Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Điều hiếm hoi phe Cộng hòa sẽ đồng ý với Tổng thống Biden

Trái ngược với người tiền nhiệm, chính quyền Tổng thống Biden nhất quán lập trường cứng rắn chống Nga, cách tiếp cận nhận được sự ủng hộ của cả các nghị sĩ từ phe Cộng hòa.

Suốt 4 năm nhiệm kỳ của cựu Tổng thống Donald Trump, giới nghị sĩ Cộng hòa tại quốc hội Mỹ phải "ngậm bồ hòn làm ngọt" khi trước công luận, ông Trump chưa từng công khai gay gắt với Điện Kremlin, bất chấp quan hệ giữa Mỹ và Nga liên tục xảy ra va chạm.

Giờ đây, Tổng thống Joe Biden có cách tiếp cận quyết liệt hơn khi thẳng thừng công kích chính quyền của Tổng thống Nga Vladimir Putin, khiến không ít chính trị gia Cộng hòa hả dạ, bởi đây là điều họ muốn nhưng không có được dưới thời ông Trump, theo Politico.

Mở đầu quyết liệt với Nga

Trong quan hệ với Nga, Tổng thống Biden đang phát đi những thông điệp cứng rắn hơn hẳn so với người tiền nhiệm.

Nhà Trắng cho biết trong cuộc điện đàm vừa qua, ông Biden đã chỉ trích Tổng thống Putin vì những hoạt động của Moscow bị Washington miêu tả là "sai trái".

Washington cáo buộc Moscow treo thưởng cho mạng sống của binh lính Mỹ ở Trung Đông, đầu độc chính trị gia đối lập Alexei Navalny, hay tấn công mạng vào các tổ chức, cá nhân Mỹ.

"Tổng thống Biden đã nói rõ Mỹ sẽ hành động kiên quyết nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia, đáp trả những hành vi gây tổn hại cho chúng ta và các đồng minh từ phía Nga", Nhà Trắng tuyên bố.

Lập trường của Tổng thống Biden được các thành viên lưỡng đảng quốc hội Mỹ hoan nghênh.

chuyen giao quyen luc My anh 1

Ông Biden và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: AFP.

"Tổng thống Putin rõ ràng là một thế lực ghê gớm... Tôi mừng là chúng ta giờ đang chống lại (ông Putin)", Thượng nghị Cộng hòa sĩ Roy Blunt, thành viên ban lãnh đạo phe Cộng hòa kiêm thành viên Ủy ban Tình báo Thượng viện, cho biết.

Chính quyền Tổng thống Biden đã cho thấy Nhà Trắng sẽ không bị Moscow lôi kéo, không vội vàng cải thiện cũng như tránh để quan hệ song phương xấu hơn.

"Cách tiếp cận của ông Biden có lẽ sẽ tốt hơn cho chúng ta. Chúng ta phải chờ xem. Chắc chắn giọng điệu của tổng thống trong một hoặc hai tuần đầu tiên sẽ khác (so với chính sách thực sự). Sẽ phải chờ đợi để thấy thay đổi trong quan hệ hay tình trạng hiện nay vẫn giữ nguyên", Thượng nghị sĩ Kevin Cramer nói.

"Người biện hộ của ông Putin"

Trong suốt chiến dịch tranh cử, ông Biden chỉ trích cựu Tổng thống Trump là "người biện hộ" cho ông Putin.

Trước đó, ông Trump từng hứng chịu chỉ trích từ chính các thành viên trong đảng Cộng hòa, đặc biệt sau khi ông công khai mẫu thuẫn với cộng đồng tình báo, tuyên bố ông tin chính quyền Putin không can thiệp vào cuộc bầu cử 2016.

Phe Cộng hòa hoan nghênh sự nhất quán của Tổng thống Biden. Tuy nhiên, họ nói chính quyền mới nên duy trì các biện pháp mạnh tay của chính phủ tiền nhiệm đối với Moscow, trong đó có trục xuất các nhà ngoại giao Nga.

Nhiều thành viên đảng Cộng hòa rất không hài long khi ông Trump tìm cách chối bỏ sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, bởi điều đó khiến những biện pháp cứng rắn của Washington với Moscow mất đi phần nào ý nghĩa.

"Tất cả những ồn ào xung quanh ông Putin và ông Trump chủ yếu là bởi những điều ông Trump không sẵn sàng nói trước công luận", Thượng nghị sĩ Cộng hòa Marco Rubio nói.

Tổng thống Biden còn nhiều thứ phải làm nếu ông muốn xây dựng lòng tin của phe Cộng hòa, đặc biệt xoay quanh các mục tiêu chính sách đối ngoại.

chuyen giao quyen luc My anh 2

Phe Cộng hòa cho rằng Nga lợi dụng hiệp định New START để tích trữ một số loại vũ khí hạt nhân. Ảnh: Reuters.

Dù bước đầu hoan nghênh sự quyết liệt của ông Biden, phe Cộng hòa đã nêu ra những quan ngại khi ông Biden đề xuất gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí chiến lược New START giữa hai nước thêm 5 năm. Trước đó, chính quyền cựu Tổng thống Trump không có ý định gia hạn hiệp ước này. Đến hôm 29/1, Tổng thống Putin đã ký luật gia hạn hiệp ước, một tuần trước khi hiệp ước này hết hiệu lực.

Việc gia hạn hiệp ước không yêu cầu sự chấp thuận của quốc hội ở Mỹ nhưng các nhà lập pháp Nga phải phê chuẩn việc này.

Một số chính trị gia Cộng hòa so sánh bước đi trên của Tổng thống Biden hiện nay với chính sách "cài đặt lại" quan hệ với Nga dưới thời Barack Obama, khi ông Biden là phó tổng thống. Chính sách của ông Obama cuối cùng không đạt được mục đích.

"Ồ tôi chắc chắn ông Putin sẽ cư xử tử tế hơn sau cuộc đối thoại đó. Không gì khiến ông Putin thích thú hơn là gia hạn New START. Đó là món quà lớn cho ông ta", Thượng nghị sĩ Cộng hòa John Cornyn mỉa mai.

Hôm 26/1, Tổng thống Biden khẳng định việc gia hạn hiệp định New START là điều phù hợp với "lợi ích chung của hai nước". Ông Biden nói chính quyền của ông có thể làm việc với Nga, trong khi vẫn lên án những hành vi của Moscow.

Phe Cộng hòa không tỏ ra lạc quan như vậy, nhấn mạnh Nga đã khai thác những kẽ hở trong New START để mở rộng kho dự trữ một số loại vũ khí hạt nhân.

Lãnh đạo phe Cộng hòa tại Thượng viện Mitch McConnell hôm 27/1 lên tiếng cảnh báo Mỹ có thể sẽ thua thiệt nếu "tôn thờ mù quáng" thỏa thuận kiểm soát vũ khí với Nga.

Trái ngược với người tiền nhiệm

Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez, người sắp giữ chức chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, nói cách tiếp cận của Tổng thống Biden trong quan hệ với Nga là "một trong những điểm tương phản rõ nét nhất có thể thấy" so với chính quyền tiền nhiệm.

Ông Menendez khẳng định chính quyền mới của Tổng thống Biden có thể vừa quan hệ ngoại giao với Moscow, vừa buộc đối phương chịu trách nhiệm.

"Tôi mừng là trong khi tổng thống theo đuổi gia hạn hiệp định New START, ông ấy cũng tỏ ra cứng rắn với Nga trong tất cả vấn đề khác", Thượng nghị sĩ Menendez nói.

Ngôn từ cứng rắn của Tổng thống Biden sẽ đi kèm những hành động tương xứng từ phía Nhà Trắng đối với Nga, Thượng nghị sĩ Menendez khẳng định.

Hành xử của ông Biden hiện nay trái ngược với những gì xảy ra dưới thời cựu Tổng thống Trump.

Trong nhiệm kỳ của ông Trump, các nghị sĩ từng phải can thiệp để bảo đảm Nhà Trắng không ngăn cản một số biện pháp trừng phạt áp đặt lên các cá nhân, tổ chức của Nga liên quan tới cáo buộc can thiệp bầu cử năm 2016.

chuyen giao quyen luc My anh 3

Tổng thống Trump và Tổng thống Putin tham dự họp báo chung năm 2018. Ảnh: AP.

Ông Trump cũng bị chỉ trích nặng nề sau cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Putin ở Helsinki năm 2018.

Trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Putin ở Helsiki, ông Trump công khai tuyên bố không tin Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016, khiến giới nghị sĩ quốc hội, cộng đồng tình báo Mỹ và cả các quan chức trong chính quyền của ông "ngã ngửa".

"Vấn đề nằm ở những điều ông Trump không chịu nói trong cuộc họp báo, đó là nguyên nhân mọi ồn ào và chỉ trích nhắm vào ông ấy", Thượng nghị sĩ Rubio cho biết.

Tuy nhiên, chính quyền của cựu Tổng thống Trump đến cuối cùng vẫn có những hành động quyết liệt đúng ý của giới nghị sĩ lưỡng đảng.

Nếu chính quyền mới tiếp tục theo đuổi những biện pháp cứng rắn với Moscow, ông Biden sẽ tìm thấy "những đối tác thiện chí ở Điện Capitol", Thượng nghị sĩ McConnell cam kết.

"Nếu Tổng thống Biden và đội ngũ của ông ấy nghiêm túc chống lại Nga, Trung Quốc và những mối đe dọa khác, họ sẽ cần chứng minh quyết tâm của mình. Nếu hiện diện toàn cầu không được đầu tư liên tục, mạnh mẽ, sự lãnh đạo của Mỹ sẽ chẳng khác gì lời nói suông", Thượng nghị sĩ McConnell nói.

Đề cử đại sứ Mỹ tại LHQ của ông Biden cam kết cứng rắn với Trung Quốc

Thượng viện Mỹ sẽ có phiên điều trần đối với bà Linda Thomas-Greenfield, người được Tổng thống Joe Biden đề cử giữ chức đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc.

Điện Kremlin: Nga sẵn sàng đối thoại với chính quyền Biden

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov ngày 24/1 cho biết Moscow mong muốn thiết lập kênh đối thoại với chính quyền của ông Biden để giải quyết bất đồng trong quan hệ Nga - Mỹ.

Giải cứu 11 thợ mỏ Trung Quốc bị kẹt dưới lòng đất 2 tuần

Nhóm thợ được đưa lên mặt đất thành công hôm 24/1 sau 2 tuần bị kẹt ở độ sâu 600 m dưới lòng đất. Lực lượng cứu hộ đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm 9 người còn mất tích.

Duy Anh

Bạn có thể quan tâm