- Sáng 20/5, kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV khai mạc tại Hà Nội. Với khoảng 20 ngày làm việc, kỳ họp dự kiến bế mạc ngày 14/6.
- Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu khai mạc.
- Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
- Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ.
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân gửi đến kỳ họp.
- Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6.
Đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh trước phiên khạc mạc sáng 20/5. Ảnh: Hoàng Hà. |
-
Nhiều sai phạm trong công tác cán bộ
Về tổ chức bộ máy nhà nước, cải cách hành chính, cử tri TP.HCM, Đà Nẵng... phản ánh công tác quản lý, sử dụng và bổ nhiệm cán bộ nhiều nơi còn buông lỏng, thiếu trách nhiệm, xảy ra nhiều sai phạm. Theo đó, đề nghị cần tiếp tục thực hiện việc sắp xếp, bố trí, tinh giản bộ máy theo hướng gọn nhẹ; quan tâm nhiều hơn nữa đến công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ; tăng cường công tác cải cách hành chính. Bộ Nội vụ đã trả lời cử tri về công tác rà soát, hoàn thiện thể chế quy định về công tác quản lý, bổ nhiệm cán bộ trong thời gian qua, các giải pháp đã và đang thực hiện để tăng cường công tác quản lý, giám sát cán bộ... Cùng với đó, xem xét việc thực hiện thí điểm một số mô hình nhằm tinh giản bộ máy; các kết quả đạt được của công tác cải cách hành chính và một số nhiệm vụ trọng tâm nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính trong thời gian tới... Cử tri tỉnh Phú Thọ, Cao Bằng... đề nghị khi tiếp tục thực hiện đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy cần xem xét đảm bảo chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức tại nơi sắp xếp, sáp nhập. Bộ Nội vụ cho biết Chính phủ đã có những quy định để giải quyết chế độ chính sách đối với những đối tượng thuộc các trường hợp dôi dư do sắp xếp lại tổ chức. -
Lãng phí rất lớn trong đầu tư xây dựng
Trong đầu tư xây dựng, cử tri Đà Nẵng phản ánh về tình trạng lãng phí trong xây dựng là rất lớn, nhiều công trình vừa mới xây dựng trong thời gian ngắn đã phải phá bỏ xây dựng lại do không phù hợp với công năng sử dụng, chất lượng kém.
Do đó, kiến nghị rà soát, kiểm tra xử lý và có giải pháp khắc phục tình trạng này trong thời gian tới. Bộ Xây dựng đã thông tin đến cử tri những nguyên nhân gây ra tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng như: chủ trương đầu tư sai dẫn đến công trình sử dụng kém hiệu quả, chất lượng dự án thấp. Bộ này cũng nêu những giải pháp để hạn chế lãng phí trong đầu tư xây dựng như nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, đổi mới công tác quản lý đầu tư xây dựng theo quy hoạch phù hợp điều kiện kinh tế thị trường... -
Yếu kém trong phòng, chống buôn lậu
Về sản xuất, kinh doanh, quản lý thị trường, cử tri nhiều tỉnh phản ánh về những tồn tại, yếu kém trong công tác phòng, chống buôn lậu, vấn nạn sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam tràn lan, chưa được kiểm tra theo quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia đã ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong nước và quyền lợi của người tiêu dùng.
Bộ Công thương cho biết đã kịp thời ban hành các chỉ thị, kế hoạch, văn bản chỉ đạo về tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi và cán bộ vi phạm nhằm đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thị trường. Cử tri Đà Nẵng kiến nghị Bộ Công thương cần công khai tiến độ, kết quả xử lý 12 dự án ngàn tỷ thua lỗ. Bộ này cho rằng phương án, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp theo Đề án được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các giải pháp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện một cách tổng thể, toàn diện. Cùng với việc xử lý các vấn đề về tài chính, quản trị, thị trường, hỗ trợ pháp lý, khoa học công nghệ, các vấn đề về lao động việc làm, ổn định xã hội, bảo đảm môi trường, an ninh - quốc phòng đã được tính tới để xử lý, qua đó tới nay đã tạo được những chuyển biến tích cực.
-
Siết các cuộc thi sắc đẹp, tránh tình trạng “người đẹp bán dâm”
Trong lĩnh vực văn hóa, cử tri tỉnh Quảng Ngãi kiến nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, hoàn thiện các quy định về thể lệ, tiêu chuẩn đối với các cuộc thi sắc đẹp, đảm bảo mục đích tôn vinh hình ảnh người phụ nữ Việt Nam tiêu biểu, có trí tuệ, nhan sắc, đạo đức và lối sống lành mạnh. Đồng thời, thận trọng hơn trong việc cấp phép cho các cuộc thi sắc đẹp, có quy chế quản lý, hoạt động của các người đẹp sau khi đạt giải, nếu vi phạm sẽ bị tước danh hiệu để đảm bảo tính nghiêm minh. Tránh tình trạng tổ chức quá nhiều cuộc thi sắc đẹp nhưng chưa đảm bảo được mục đích, ý nghĩa của các cuộc thi. Một số vụ việc vi phạm pháp luật có liên quan đến các người đẹp đạt giải (như môi giới mại dâm, bán dâm, có lối sống không lành mạnh, thiếu trách nhiệm với danh hiệu đạt được...) đã tác động lớn đến đạo đức, lối sống một bộ phận thanh niên, ảnh hưởng không tốt đến thuần phong mỹ tục nhất là hình ảnh cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Đồng tình với phản ánh của cử tri, Bộ Văn hóa cũng thừa nhận một số quy định của pháp luật đối với tổ chức, quản lý hoạt động thi người đẹp đã không còn phù hợp. Bộ đang tiến hành rà soát, xây dựng dự thảo Nghị định để thay thế các quy định còn bất cập này, trình Chính phủ trong năm 2019. -
Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải trình bày báo báo Kết quả việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 6.
Bà Hải cho biết trong hoạt động giám sát, Quốc hội đã chủ động xem xét, tổ chức nhiều cuộc làm việc về những vấn đề mới, nóng được dư luận đặc biệt quan tâm như xâm hại tình dục trẻ em, vấn đề tai nạn giao thông do lái xe sử dụng ma túy, rượu bia, vấn đề xử lý sai phạm trong gian lận thi cử, vấn đề sụt lún, sạt lở dọc bờ sông, bờ biển tại một số địa phương, vấn đề ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật để quản lý nước mắm; vấn đề khiếu nại, tố cáo đông người do mâu thuẫn trong việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì nhà chung cư… Đồng thời, tổ chức một số phiên giải trình về trách nhiệm của các Bộ, ngành trong quản lý Nhà nước, từ đó kiến nghị với các Bộ, ngành một số giải pháp để tháo gỡ những vấn đề bức xúc mà dư luận cử tri nêu.
-
Cử tri muốn Đảng, Nhà nước mạnh tay hơn với tham nhũng
Về xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, cử tri hoan nghênh việc phát hiện và xử lý nghiêm nhiều trường hợp sai phạm, tuy nhiên vẫn lo ngại về tình trạng “chạy chức, chạy quyền”, tiêu cực trong tuyển dụng, chuyển ngạch công chức, viên chức. Dù ghi nhận sự quyết liệt trong điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, xử lý, kỷ luật nghiêm những cán bộ lãnh đạo có vi phạm, kể cả đương chức hay nghỉ hưu, thực hiện “không có vùng cấm” trong đấu tranh chống tham nhũng, song cử tri phản ánh công tác phát hiện, xác minh, điều tra, truy tố, xét xử một số vụ án còn chậm, tỉ lệ thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp tình trạng “nhũng nhiễu”, “tham nhũng vặt” của một bộ phận công chức, viên chức chưa được khắc phục. Cử tri đề nghị Đảng, Nhà nước tiếp quyết liệt, mạnh tay hơn nữa trong đấu tranh chống tham nhũng. -
Bộ Công an kiên quyết trong đấu tranh, trấn áp tội phạm
Về an ninh trật tự, an toàn xã hội, cử tri lo ngại về tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, tính chất tội phạm ngày càng nguy hiểm, manh động, liên tiếp xảy ra các vụ án giết nhiều người, các vụ xâm hại tình dục, dâm ô với trẻ em. Đặc biệt là nhiều vụ buôn bán, tàng trữ, vận chuyển ma túy với quy mô, số lượng rất lớn. Điển hình như vụ phát hiện và thu giữ là 1.178kg ma túy tại Việt Nam và Philippines trong một đường dây vận chuyển ma túy xuyên quốc gia; vụ công an các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Sơn La và lực lượng cảnh sát biển đã triệt phá thành công và thu giữ 250 bánh heroin; vụ bắt giữ một đối tượng người Lào vận chuyển trái phép hơn 278 kg ma túy tổng hợp tại Hà Tĩnh; Vụ Cục cảnh sát điều tra tội phạm ma tuý (Bộ Công an) phối hợp Cục Hải quan TP.HCM bắt Liu Ming Yang (34 tuổi, người Đài Loan) trong đường dây mua bán ma túy xuyên quốc gia, thu giữ 500 kg ma túy xuyên quốc gia, trị giá 500 tỷ đồng. Liên quan đến tình hình tai nạn giao thông, dù đã giảm cả ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, cử tri vẫn hết sức lo lắng trước việc liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, làm chết nhiều người, tình trạng nhiều lái xe sử dụng rượu, bia, ma túy dẫn đến mất kiểm soát hành vi, gây tai nạn nghiêm trọng; việc tổ chức thi và cấp giấy phép lái xe còn lỏng lẻo. Cử tri đề nghị Bộ GTVT, Bộ Công an tăng cường hoạt động tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; chấn chỉnh việc đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe; đề xuất sửa đổi, bổ sung những bất cập trong quy định xử lý vi phạm…
-
Đề nghị xử lý cán bộ, quản lý trong bê bối gian lận thi cử
Về giáo dục, cử tri phản ánh tình trạng “chạy theo thành tích” vẫn tồn tại, các vụ “bạo lực học đường” liên tiếp xảy ra ở nhiều nơi. Theo thống kê của ngành công an, trong quý I/2019, trên toàn quốc có 310 vụ bạo lực học đường, chủ yếu là ở lứa tuổi THCS và THPT; trong giai đoạn 2010-2018, có 7.735 học sinh, sinh viên vì đánh nhau bị xử lý kỷ luật, so với 10 năm trước, số vụ bạo hành tại trường học tăng gấp 13 lần. Bên cạnh đó là sự thiếu trách nhiệm của một bộ phận cán bộ quản lý, lãnh đạo nhà trường và thiếu quyết liệt trong xử lý các vi phạm của cơ quan chức năng gây bức xúc trong nhân dân. Đặc biệt, cử tri ghi nhận việc Bộ Công an, Bộ Giáo dục và Đào tạo, các cơ quan chức năng đã kiên quyết điều tra, xử lý các vụ gian lận điểm thi ở các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình và Sơn La. Song đề nghị xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm, nhất là những cán bộ, công chức là lãnh đạo, quản lý để lấy lại niềm tin của nhân dân. Ảnh: Minh Quân.
-
Thỉnh oan gia trái chủ ở chùa Ba Vàng gây búc xúc
Về kinh tế - xã hội cử tri, nhân dân rất bức xúc việc một số cơ sở, doanh nghiệp, trường học bất chấp quy định của pháp luật, cố tình sản xuất, kinh doanh và sử dụng thực phẩm không an toàn, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của người dân, nhất là trẻ em.
Điển hình như vụ việc có hơn 200 trẻ ở Bắc Ninh có kết quả dương tính với sán lợn; vụ hơn 200 học sinh Trường Mầm non Xuân Nộn (xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) bị ngộ độc thực phẩm, phải nhập viện cấp cứu; vụ 352 học sinh Trường Tiểu học Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) phải nhập viện cấp cứu với các biểu hiện đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy; vụ 150 học sinh của Trường Tiểu học bán trú Xín Cái, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) có biểu hiện buồn nôn, đi ngoài sau khi ăn trưa tại trường do thịt lợn dùng để chế biến đã bị nhiễm khuẩn. Cử tri đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương, các bộ, ngành chức năng và địa phương tăng cường các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, giám sát chặt chẽ an toàn thực phẩm, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Cử tri cũng đề cập việc lợi dụng hoạt động tín ngưỡng như “dâng sao giải hạn”, “thỉnh vong” để trục lợi ở một số nơi gây bức xúc trong nhân dân, như vụ việc ở chùa Ba Vàng lợi dụng niềm tin của dân thực hiện “lễ thỉnh vong oan gia trái chủ” nhằm thu lợi gây bức xúc trong nhân dân. Bên cạnh đó, công tác quản lý mạng xã hội chưa chặt chẽ, xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, bịa đặt, làm ảnh hưởng xấu tới lối sống thanh, thiếu niên và trật tự an toàn xã hội. Điển hình như vụ Khá Bảnh, Phúc XO phát tán nhiều clip và hình ảnh có tính chất giang hồ trên mạng xã hội với mục đích đánh bóng tên tuổi, nhằm trục lợi, ảnh hưởng xấu tới lối sống của thành niên. Cử tri đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Bộ Công an và các bộ, ngành có liên quan tăng cường quản lý an ninh mạng, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng để người dân sử dụng thông tin mạng theo đúng quy định của pháp luật, phù hợp với đạo đức xã hội. -
Lo lắng vì xuất hiện những hành vi đạo đức thiếu chuẩn mực
Trình bày báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết đến nay, đã tổng hợp được 3.518 ý kiến, kiến nghị của cử tri và nhân dân cả nước. Ông Mẫn cho biết cử tri, nhân dân vui mừng, phấn khởi trước những kết quả toàn diện về kinh tế xã hội của đất nước năm 2018 và những tháng đầu năm 2019. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp; môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện… Cử tri, nhân dân đánh giá cao sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng, Nhà nước trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức gắn với vị trí việc làm, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Nhưng cử tri, nhân dân còn lo lắng về một số vấn đề như an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, xuất hiện một số hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang. Bên cạnh đó, việc điều chỉnh giá điện, giá xăng trong thời gian qua đã có ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh; tình hình khiếu nại, tố cáo còn bức xúc ở một số địa phương… -
Báo cáo rõ hơn việc tăng khai thác dầu thô
Về tình hình thu - chi ngân sách nhà nước, Ủy ban Kinh tế cho rằng kết quả thực hiện thu ngân sách năm 2018 còn thiếu tính bền vững, việc tăng thu phụ thuộc nhiều vào các nguồn thu ngắn hạn mà chưa thực sự phát huy từ các yếu tố cạnh tranh nội tại của nền kinh tế. Cơ quan này đề nghị Chính phủ báo cáo rõ hơn về việc tăng sản lượng khai thác dầu thô khá lớn so với số đã báo cáo Quốc hội (tăng 240.000 tấn dầu thô). Về hoạt động doanh nghiệp, Ủy ban Kinh tế cho rằng số lượng doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh, hoạt động hoặc giải thể tăng cao, đặc biệt là nhóm vừa và lớn (quy mô vốn từ 50-100 tỷ và trên 100 tỷ đồng). Bên cạnh đó, việc kết nối giữa các doanh nghiệp trong nước với khối FDI còn thiếu hiệu quả, chưa tạo được hiệu ứng lan tỏa tích cực về công nghệ và tạo ra năng lực sản xuất mới cho nền kinh tế. “Tình trạng chuyển giá, lỗ giả lãi thật, trốn thuế, gây thất thu ngân sách, tác động không tốt đến môi trường đầu tư của một số doanh nghiệp vẫn còn tồn tại, chưa được xử lý nghiêm và hiệu quả”, ông Vũ Hồng Thanh nêu trong báo cáo. -
Đề nghị phân tích cụ thể hơn về kết quả toàn diện năm 2018
Trình bày báo cáo thẩm tra đánh giá bổ sung kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện những tháng đầu năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phu đánh giá cụ thể hơn một số vấn đề. Theo đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ phân tích rõ hơn nguyên nhân khách quan, chủ quan kết quả năm 2018, từ đó làm rõ những yếu tố tích cực có tính chất đột biến và dài hạn để phục vụ tốt cho công tác điều hành kinh tế - xã hội năm 2019 và các năm tiếp theo. Ông Thanh cho biết có ý kiến đề nghị cần đánh giá kỹ kết quả, đóng góp của ngành du lịch với lượng khách quốc tế đạt mức kỷ lục (gần 15,5 triệu lượt khách quốc tế) đối với tăng trưởng kinh tế và đóng góp cho thu ngân sách nhà nước để có những kinh nghiệm, bài học tốt góp phần phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị Chính phủ đề nghị tiếp tục phân tích, đánh giá đầy đủ thực trạng chất lượng cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước chậm được cải thiện, chưa đáp ứng yêu cầu và tiến độ đề ra; các thị trường yếu tố sản xuất (lao động, khoa học công nghệ, đất đai) vẫn chậm phát triển. Ảnh: Minh Quân.
-
Sớm ban hành các kết luận thanh tra các vụ việc phức tạp, dư luận quan tâm
Báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh nhiệm vụ đẩy mạnh cải cách hành chính, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tăng cường phòng, chống tham nhũng, lãng phí.
Theo đó, Chính phủ tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống hành chính nhà nước tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Chính phủ sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực; xử lý nghiêm vi phạm. Đẩy nhanh tiến độ, sớm ban hành các kết luận thanh tra đối với các vụ việc phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo đông người, phức tạp, kéo dài. Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh việc triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp phòng chống lợi ích nhóm, tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, nhất là trong các lĩnh vực đất đai, tài nguyên, đầu tư công, các dự án BT, BOT, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, công tác quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ... và tình trạng “tham nhũng vặt” trong thực thi công vụ. “Đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng lớn, thu hồi triệt để tài sản bị thất thoát; có cơ chế xử lý kịp thời tài sản liên quan đến các vụ án kinh tế, tham nhũng, không để tài sản xuống cấp, đóng băng, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan”, ông báo cáo trước Quốc hội. Ảnh: Minh Quân.
-
Ngăn chặn suy thoái đạo đức, lối sống, mê tín, dị đoan
Báo cáo của Chính phủ cũng nhấn mạnh trong thời gian tới sẽ chú trọng phát triển văn hóa, xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.
Cụ thể, Chính phủ sẽ tổ chức tốt kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và xét tuyển sinh đại học năm 2019; kiên quyết không để xảy ra sai phạm, gian lận thi cử. Về y tế, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý Chính phủ sẽ tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh. Chấn chỉnh việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng. Nâng cao nhận thức xã hội, thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống tác hại của rượu, bia, thuốc lá. Chính phủ cũng sẽ đẩy mạnh truyền thông, có biện pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng suy thoái đạo đức, lối sống, mê tín, dị đoan. Làm tốt công tác dân tộc, tôn giáo; xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng tự do tôn giáo, tín ngưỡng, vi phạm pháp luật. Ngoài ra, Chính phủ sẽ chú trọng phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân và các thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp. Có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp xâm hại trẻ em. -
Thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn
Báo cáo của Chính phủ đánh giá nền kinh tế trong nước còn hạn chế, yếu kém; tính độc lập, tự chủ, khả năng chống chịu, tiềm lực và năng lực cạnh tranh chưa cao; thách thức an ninh phi truyền thống từ biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh… gia tăng. Theo Phó thủ tướng Trương Hòa Bình, trong thời gian tới, Chính phủ sẽ thực hiện quyết liệt cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh. Chính phủ xác định phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; thúc đẩy hình thành những tập đoàn kinh tế tư nhân lớn, tiềm lực mạnh, có năng lực cạnh tranh khu vực, quốc tế. Với vốn FDI, Chính phủ sẽ thực hiện chính sách thu hút chọn lọc, có hiệu quả, nhất là các dự án lớn, công nghệ hiện đại gắn với phát triển doanh nghiệp trong nước. -
Dâm ô trẻ em, gian lận thi cử, lợi dụng tôn giáo… gây bức xúc xã hội
Báo cáo của Chính phủ cũng đánh giá đổi mới giáo dục đào tạo vẫn còn bất cập; chưa xử lý hiệu quả tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ. Còn những hành vi, vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường, dâm ô trẻ em và biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, gian lận thi cử, lợi dụng tôn giáo, tín ngưỡng… gây bức xúc xã hội.
Chính phủ cũng đề cập tới thực trạng
nhiều vụ việc vi phạm quy định về an toàn thực phẩm; sử dụng rượu, bia, ma túy gây tai nạn giao thông, tội phạm nghiêm trọng. Công tác bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng còn nhiều bất cập. Năng lực nghiên cứu, đề xuất chính sách chưa đáp ứng yêu cầu; còn một số quy định chồng chéo, thiếu khả thi, chậm được sửa đổi, chưa theo kịp thực tiễn cuộc sống để giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc xã hội. Bên cạnh đó, kỷ luật, kỷ cương thực thi công vụ ở nhiều cơ quan, đơn vị chưa nghiêm; phối hợp công tác hiệu quả chưa cao; còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm. Tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa được ngăn chặn hiệu quả. -
Quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn bất cập
Nói về tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh kinh tế vĩ mô chưa thực sự ổn định vững chắc do giá dầu thô, xung đột thương mại, căng thẳng địa chính trị ở nhiều nơi diễn biến bất ổn, khó lường. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều bộ, ngành, địa phương còn chậm. Cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu. Việc xử lý dự án yếu kém, thua lỗ còn khó khăn, quản lý tài sản công, đất đai, tài nguyên còn bất cập; tăng trưởng một số ngành, lĩnh vực có xu hướng chậm lại. Ngoài ra, việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh ở một số lĩnh vực còn chậm, có nơi chưa thực sự quyết liệt. Sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, khả năng huy động các nguồn lực, nhất là vốn tín dụng, đất đai, nhân lực chất lượng cao và mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm còn hạn chế. -
Tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%
Trình bày báo cáo về kết quả đạt được những tháng đầu năm 2019, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình cho biết tăng trưởng GDP quý I đạt 6,79%. Trong đó khu vực nông nghiệp tăng 2,68%; công nghiệp và xây dựng tăng 8,63%; dịch vụ tăng 6,5%. Xuất khẩu 4 tháng đạt 78,8 tỷ USD, tăng 5,8%; xuất siêu 711 triệu USD. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội quý I tăng 8,8%; trong đó vốn đầu tư ngoài nhà nước tăng mạnh 13,6%. Trong 4 tháng, vốn FDI đăng ký mới và tăng thêm đạt 7,5 tỷ USD, tăng 28,6%. Trong công tác, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, Chính phủ đã rà soát, xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng, để lãng phí đất đai. Quản lý chặt chẽ nguồn thu từ đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước. Chính phủ chú trọng ngăn ngừa nhập khẩu công nghệ lạc hậu, ngành nghề ô nhiễm, rác thải, phế liệu. Tăng cường thanh tra các khu, cụm công nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề có nguồn thải lớn trên lưu vực sông… Ảnh: Minh Quân.
-
Tăng trưởng năm 2018 thuộc nhóm cao nhất khu vực và thế giới
Trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và tình hình những tháng đầu năm 2019, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cho biết năm 2018 Chính phủ đã đạt và vượt toàn bộ 12 chỉ tiêu chủ yếu mà Quốc hội giao. Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 7,08%, cao nhất kể từ năm 2008, thuộc nhóm các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực và thế giới. GDP bình quân đầu người đạt 2.590 USD. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; chất lượng tăng trưởng được cải thiện; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đạt 45,2% (bình quân 3 năm 2016-2018 là 43,29%). Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1%. Kim ngạch xuất khẩu tăng 13,2% (đã báo cáo 11,2%), tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt trên 480 tỷ USD và xuất siêu 6,8 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay. Thu ngân sách nhà nước vượt 8% so với dự toán. -
Đề nghị đại biểu nghiên cứu kỹ tài liệu, thể hiện quan điểm
Chủ tịch Quốc hội đánh giá về cơ bản, các dự án, dự thảo, báo cáo trình Quốc hội tại kỳ họp đã được chuẩn bị nghiêm túc, công phu, bảo đảm chất lượng và tiến độ.
Để kỳ họp đạt kết quả tốt nhất, bà đề nghị các vị đại biểu Quốc hội tiếp tục phát huy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dành thời gian nghiên cứu kỹ các tài liệu, tập trung cho ý kiến, thể hiện quan điểm rõ ràng về từng nội dung, nhất là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau, tạo sự thống nhất cao để Quốc hội có những quyết sách đúng đắn, hợp lòng dân. Ảnh: Minh Quân.
-
Năm có ý nghĩa quan trọng
Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết kỳ họp diễn ra trong bối cảnh tình hình khu vực và thế giới tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp. Theo đó, kinh tế thế giới được dự báo có dấu hiệu tăng trưởng chậm lại và tiềm ẩn nhiều thách thức, bất đồng về kinh tế, chính trị giữa một số quốc gia lớn tác động tới kinh tế nhiều nước, trong đó có Việt Nam.
Trong nước, những khó khăn, hạn chế, nhất là tình hình thiên tai, dịch bệnh đang ảnh hưởng bất lợi tới phát triển kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân. D ù vậy, Chủ tịch Quốc hội cho biết nhờ tiếp tục phát huy được đà tăng trưởng của năm 2018, tình hình kinh tế - xã hội những tháng đầu năm tiếp tục đạt được những kết quả khả quan. Tăng trưởng kinh tế đạt khá, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng có nhiều chuyển biến. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, lao động, việc làm, an sinh xã hội cũng đạt được những kết quả nhất định. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, hoạt động đối ngoại, hội nhập kinh tế quốc tế tiếp tục đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định vị thế ngày càng cao của Việt Nam trong khu vực cũng như trên thế giới. “Năm 2019 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020. Vì vậy, nhiệm vụ đặt ra rất nặng nề, đòi hỏi cả hệ thống chính trị, toàn dân, toàn quân, cùng cộng đồng doanh nghiệp phải nỗ lực phấn đấu cao nhất”, Chủ tịch Quốc hội nói.
-
Điểm mới của kỳ họp
Về một số nội dung cải tiến, đổi mới trong tổ chức, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho hay tại kỳ họp này, Văn phòng Quốc hội lần đầu tiên triển khai việc sử dụng phần mềm ứng dụng dành cho đại biểu Quốc hội.
Theo đó, các đại biểu có thể tiếp cận tài liệu, thông tin về kỳ họp, thông tin báo chí… ngay trên các thiết bị thông minh như điện thoại di động. Đây là một trong những kết quả của việc triển khai chương trình xây dựng Quốc hội điện tử.
Bên cạnh đó, Quốc hội sẽ cải tiến việc lấy ý kiến của các đại biểu từ hình thức bằng văn bản sang hình thức bằng bảng điện tử. Qua đó giúp việc lấy ý kiến được chính xác, nhanh chóng và thuận tiện hơn, nhất là trong việc tổng hợp các ý kiến phục vụ cho công tác tiếp thu, chỉnh lý dự án luật.
-
Hàng loạt báo cáo quan trọng trong ngày đầu làm việc
Sau khi chính thức khai mạc, Quốc hội nghe hàng loạt báo cáo gồm: Báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019, cùng báo cáo thẩm tra về nội dung này; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân.
Chiều 20/5, Quốc hội nghe Tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; Báo cáo kiểm toán quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017 cùng báo cáo thẩm tra; Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Tờ trình về dự án Luật Lực lượng dự bị động viên; Tờ trình về việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.
Thủ tướng trao đổi bên lề với các đại biểu Quốc hội ngay trước phiên khai mạc. Ảnh: Hà Linh.
-
Báo cáo việc cho thôi nhiệm ông Lê Đình Nhường
Tại phiên trù bị, Trưởng ban Công tác đại biểu Trần Văn Túy trình bày Báo cáo về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XIV đối với ông Lê Đình Nhường thuộc đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình.
Ông Nhường đã bị miễn nhiệm chức vụ Phó chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội vào ngày 12/4 do có vi phạm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận trước đó.
Sai phạm của ông Nhường liên quan đến việc để xảy ra vụ đánh bạc nghìn tỷ qua mạng, trong đó có sự tham gia của nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh và cựu Cục trưởng C50 Nguyễn Thanh Hóa.