"Chúng tôi không dìm đối tác của mình xuống biển nợ. Chúng tôi không cưỡng ép hay buộc các bạn thỏa hiệp sự độc lập của quốc gia. Chúng tôi không mời chào các bạn về vành đai bóp nghẹt hay con đường một chiều", Phó tổng thống Mỹ Mike Pence nói trong bài phát biểu ngày 17/11 tại hội nghị cấp cao APEC ở Papua New Guinea, ám chỉ sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc.
Công kích Vành đai, Con đường
Phát biểu trước các lãnh đạo tham dự hội nghị ở Papua New Guinea, ông Pence khẳng định nước Mỹ có "cách tiếp cận đúng nguyên tắc" trong việc hỗ trợ tài chính cho các dự án cơ sở hạ tầng ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, theo Straits Times.
Dù bài diễn văn kéo dài 25 phút của phó tổng thống Mỹ không một lần đề cập đến sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc, nó đủ để người nghe nhận thấy ông đang muốn ám chỉ mô hình cho vay của Trung Quốc, theo South China Morning Post.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu tại hội nghị APEC ở Papua New Guinea ngày 17/11. Ảnh: AFP. |
"Có nước đang chào mời các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và khắp nơi trên thế giới vay tiền phát triển cơ sở hạ tầng, thế nhưng những điều khoản vay lại vô cùng mờ ám", ông nói.
"Những dự án mà nước này hỗ trợ thường thiếu tính bền vững và có chất lượng kém. Tuy nhiên, các khoản vay thường đi kèm nhiều ràng buộc và dẫn đến nợ nần chồng chất", phó tổng thống Mỹ ám chỉ tình trạng nhiều nước trong khu vực, như Sri Lanka, Malaysia hay Maldives không đủ khả năng thay toán các khoản vay từ Trung Quốc.
"Với tất cả sự tôn trọng, tôi muốn khuyên các nước trong khu vực và trên thế giới rằng: đừng chấp nhận những khoản nợ nước ngoài có thể khiến các bạn đánh mất chủ quyền", ông Pence nhấn mạnh trong bài phát biểu ngay sau Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
"Hãy bảo vệ lợi ích của các bạn, sự độc lập của các bạn. Và hãy như nước Mỹ, luôn đặt đất nước của các bạn lên hàng đầu", ông kêu gọi các nước trong khu vực ủng hộ "sự lựa chọn tốt hơn" thay vì để nền kinh tế rơi vào bẫy nợ.
Trong bài phát biểu ngay trước đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi thúc đẩy hợp tác toàn cầu và thương mại quốc tế. Ông cho rằng mọi vấn đề đều có thể được giải quyết thông quan tham vấn và đối thoại.
Mỹ sẽ tiếp tục tuần tra ở Biển Đông
Bài phát biểu của phó tổng thống Mỹ cũng mô tả những nguyên tắc nền tảng trong tầm nhìn của Mỹ về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, như: quyền tự do hàng hải và hàng không, sự tôn trọng chủ quyền các nước và các quyền cá nhân.
Ông cũng gửi đi thông điệp cho thấy Mỹ sẽ tiếp tục tham gia các hoạt động tuần tra tự do hàng hải trên Biển Đông.
Ông Mike Pence gián tiếp nhắc lại vụ chạm trán giữa tàu khu trục USS Decatur và tàu chiến Trung Quốc ngày 30/9 tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Ảnh: Hải quân Mỹ. |
"Mỹ sẽ tiếp tục làm đúng theo các quyền tự do trên những vùng biển và vùng trời có ý nghĩa quan trọng đối với thịnh vượng của đất nước. Chúng tôi sẽ tiếp tục cho thuyền và máy bay hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép và cần thiết đối với lợi ích quốc gia", ông cho biết.
"Những hành động quấy phá sẽ chỉ khiến chúng tôi quyết tâm hơn. Chúng tôi sẽ không thay đổi con đường đã chọn", phó tổng thống Mỹ nhấn mạnh.
Phát biểu trên của ông Mike Pence có thể nhằm nhắc đến vụ chạm trán mới nhất giữa tàu khu trục USS Decatur với tàu chiến Trung Quốc cuối tháng 9, tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Hải quân Mỹ cho biết tàu Trung Quốc đã áp sát nguy hiểm, chặn đầu tàu Decatur dẫn đến nguy cơ xảy ra va chạm.
Trong một động thái tăng cường hiện diện quốc phòng ở khu vực, Phó tổng thống Mỹ cũng thông báo nước này sẽ hợp tác cùng Papua New Guinea và Australia nâng cấp căn cứ hải quân Lombrum trên đảo Manus.
Đối trọng Trung Quốc ở khu vực
Nhiều chuyên gia nhận định nỗ lực đẩy mạnh hỗ trợ tài chính của Mỹ ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là nhằm đối trọng chính sách đối ngoại và sức ảnh hưởng của Trung Quốc. Mỹ đã tăng gấp đôi gói hỗ trợ lên 60 tỷ USD thúc đẩy khối tư nhân hợp tác đầu tư với các nước trong khu vực.
Mỹ cũng vừa thông qua Đạo luật Cải thiện Tận dụng Đầu tư Hướng đến Phát triển (BUILD) nhằm hiện đại hóa hoạt động hỗ trợ tài chính, thiết lập một cơ quan mới với nhiều quyền hạn hơn trong việc thúc đẩy đầu tư tư nhân.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sự kiến sẽ có cuộc họp bên lề hội nghị G20 ở Argentina vào cuối tháng 11. Ảnh: AFP. |
Nhiều nước ASEAN đã bày tỏ lo ngại phải chọn phe giữa Mỹ và Trung Quốc, đồng thời căng thẳng giữa hai cường quốc có thể dẫn đến bất ổn kinh tế hoặc căng thẳng quân sự.
Phó tổng thống Mike Pence trong khi đó khẳng định rằng sẵn sàng hợp tác với mọi quốc gia trong khu vực. Ông nhấn mạnh Washington vẫn tìm kiếm một mối quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh, nhưng cần dự trên nguyên tắc công bằng, có qua có lại và tôn trọng chủ quyền.
"Dù Mỹ vẫn cương quyết giữ lập trường, chúng tôi tin rằng hai nước có thể đạt được các bước tiến. Trung Quốc sẽ có một vị trí quan trọng trong tầm nhìn của chúng tôi về một khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở, với điều kiện họ lựa chọn tôn trọng chủ quyền của các nước láng giềng, ủng hộ thương mại tự do, công bằng và có qua có lại", ông nhấn mạnh.
"Chúng tôi đã hành động quyết liệt để giải quyết sự mất cân bằng thương mại với Trung Quốc. Mỹ đã áp thuế lên 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc và có thể tăng gấp đôi con số này. Mỹ sẽ không thay đổi con đường đã chọn, trừ khi Trung Quốc thay đổi cách hành xử", ông cảnh báo.