Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Có thể ban hành nghị quyết xử lý tài xế say xỉn lái xe

Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc thừa nhận thực tế xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do tài xế uống rượu bia gây ra. Hình phạt cho những hành vi này lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Chiều 17/5, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo giới thiệu dự kiến chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV. Trả lời báo chí về những nội dung nổi bật của kỳ họp này, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết đây là kỳ họp giữa năm nên trọng tâm là vấn đề lập pháp.

Quốc hội dành 12/20 ngày tập trung cho vấn đề lập pháp, thông qua 7 dự án luật và 2 nghị quyết, cho ý kiến vào 9 dự án luật khác. Thời gian còn lại dành cho chất vấn, giám sát chuyên đề và quyết định vấn đề quan trọng của đất nước.

Ứng dụng phần mềm mới

Về nội dung chất vấn, theo Tổng thư ký Quốc hội, quy định nêu rõ chỉ vào kỳ họp cuối năm giữa nhiệm kỳ và cuối năm cuối nhiệm kỳ, hình thức "chất vấn không giới hạn" (mời tất cả thành viên Chính phủ tham gia) mới thực hiện. Còn lại, Quốc hội chất vấn theo thông lệ.

Theo đó, Quốc hội sẽ chọn 4 nhóm vấn đề dựa trên đề xuất của đại biểu, 4 nhóm này thuộc lĩnh vực nào thì bộ trưởng, trưởng ngành đó sẽ trả lời trực tiếp trước Quốc hội.

Trước câu hỏi về việc ra nghị quyết để xử lý nghiêm được tình trạng lái xe uống rượu bia gây tai nạn, Tổng thư ký Nguyễn Hạnh Phúc thừa nhận thực tế xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông do tài xế uống rượu bia gây ra. Hình phạt cho những hành vi này lại quá nhẹ, không đủ sức răn đe.

Như đề xuất của Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, ông Phúc cho rằng có thể ban hành nghị quyết riêng hoặc chung. Tới đây Quốc hội bàn để trước mắt giải quyết ngay được tình trạng nói trên.

Đặc biệt tại kỳ họp này, Tổng thư ký Quốc hội cho biết có nhiều cơ quan về công nghệ thông tin có những phần mềm hữu ích cho Quốc hội.

Một công ty đã ủng hộ cho Quốc hội phầm mềm phục vụ cho kỳ họp, trong đó bao gồm việc cung cấp tài liệu cho đại biểu. Phần mềm này sẽ giúp ích nhiều về công tác lập pháp, thuận tiện giúp đại biểu tra cứu thông tin. Ví dụ thông tin về quy định này có bao nhiêu nước trên thế giới áp dụng, so sánh với Việt Nam có gì giống và khác nhau…

Ky hop thu 7 Quoc hoi khoa XIV anh 1
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí. Ảnh: Sơn Hà.

Song, ông Phúc cho biết việc ứng dụng phần mềm chỉ là thí điểm tại kỳ họp lần này, sau đó mới có đánh giá việc thử nghiệm. “Vì vậy, trong kỳ họp này Quốc hội vẫn phải sử dụng văn bản giấy, chưa thể bỏ ngay. Nếu bỏ mà phần mềm trục trặc thì đại biểu không có tài liệu để nghiên cứu”, ông Phúc nói.

Ông cho biết gần đây Quốc hội tiến hành xây dựng Quốc hội điện tử, Văn phòng Quốc hội đang làm và sẽ báo cáo Quốc hội cho chủ trương đầu tư.

Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thêm kỳ họp này, Quốc hội sẽ lần đầu triển khai thí điểm việc sử dụng phần mềm ứng dụng dành cho các đại biểu Quốc hội. Theo đó, các đại biểu có thể tiếp cận các tài liệu, thông tin phục vụ kỳ họp, lịch làm việc, vị trí chỗ ngồi… ngay trên các thiết bị thông minh như điện thoại di động.

“Đây là một trong những kết quả của việc triển khai chương trình xây dựng Quốc hội điện tử trong nhiệm kỳ Quốc hội này. Điều này góp phần truyền tải thông tin một cách nhanh nhất đến các đại biểu, giảm việc sử dụng các văn bản giấy trong hoạt động của Quốc hội”, ông Hùng cho biết.

Cùng với đó, Quốc hội cũng sẽ cải tiến việc lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội, thay vì gửi văn bản giấy sẽ gửi bản điện tử, qua đó giúp việc lấy ý kiến chính xác hơn, nhanh chóng, thuận tiện, nhất là trong việc tổng hợp các ý kiến đại biểu Quốc hội phục vụ cho công tác tiếp thu, chỉnh lý các dự án luật.

Quá nửa kỳ họp dành để xây dựng luật

Trước đó, giới thiệu chương trình kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XIV, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng cho biết kỳ họp tập trung phần lớn thời gian cho công tác xây dựng pháp luật (chiếm tỷ lệ gần 60% tổng thời gian).

Bên cạnh đó, Quốc hội cũng dành thời gian cho việc xem xét, quyết định các vấn đề kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác (8 ngày, trong đó có 2,5 ngày dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn).

Ky hop thu 7 Quoc hoi khoa XIV anh 2
Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Mạnh Hùng. Ảnh: Sơn Hà.

Về công tác lập pháp,Quốc hội sẽ dành 12 ngày để xem xét, thông qua 7 dự án luật, 2 nghị quyết và cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác.

Luật Giáo dục sửa đổi, Luật Kiến trúc sửa đổi, Luật Thi hành án hình sự sửa đổi, Luật Phòng chống tác hại của rượu, bia… là những dự án luật được thông qua tại kỳ họp này.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán nhà nước; Bộ luật Lao động (sửa đổi)… là những luật sẽ được Quốc hội cho ý kiến.

Về hoạt động giám sát tối cao, Quốc hội xem xét báo cáo giám sát chuyên đề về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018. Điểm đáng chú ý là tại kỳ họp này sẽ có đổi mới trong việc báo cáo kết quả giám sát trước Quốc hội.

Theo đó, đoàn giám sát sẽ báo cáo bằng hình ảnh trước Quốc hội, góp phần chuyển tải sinh động về kết quả giám sát chuyên đề.

“Phiên họp thảo luận về nội dung này tuy không được phát thanh, truyền hình trực tiếp nhưng là phiên thảo luận mở, các phóng viên báo chí được trực tiếp theo dõi, đưa tin tại Trung tâm Báo chí kỳ họp”, ông Hùng cho biết.

Tại kỳ họp, Quốc hội cũng xem xét các báo cáo về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.

Việc xem xét báo cáo này được kết hợp thảo luận với các nội dung về: việc sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; kết quả kiểm điểm và xử lý trách nhiệm trong việc để xảy ra các vi phạm về quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước.

Ngoài ra, Quốc hội xem xét, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017; xem xét, quyết định việc bổ sung danh mục dự án mới vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020; xem xét, thông qua các Nghị quyết về Chương trình giám sát và thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội năm 2020.

Đại biểu Quốc hội được trang bị iPad để tra cứu tài liệu

Để phù hợp việc xin ý kiến bằng hệ thống điện tử về một số nội dung quan trọng, Quốc hội trang bị cho mỗi đại biểu một chiếc máy tính bảng để tra cứu tài liệu.


Hoài Thu - Sơn Hà

Bạn có thể quan tâm