Petter Eide, một nghị sĩ quốc hội Na Uy, cho biết ông đề cử Black Lives Matter nhận giải Nobel Hòa Bình bởi phong trào này đang thúc đẩy "ý niệm và nhận thức mới về công bằng chủng tộc", USA Today đưa tin hôm 30/1.
"Thúc đẩy một phong trào công bằng chủng tộc và lan tỏa phong trào ấy tới các quốc gia khác là điều rất quan trọng. Black Lives Matter là lực lượng mạnh nhất đang làm điều đó, không chỉ ở Mỹ, mà còn ở châu Âu và châu Á", ông Eide cho biết.
Phong trào Black Lives Matter được đề cử giải Nobel Hòa bình. Ảnh: Reuters. |
Theo nghị sĩ Eide, Black Lives Matter đang tiếp nối di sản của các phong trào công bằng chủng tộc trước đây, như phong trào Quyền Dân sự ở Mỹ hay phong trào chống phân biệt chủng tộc apartheid ở Nam Phi.
Những nhân vật chủ chốt của hai phong trào nói trên đều đã giành Nobel Hòa bình, gồm Martin Luther King năm 1964, Albert Luthuli năm 1960, và Nelson Mandela năm 1993.
"Đối với Ủy ban giải thưởng Nobel, liên hệ cuộc chiến vì công bằng (chủng tộc) với hòa bình là điều bình thường. Sẽ không có hòa bình nếu thiếu đi sự công bằng", ông Eide nói.
Nghị sĩ Na Uy cho biết việc đề cử Black Lives Matter "không phải là một bình luận về chính trị nội bộ Mỹ".
Ông cũng thừa nhận việc phải đối mặt với sự phản đối của "những người Mỹ tức giận" sau khi đề cử Black Lives Matter.
Hôm 25/1 là hạn chót để các cá nhân có thẩm quyền giới thiệu ứng viên cho giải Nobel Hòa bình. Ủy ban giải thưởng Nobel sẽ xem xét danh sách ứng viên nhận giải vào tháng 3.
Năm ngoái, Chương trình Lương thực Liên Hợp Quốc (WFP) đã đánh bại hơn 300 ứng viên và được trao giải Nobel Hòa bình nhờ đóng góp trong cuộc chiến chống nạn đói và bảo đảm an ninh lương thực trên thế giới.