Bộ luật Lao động (sửa đổi) vừa được đưa ra xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội và dự kiến trình Quốc hội vào cuối tháng 5 này.
Ngoài những đổi mới về quy định tuổi nghỉ hưu, giờ làm thêm, ngày nghỉ lễ,... Bộ luật Lao động (sửa đổi) cũng có nhiều thay đổi tích cực trong chính sách tiền lương.
Doanh nghiệp tự trả lương, Nhà nước không can thiệp
Chia sẻ với Zing.vn, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi ghi nhận những bước tiến trong chính sách tiền lương lần này để giải quyết bất cập trong các quy định về tiền lương thời gian qua.
Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Bùi Sỹ Lợi. Ảnh: Anh Tuấn. |
Điểm mới đầu tiên, theo ông Lợi là đã thay đổi cơ sở xác định lương tối thiểu từ "nhu cầu sống tối thiểu" sang "mức sống tối thiểu" của người lao động và gia đình.
Luật hiện hành quy định tiền lương tối thiểu phải đáp ứng “nhu cầu sống tối thiểu”. Tuy nhiên, thước đo này mang nặng tính định tính, gây tranh luận rất nhiều mỗi lần họp hội đồng tiền lương.
Theo sửa đổi, nếu quy định lương tối thiểu phải đáp ứng mức sống tối thiểu. “Mức sống tối thiểu giống như sàn an sinh tối thiểu, ai cũng phải trên mức sàn đó”, ông Lợi nói.
Điểm mới thứ hai, Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội cho biết luật sửa đổi theo hướng tiền lương phải phản ánh đúng giá trị thực của lao động. Tức là giá trị lao động thể hiện giá cả lao động trên thị trường, hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
“Điều này sẽ tạo điều kiện để tăng năng suất lao động, trả lương theo số lượng và chất lượng cống hiến của cán bộ. Sẽ không có chuyện người làm nhiều hưởng ít và ngược lại, cũng sẽ không còn tình trạng cào bằng khi trả lương”, ông Bùi Sỹ Lợi nói.
Điểm mới thứ ba là luật sửa đổi sẽ tháo gỡ cơ chế tự chủ cho các doanh nghiệp, giúp họ tự quyết định thang lương, bảng lương, tiền thưởng.
Theo ông Lợi, Nhà nước sẽ không can thiệp vào việc trả lương của doanh nghiệp mà chỉ quy định mức tiền lương tối thiểu và doanh nghiệp trả lương theo cơ chế thị trường, miễn là không thấp hơn mức tối thiểu Nhà nước quy định.
Không có năng suất, không được tăng lương
Các chuyên gia độc lập tham gia Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng là điểm mới đáng chú ý trong Bộ luật Lao động (sửa đổi).
Ông Lợi cho rằng các chuyên gia này là những người hiểu biết về tiền lương. Sẽ có thêm căn cứ, cơ sở khoa học khi họ cùng góp ý kiến để quyết định mức lương tối thiểu.
Chuyên viên Sở Xây dựng Đà Nẵng tiếp dân. Ảnh: Đoàn Nguyên. |
Đặc biệt, Phó chủ nhiệm Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh những thay đổi về nguyên tắc trả lương theo tinh thần của nghị quyết Trung ương, đó là không cào bằng, không dựa vào thâm niên, không phải “cứ 3 năm tăng một bậc lương” mà căn cứ vị trí việc làm và năng suất lao động.
“Nếu không thể tạo ra năng suất lao động sẽ không có cơ hội tăng lương, chỉ có năng suất mới điều chỉnh được thu nhập của người lao động. Vì thế, sẽ không còn tình trạng tồn tại lâu nay là cán bộ công chức vào bộ máy chỉ ngồi im “giữ ghế” hưởng lương, dựa dẫm vào nhau chứ không chịu lao động”, ông Lợi phân tích.
Để những thay đổi này thực sự có hiệu quả, theo ông Lợi cần có lộ trình từng bước nhưng cũng phải có những cải cách đồng bộ trong xây dựng vị trí việc làm, nguyên tắc đánh giá cán bộ…
Ông Bùi Sỹ Lợi cũng đề nghị mở rộng diện đối tượng áp dụng của Bộ luật Lao động (sửa đổi) đến tất cả người lao động, gồm lao động chính thức và lao động phi chính thức.
Điều này nhằm thiết lập một cơ chế bảo vệ cho tất cả lao động, nhất là với nhóm lao động yếu thế. Qua đây cũng xác lập một nền tảng trả lương công bằng, bình đẳng, hạn chế tình trạng lạm dụng, bắt chẹt đối với lao động tự do, lao động phi chính thức.