Ngày 13/11, tại cuộc gặp với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Phó tổng thống Mỹ Mike Pence đã thể hiện quan hệ song phương gần gũi khi công bố cam kết trị giá 70 tỷ USD hợp tác với Nhật để phát triển cơ sở hạ tầng, trọng tâm là khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Phó tổng thống Pence dừng chân tại Tokyo trong khuôn khổ chuyến công du dự Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Singapore và Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Papua New Guinea. Thay mặt Tổng thống Donald Trump, người đã hủy lịch trình dự các diễn đàn đa phương trên tại châu Á, phó tổng thống trở thành tâm điểm chú ý kể từ khi có bài phát biểu mạnh mẽ chỉ trích Trung Quốc hồi tháng 10.
Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Thủ tướng Abe và một quan chức thuộc chính quyền Trump sau cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ. Trong khi Mỹ có ý tăng cường quan hệ đồng minh với Nhật Bản giữa lúc chiến tranh thương mại với Trung Quốc, sức ép Washington gia tăng với Bắc Kinh khiến thế cân bằng của ông Abe giữa hai cường quốc kinh tế lớn nhất thế giới trở nên khó khăn hơn.
Đối trọng với "Vành đai, Con đường"
“Đất nước chúng tôi giờ đây đề xuất 60 tỷ USD tài trợ phát triển và các dự án hạ tầng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương sẽ là ưu tiên”, Phó tổng thống Pence phát biểu tại cuộc họp báo chung với thủ tướng Nhật sau cuộc gặp.
“Thưa ngài thủ tướng, chúng tôi cũng rất cảm kích Nhật Bản đặt mục tiêu huy động các tổ chức công và tư nhân góp 10 tỷ USD đầu tư vào các dự án hạ tầng năng lượng đầy hứa hẹn”, ông nói.
Theo Nikkei Asian Review, các dự án trên được kỳ vọng là đối trọng với kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng quy mô lớn trong sáng kiến "Vành đai, Con đường" của Trung Quốc. "Vành đai, Con đường" do Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khởi xướng với tham vọng xây dựng khối kinh tế trải rộng khắp châu Á và vươn tới các khu vực khác.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence hội kiến với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe về thương mại và các biện pháp cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc ngày 13/11. Ảnh: Nikkei Asian Review. |
Sau cuộc gặp, Thủ tướng Abe và Phó tổng thống Pence có tuyên bố chung khẳng định cam kết hợp tác song phương trong các dự án hạ tầng ở các nước thứ ba theo nguyên tắc minh bạch, đảm bảo bền vững nợ. Tuy nhiên, việc thủ tướng và phó tổng thống ra tuyên bố chung được đánh giá là một động thái khác thường bởi chức vị chênh lệch của hai người.
Nikkei Asian Review nhận định sự hăng hái của chính quyền Trump trong việc phát triển Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là tin đáng mừng với lãnh đạo nước Nhật. Chính Nhật Bản đã ấp ủ sáng kiến và mong muốn thu hút sự chú ý của ông Trump với châu Á. Tokyo có lẽ cũng hy vọng việc giữ Trung Quốc bận rộn ở Ấn Độ Dương sẽ giúp giảm căng thẳng ở Biển Hoa Đông - dù điều này không được bàn công khai.
Thế khó xử giữa Mỹ và Trung Quốc
Chiến thuật ngoại giao của ông Abe là nhằm mục đích từng bước cải thiện quan hệ với Trung Quốc, một thị trường lớn không thể thiếu với các doanh nghiệp Nhật Bản, nhưng đồng thời hướng tới củng cố quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật, nền móng trong quan hệ đối ngoại của nước này.
Chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 10 của ông Abe đánh dấu lần đầu tiên một lãnh đạo Nhật Bản thăm Trung Quốc trong 7 năm, thể hiện sẵn sàng hợp tác trong dự án "Vành đai, Con đường" và nhiều vấn đề khác. Tuy nhiên, trong lúc Mỹ và Trung Quốc đối đầu ngày càng gay gắt về thương mại, thế cân bằng của ông Abe gặp trắc trở.
“Chúng tôi nhất trí coi trọng việc Nhật Bản và Mỹ tiếp tục phối hợp chặt chẽ tiến hành đối thoại mang tính xây dựng với Trung Quốc”, ông Abe phát biểu tại cuộc họp báo.
Chính quyền Abe cẩn thận để tránh khiến Mỹ hoài nghi về những động thái của Tokyo nhằm tan băng quan hệ với Trung Quốc. Tokyo cũng từng nỗ lực giải thích với chính quyền Trump về chính sách của Nhật đối với Trung Quốc trước thềm chuyến thăm cấp nhà nước của ông Abe tháng trước.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bắt tay tại Bắc Kinh ngày 26/10. Ảnh: Tân Hoa Xã. |
Tuy nhiên, trong khi việc nối lại tình hữu nghị nói chung được Washington chào đón, James Schoff, chuyên gia cấp cao tại Quỹ Carnegie về Hoà bình thế giới, cảnh báo quan chức diều hâu trong chính quyền Mỹ, như cố vấn thương mại Nhà Trắng Peter Navarro, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross, có thể sẽ phản đối những động thái này.
“Những người theo đường lối cứng rắn nhìn thấy rủi ro lớn trong cạnh tranh với Trung Quốc và đặt ra tiêu chuẩn rất cao. Họ có thể sẽ nghĩ rằng quan hệ Nhật - Trung gần gũi tạo điều kiện cho Bắc Kinh dễ thở hơn”, ông nói.
Riêng Phó tổng thống Pence đã trở thành biểu tượng của chiến dịch gây sức ép với Trung Quốc với bài phát biểu nảy lửa hồi tháng 10. Ông cáo buộc Bắc Kinh “ưu tiên cho năng lực làm xói mòn lợi thế quân sự của Mỹ trên bộ, trên biển, trên không và trong không gian”. Ông Pence cũng nhắm vào dự án công nghiệp Made in China 2025 và tố Trung Quốc “đánh cắp hàng loạt công nghệ Mỹ” và “lấy lưỡi cày rèn gươm trên quy mô lớn”.
Thỏa thuận thương mại mang tính hình mẫu?
Sự lo lắng của Tokyo về đàm phán thương mại với Washington cũng thể hiện rõ trong cuộc gặp ngày 13/11.
Tại họp báo, ông Pence khẳng định “hàng hóa và dịch vụ của Mỹ thường phải đối mặt với quá nhiều rào cản để có thể cạnh tranh công bằng trên thị trường Nhật Bản”.
Về thỏa thuận thương mại mà Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe nhất trí khởi động đàm phán từ tháng 9, phó tổng thống Mỹ lạc quan cho rằng thỏa thuận này sẽ “thiết lập các điều khoản đối với hàng hóa cũng như một số lĩnh vực then chốt khác, trong đó có dịch vụ”.
Hiệp định thương mại Mỹ - Nhật “sẽ là hình mẫu cho Ấn Dộ Dương – Thái Bình Dương”, ông Pence nói thêm.
Phó tổng thống Mỹ Mike Pence và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tại Tokyo ngày 13/11. Ảnh: Reuters. |
Trong khi phó tổng thống Mỹ cam đoan với Nhật Bản một số điều, ví dụ như sẽ không tăng thuế đối với ôtô của Nhật Bản trong quá trình đàm phán hiệp định thương mại, hai bên dường như lại có nhận thức khác nhau về thỏa thuận.
Trong nước, chính phủ Nhật mô tả hiệp định tập trung vào hàng hóa như ôtô và nông sản. Tuy nhiên, ông Pence lại viết trên Twitter trước khi đến Nhật Bản hôm 12/11 rằng ông và ông Abe sẽ thảo luận nội dung “đàm phán về một hiệp định thương mại tự do”, bao gồm cả dịch vụ.
Sự nhạy cảm của Nhật Bản trong vấn đề này thể hiện rõ trong buổi gặp gỡ báo chí hôm 13/11.
“'Thỏa thuận thương mại song phương’ được dịch là ‘hiệp định thương mại tự do’ khi dịch song song. Nhưng đó là một thỏa thuận song phương, không phải hiệp định thương mại tự do”, Yasutoshi Nishimura, phó chánh văn phòng nội các Nhật Bản, nhấn mạnh.
Sự lo lắng của Tokyo không chỉ nằm ở cái tên của thỏa thuận, bởi giả dụ trong trường hợp căng thẳng Mỹ - Trung về vấn đề Đài Loan gia tăng, đó sẽ là phép thử lòng trung tín của Nhật Bản.
Thời gian qua, Mỹ củng cố quan hệ với Đài Loan qua các thương vụ mua bán vũ khí, đồng thời thông qua luật cho phép Washington và Đài Bắc tích cực trao đổi các chuyến thăm chính thức. Trong khi đó, Trung Quốc coi Đài Loan là lợi ích quan trọng mà Bắc Kinh sẽ không thỏa hiệp, đồng thời “ghét cay ghét đắng” việc Mỹ can dự vào vấn đề này.
“Nếu căng thẳng gia tăng và Trung Quốc bắt đầu gây hấn với Đài Loan, sẽ rất khó để ông Abe có thể im lặng”, chuyên gia Schoff nhận định. “Liệu ông ấy có muốn vứt bỏ mọi nỗ lực cải thiện quan hệ với Trung Quốc vì vấn đề đó? Khúc mắc rất khó giải quyết”.