Nhà văn Annie Ernaux. Ảnh: Nobelprize. |
Annie Ernaux sinh năm 1940, bà lớn lên ở một thị trấn nhỏ thuộc tỉnh Normandy, tại đây cha mẹ bà kinh doanh cửa hàng tạp hóa kết hợp với bán cà phê.
Trong suốt sự nghiệp văn chương, Ernaux luôn kiên trì khảo sát cuộc sống ở nhiều góc độ khác nhau, ở những thái cực có sự khác biệt sâu sắc liên quan đến vấn đề giới tính, ngôn ngữ và tầng lớp xã hội. Hành trình văn chương của bà là một con đường dài với nhiều gian truân.
Nỗ lực làm mới thể loại tự truyện
Những tác phẩm tự truyện của Ernaux kể về xuất thân nông thôn của bà trong giai đoạn đầu có thể xem là một nỗ lực nhằm mở rộng biên giới văn chương ra ngoài lĩnh vực hư cấu theo nghĩa hẹp.
Mặc dù bà có phong cách viết cổ điển với những nét đặc trưng riêng, Ernaux lại tự nhận rằng bản thân bà cảm thấy mình giống một “nhà dân tộc học” hơn là một người viết tiểu thuyết hư cấu. Bà thường nhắc đến tiểu thuyết Đi tìm thời gian đã mất của Marcel Proust, nhưng điều đáng chú ý không kém là nhà xã hội học Pierre Bourdieu cũng có ảnh hưởng sâu sắc đối với bà.
Tham vọng xé toạc bức màn hư cấu đã khiến Ernaux ý thức đến việc tìm phương pháp tái tạo quá khứ nhưng đồng thời, bà cũng nỗ lực viết một kiểu văn xuôi dạng “nguyên sơ” dưới hình thức nhật ký, ghi lại những sự kiện thuần túy bên ngoài. Có thể thấy rõ điều này trong những tác phẩm như Journal du dehors (Ghi chép những sự kiện bên ngoài, 1993) hoặc La vie extérieure: 1993-1999 (Cuộc sống bên ngoài: 1993-1999, 2000).
Bìa sách Một chỗ trong đời. Ảnh: N.N. |
Ở tác phẩm đầu tay của Annie Ernaux là Les armoires vides (Những chiếc tủ trống, 1974), người đọc đã có thể thấy rõ thiên hướng tự truyện của bà khi bà tự vấn lại việc mình xuất thân từ vùng Normandy.
Tuy nhiên, cuốn sách thứ tư của bà là Một chỗ trong đời mới chính là tác phẩm gây được tiếng vang trong giới văn chương. Chỉ với một trăm trang ít ỏi, bà đã tạo được bức chân dung khách quan về cha mình và toàn bộ môi trường xã hội hình thành cơ bản con người ông.
Bức chân dung này đã cho thấy khuynh hướng tiết chế mà bà đang muốn theo đuổi và những tiêu chuẩn mỹ học làm tiền đề cho các tác phẩm sau này. Vì vậy, có thể xem Một chỗ trong đời là khởi đầu cho loạt tác phẩm văn xuôi tự truyện vượt ra khỏi khuôn khổ thế giới thuần túy tưởng tượng của tiểu thuyết. Và mặc dù trong tác phẩm vẫn có giọng văn tường thuật nhưng cách diễn đạt rất trung tính, cố gắng lược bỏ sự định danh hết mức có thể.
Hơn nữa, Ernaux còn lồng ghép những suy tư về chính lối viết của mình vào trong tác phẩm, bà tự tách lìa bản thân ra khỏi “vùng trời thơ mộng của ký ức” và chủ trương lối viết trung tính. Ý niệm về lối viết trung tính có mối liên hệ chặt chẽ đến phong trào tiểu thuyết mới của Pháp vào những năm 1950, đó là nỗ lực để hướng đến cái mà Roland Barthes gọi là “độ không của lối viết”.
Ngôn ngữ sắc như dao để nhìn thẳng về quá khứ không chút ngại ngùng
Bà từng phát biểu rằng viết là một hành động chính trị, giúp chúng ta mở to mắt chứng kiến những bất công của xã hội. Với mục đích này, bà đã sử dụng ngôn ngữ như một “con dao” để xé toạc những bức màn tưởng tượng.
Vài năm sau khi ra mắt Một chỗ trong đời, bà lại tiếp tục giới thiệu đến công chúng một bức chân dung cô đọng hơn, lần này là đến lượt mẹ bà. Tác phẩm có tiêu đề giản dị là Une femme (Chuyện một người phụ nữ, 1987).
Tác phẩm này giúp người đọc nhận ra rõ ràng những đặc tính trong văn phong của Ernaux: luôn có sự dịch chuyển giữa thể loại tiểu thuyết, xã hội học và lịch sử. Với độ khúc chiết cực kỳ cao, tác phẩm đã vẽ nên bức chân dung tinh tế về mẹ bà - người phụ nữ thậm chí còn mạnh mẽ hơn cả cha bà - dù phải trải qua nhiều lúc khó khăn, vẫn giữ được phẩm cách cao quý.
Sách Hồi ức thiếu nữ. Ảnh: Hạnh Nguyễn. |
Trong tác phẩm La honte (Ô nhục, 1996), Annie Ernaux tiếp tục thực hiện cách viết tái cấu trúc quá khứ. Lần này, bà quay lại hoàn thiện hơn bức chân dung về cha với nỗ lực diễn giải cơn thịnh nộ đột ngột của ông dành cho mẹ ở một thời điểm cụ thể trong quá khứ.
Ngay từ dòng đầu tiên, tác phẩm đã tạo ra sự chấn động: “Cha tôi đã cố giết mẹ tôi vào đầu giờ chiều một ngày chủ nhật tháng sáu”. Như mọi khi, Ernaux luôn tìm cách vượt qua khuôn khổ giới hạn cho phép. Trong quyển sách, chính bà cũng đã viết rằng: “Tôi luôn muốn viết một cuốn sách mà mình không biết phải nói gì sau khi nó đã kết thúc, một cuốn sách khiến tôi không thể chịu nổi ánh nhìn soi mói của người khác".
Điều khiến cho một trải nghiệm trở nên quá sức chịu đựng chính là nỗi ô nhục bắt nguồn từ những điều kiện sống hèn mọn. Khi Annie Ernaux viết, câu hỏi về phẩm giá hoặc sự mất phẩm giá chính là cội nguồn gốc rễ. Văn chương cho bà một nơi ẩn náu để viết ra những điều khó nói khi tương tác trực tiếp với người khác.
Annie Ernaux luôn tìm cách vạch ra những chướng ngại vật cản trở góc nhìn sáng suốt. Theo quan điểm của bà, cơ chế của nỗi ô nhục đóng vai trò đặc biệt trong chuyện này. Ở tác phẩm Mémoire de fille (Hồi ức thiếu nữ, 2016), bà soi xét lại vấn đề này từ khía cạnh khác. Cuốn sách kể về giai đoạn khi bà còn là thiếu nữ cuối những năm 1950, bà đã bị mất trinh tiết vào một mùa hè ở miền quê Normandy.
Có một đoạn văn mang thông điệp quan trọng trong tác phẩm này như sau: “Khi bạn muốn làm rõ sự thật đang tồn tại… sẽ luôn có một điều bị mất đi: sự trống vắng cảm giác thấu hiểu về trải nghiệm của mình vào khoảnh khắc chính bạn đang tự trải nghiệm.” Chướng ngại này được bà gọi là “độ mờ của hiện tại”.
Annie Ernaux cho thấy rằng bà luôn tin vào sức mạnh của việc viết. Tác phẩm của bà thể hiện tinh thần quyết liệt, với ngôn ngữ giản dị, lối viết sáng rõ. Bằng lòng quả cảm bà và sự điềm tĩnh sắc bén, bà đã vạch ra nỗi thống khổ trong trải nghiệm về giai cấp, miêu tả nỗi ô nhục, hèn mọn, ghen tị và sự bất khả trong việc ta nhận ra bản chất của chính mình. Trong quá trình bền bỉ thực hiện công việc ấy, bà đã đạt được điều gì đó thật đáng ngưỡng mộ và có tính trường tồn.