghĩ. Khi cô bé chạy ngang tôi, tôi mới quan sát, thấy tay, lưng của cô bé đang cháy, da bắt đầu tuột ra. Tôi nghe giọng của cô bé: “Nóng quá! Chết con rồi! Cứu con! Anh Tâm ơi chắc em chết!”.
Tôi dừng lại. Cô bé kêu khát nước. Tôi lấy hai biđông nước mang theo đưa cho cô bé. Vừa lúc đó, ông ngoại của cô bé chạy đến, chấp tay cầu khẩn: “Các ông có cách nào chở các cháu vô bệnh viện không?”.
Tôi và những đồng nghiệp khác bồng các cháu bé bị thương lên chiếc xe đậu gần đó. Đến lúc này, tôi mới biết cô bé trần truồng chạy ra lúc nãy tên là Phan Thị Kim Phúc.
"Trong lúc nhắm vào máy hình tôi thấy lọt vào ống kính một cô bé trần truồng, khoảng 9 tuổi từ khu vực ném bom của Mỹ, chạy ra quốc lộ", Nick Út kể lại. |
Kim Phúc ngồi rất khó khăn vì lưng bị bỏng nặng, khóc rất nhiều. Nhiều đứa bé khác khóc theo. Từ Trảng Bàng đến Củ Chi không xa lắm, nhưng có một tình huống tôi không thể nào ngờ tới.
Đến bệnh viện Củ Chi, tôi chạy vào, yêu cầu cấp cứu ngay cho mấy đứa trẻ. Một người của bệnh viện trả lời: “Ông ơi, bệnh viện đang có quá nhiều người bị thương, chết la liệt. Quá tải rồi! Chắc chúng tôi không có cách nào giúp những đứa bé này…”. Họ viện lý do bệnh viện của họ là bệnh viện địa phương, không đủ điều kiện chữa trị, đề nghị tôi chuyển các cháu lên bệnh viện Chợ Rẫy.
Tôi biết nếu chở các về Sài Gòn, sẽ có đứa chết trong xe. Không còn cách nào khác, tôi móc thẻ nhà báo ra và nói lớn: “Tôi là nhà báo. Nếu ngày mai, những đứa trẻ này chết, các anh sẽ chịu trách nhiệm”. Đến lúc đó, họ mới chịu nhận sơ cứu các cháu.
Tại sao bức ảnh thời sự thế này mà vẫn còn nằm đây?
Tôi lái xe ngay về Sài Gòn, gấp rút chuẩn bị tráng phim. Tôi vừa đến văn phòng AP, đồng nghiệp Jackson hỏi tôi: “Anh Nick Út, anh có hình ảnh gì quan trọng trong ngày hôm nay không?”. Tôi trả lời gấp gáp: “Có! Anh vô phòng phụ tôi rửa phim ngay!”.
Phim đen trắng, thao tác rữa, sấy, chỉ khoảng 10 phút là xong. Phải chờ “sếp” duyệt, bức ảnh mới được chuyển về trụ sở chính ở Mỹ.
Xem qua bức ảnh, nhiều đồng nghiệp người Mỹ đã nói với tôi, chắc chắn rằng với hình ảnh Kim Phúc, thấy rất rõ ở nhiều chỗ nhạy cảm, tòa soạn sẽ không thể nào sử dụng được. Nhiều người đề nghị tôi nên dùng kỹ thuật che mờ…
Nick Út và Phan Thị Kim Phúc trong một lần diện kiến Nữ hoàng Anh tại London. |
Lúc đó, ông sếp vừa đi ăn về. Thấy bức ảnh, ông hỏi: “Bức ảnh này ai chụp?”. Mọi người cho biết: “Nick Út chụp”. Ông hét lên: “Tại sao bức ảnh thời sự thế này mà vẫn còn nằm đây?”. Ngay lập tức, bức ảnh được chuyển về trụ sở AP ở Tokyo (Nhật), từ đó tiếp tục chuyển ngay về trụ sở chính của AP ở New York (Mỹ). Tất cả quy trình, chỉ tốn 20 phút. Và trong một giờ sau, đài truyền hình, báo chí cho xuất bản ngay bức ảnh này, với chủ đề sự tàn phá kinh khủng của bom napalm. Suốt đêm đó, tôi không sao ngủ được.
Tôi khấn vái người anh trai thứ 7 (phóng viên chiến trường Huỳnh Văn Mỹ, mất khi mới 27 tuổi, là người dạy Nick Út nghề nhiếp ảnh – PV): “Anh Bảy phù hộ em, giúp cho bức ảnh em chụp Kim Phúc gây chấn động thế giới, mang đến hòa bình sớm cho đất nước mình”.
Bức ảnh gây chấn động lương tâm con người trên toàn thế giới.
Ngày hôm sau, biểu tình chống Mỹ lan rộng ở nhiều thành phố lớn trên thế giới: Tokyo (Nhật), Paris (Pháp), New York (Mỹ), Luân đôn (Anh)..., đòi Mỹ chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam, phản đối việc Mỹ thả bom napalm, giết trẻ em Việt Nam. Trước tình hình căng thẳng đó, Tổng thống Mỹ Nixon phải xuất hiện trước truyền thông, tuyên bố, đại ý rằng: Cô bé bị bỏng trong bức ảnh đó không phải do bom napalm. Nếu trúng bom napalm, cô ấy không thể nào sống sót.
Tư lệnh Bộ chỉ huy Cố vấn quân sự Mỹ tại miền Nam Việt Nam Westmoreland thì biện hộ: “Chúng tôi tình nghi cô gái đó bị phỏng do dầu ăn”.
May mắn là đài truyền hình NBC (Mỹ) có quay lại cảnh máy bay Mỹ ném bom napalm ngày 6/8/1972, tại Trảng Bàng. Thế là Tổng thống Nixon và những tướng lĩnh trong Bộ Quốc phòng đành phải ngậm miệng lại, không thể chối cãi được nữa.
Sau này, tôi gặp rất nhiều người Mỹ, biết tôi là tác giả chụp bức ảnh gây chấn động toàn thế giới, họ đã nói với tôi: “Tôi từng là người lính tham chiến ở Việt Nam, không biết đến cuộc sống ngày mai. Sống chết chết mong manh. Khi nhìn thấy bức ảnh anh chụp trên báo, chúng tôi biết mình sắp được trở về nhà, chiến tranh sắp kết thúc. Chỉ vài ngày sau, điều chúng tôi mơ ước đã trở thành hiện thực”. Những người Mỹ chưa từng tham chiến ở Việt Nam cũng nói với tôi: “Bức ảnh chấn động của anh, đã ngăn cản chúng tôi đến Việt Nam tham chiến. Cám ơn anh! Bức hình gửi thông điệp hòa bình đến cả thế giới”.
Theo Giáo Dục Việt Nam