Tác phẩm đặc trưng cho phong cách văn chương Tàn Tuyết. Ảnh: Hiểu Yên. |
Trong 30 năm qua, Tàn Tuyết đã tiên phong cho dòng văn học siêu thực khám phá những giới hạn của cá nhân. Lối viết của bà mang phong cách riêng, thứ “văn học linh hồn” gắn liền với trải nghiệm tâm linh và tư duy triết học.
Logic của giấc mơ
Theo đánh giá của các nhà chuyên môn, tiểu thuyết của Tàn Tuyết đã tạo ra một bước đột phá trong văn học truyền thống của Trung Quốc. Những tác phẩm nổi tiếng của bà có thể kể đến Phố Ngũ Hương, Phố Hoàng Nê, Đào nguyên ngoài cõi thế, Những chuyện tình thế kỉ mới... Trong đó, Những chuyện tình thế kỉ mới là tác phẩm đặc trưng cho văn phong của Tàn Tuyết và từng lọt vào danh sách sơ khảo giải Man Booker Quốc tế năm 2019.
Cuốn tiểu thuyết mang đến cho người đọc những logic toàn diện của giấc mơ: con người bị mất ý thức hoặc ký ức, bị mắc kẹt giữa mộng ảo và đời thật và bị tác động bởi lời kể của những linh hồn.
Âm thanh đến từ tiếng nói đa dạng kiểu hình, có lúc thì thầm, lại có khi tranh cãi, hay chỉ đơn giản là những câu chuyện phiếm không đầu không cuối. Khung cảnh phong phú và dàn trải trong mơ của Tàn Tuyết khiến độc giả không khỏi nhớ đến những sáng tác của Frank Kafka hay Italo Calvino hoặc Jorge Luis Borges - những nhà văn yêu thích của bà.
Những giá trị khoa học, thời gian và khoảng cách địa lý dường như trở nên méo mó và dễ uốn cong; không gian chủ yếu được lắp ghép bởi dòng tâm tưởng bên trong nhân vật. Quá khứ, hiện tại, tương lai đan cài với nhau và vì thế đã không còn ranh giới cố định.
Văn chương của Tàn Tuyết xa rời những khuôn sáo cách điệu của tiểu thuyết thử nghiệm hậu hiện đại, thay vào đó, bà tạo ra một thẩm mỹ vừa ngắn gọn súc tích vừa mang tính biểu tượng.
Những giấc mơ lặp đi lặp lại, câu từ trong cuốn sách như được xếp lớp này chồng lớp khác, thôi miên độc giả vào một vòng xoáy ẩn ngữ đậm chất Tàn Tuyết và được ví von giống như Gertrude Stein. Những ảnh hưởng của Gaskell, Flaubert hòa với triết lý tâm linh đặc trưng của Trung Quốc: những tham chiếu về các chiều không gian đưa các câu chuyện khác nhau liên kết thành một mạng lưới, ngay cả khi nhiều nghịch lí vẫn chưa được giải quyết. Những người xa lạ bỗng chốc được tiết lộ là người quen cũ, những con đường vô định đột ngột dẫn đến những khu vực quen thuộc của thành phố.
Câu chuyện phi lí của nhóm phụ nữ trong nhà máy dệt muốn trở thành gái mại dâm đã giải thoát cho họ khỏi cơn thịnh nộ và khao khát tự hủy, A Ti tự đâm đầu vào một cái máy, để lại một vết thương trên đầu sâu hoắm; Long Tư Hương (tên cô nghĩa là nhớ nhà), bị ám ảnh bởi cái chết của con trai mình và bắt đầu làm gái điếm chỉ để mơ rằng cô ấy đâm một vị khách trông giống mình.
Âm vọng của kiếp trước và những lời ca của kiếp này song hành với nhau, gieo vào tâm trí độc giả những công thức lặp trong cấu trúc văn bản, tạo nên một ấn tượng rằng họ đang đọc một giấc mơ đa dạng, rằng các nhân vật là phiên bản tái sinh của một nhân vật duy nhất hay đơn giản hơn, nhân vật duy nhất đó có nhiều kiếp sống.
Khả năng hư cấu, tiến sâu vào tiềm thức
Tàn Tuyết chia sẻ trong những buổi phỏng vấn, hầu hết sách của bà đều được viết dưới dạng tự truyện. Truyện ngắn và tiểu thuyết trước đó của bà đề cập việc gia đình bà đi trại cải tạo lao động ở vùng nông thôn năm 1957. Bị buộc thôi học, Tàn Tuyết dành hết thời gian cho văn học và triết học cổ điển phương Tây.
Năm 1985, bà cho ra mắt truyện ngắn Ngôi nhà nhỏ trên núi dưới bút danh Tàn Tuyết, vừa có nghĩa là “tuyết tinh khiết trên núi cao”, vừa là “tuyết còn sót lại chưa tan”.
Tàn Tuyết thường được xếp vào những nhà văn tiên phong của Trung Quốc những năm 1980 như Dư Hoa, Mã Nguyên, Cách Phi, Tô Đồng... Nhưng khác với những nhà văn còn lại chủ yếu dừng lại ở lằn ranh chủ nghĩa hiện thực, Tàn Tuyết đã tiếp tục tận dụng triệt để khả năng hư cấu, tiến sâu vào tiềm thức và kiên định chọn ưu tiên nghệ thuật và triết học hơn cả.
Nhà văn Porochista Khakpour đã miêu tả văn của Tàn Tuyết như “một người đả phá những quan niệm cố hữu không khoan nhượng” còn cố Viện sĩ viện Hàn lâm Thụy Điển Göran Malmqvist cho rằng Tàn Tuyết chính là “Kafka của Trung Quốc”.