Tại hội nghị sơ kết 15 ngày cách ly xã hội theo Chỉ thị 16 trên toàn TP.HCM diễn ra chiều 23/7, Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình bày tỏ sự ủng hộ với quyết định kéo dài thời gian áp dụng Chỉ thị 16 của TP.HCM.
Tập trung có trọng tâm, trọng điểm để tìm F0
Sau khi lắng nghe ý kiến của các quận, huyện và TP, Phó thủ tướng lo ngại khi nhiều địa phương liên tục truy vết ra các chùm ca bệnh ngoài cộng đồng. Ông nêu ví dụ, lúc đầu, Cần Giờ chỉ phát hiện 2 ca bệnh, nhưng nay đã hơn 200 ca. Xét nghiệm tình cờ trên phà Bình Khánh cũng ra 6 ca dương tính.
Ông yêu cầu các địa phương xem xét lại cách làm, bình tĩnh xác định để xử lý, tập trung xét nghiệm "vùng đỏ" để tìm F0 sao cho không tiếp tục lây lan; đồng thời, tập trung giữ "vùng xanh".
"Cần tập trung khu vực nào trọng tâm, trọng điểm để tìm F0, làm cho vùng đỏ xanh lại. Còn vùng vàng, vùng xanh, nơi nào phát hiện có dấu hiệu, triệu chứng thì tập trung truy vết. Chiến lược vẫn là truy vết nhanh nhưng phải tập trung, có trọng tâm, trọng điểm", ông nói.
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình dự họp của Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM. Ảnh: HMC. |
Về việc cách ly F1, F0 tại nhà, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình thống nhất với chủ trương mới của thành phố. Ông cũng bày tỏ sự ủng hộ với mô hình tháp 5 tầng.
Ông nhắc lại nhận định của Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và thống nhất: "F0 có thể bệnh hoặc không bệnh. F0 có triệu chứng, trở thành bệnh thì đưa đi tập trung, điều trị. Còn có những F0 không triệu chứng, có thể thể tự hết bệnh".
Phó thủ tướng nhắc nhở cần kiểm soát các F0 được cách ly tại nhà. Các bệnh viện quận, huyện phải tăng cường năng lực, điều trị F0 ngay tại địa phương, "chia lửa" với thành phố. Khi bệnh nhân có triệu chứng nặng mới chuyển lên tuyến trên.
Ông nhấn mạnh biện pháp quan trọng là tăng cường Chỉ thị 16. Tuy nhiên, giải pháp căn bản và lâu dài để đối phó với dịch bệnh là tập trung nguồn lực cho vaccine.
"Chính phủ có chủ trương không chỉ chờ Bộ Y tế mà các địa phương cũng tăng cường việc tìm các nguồn vaccine để tiêm cho nhân dân, đồng thời, thu hút nguồn lực trang thiết bị oxy, máy thở và các thiết bị khác", Phó thủ tướng nói.
Địa phương xin hỗ trợ nhân lực y tế
Trong cuộc họp kéo dài 4 giờ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP.HCM dành thời gian lắng nghe báo cáo, khúc mắc, kiến nghị của 22 quận, huyện, TP.
Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên nhiều lần động viên các địa phương chia sẻ khó khăn trong 15 ngày thực hiện Chỉ thị 16.
"Chúng tôi muốn nghe những việc đã làm 15 ngày qua, kết quả, việc được, chưa được. Và chuẩn bị thực hiện 15 ngày kế tiếp, với định hướng của Ban Thường vụ như thế các đồng chí có niềm tin không, triển khai thực hiện được không", Bí thư Nên nhấn mạnh.
Báo cáo tại buổi họp, Chủ tịch UBND quận Bình Tân Nguyễn Minh Nhựt cho biết các khu nhà trọ vẫn còn tình trạng giao lưu trong thời gian áp dụng Chỉ thị 16. Ông thừa nhận việc giám sát bên ngoài rất tốt nhưng bên trong còn chưa làm được vì nhiều trường hợp sống chung trong một căn nhà chứ không phải phòng trọ riêng biệt. Bên cạnh đó, ý thức của người dân cũng là một vấn đề.
Một khó khăn khác được ông nêu ra là việc thiết lập khu cách ly cho người xét nghiệm kháng nguyên nhanh dương tính, chờ kết quả PCR khẳng định.
Quận Bình Tân kiến nghị TP.HCM hỗ trợ nhân lực để chăm sóc F0 tại các khu cách ly. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Lãnh đạo quận Bình Tân kiến nghị thành phố bổ sung đội ngũ y bác sĩ để làm nhiệm vụ trong khu cách ly. Bên cạnh đó, quận cho biết có nhiều trường hợp F0 chuyển nặng rất nhanh và mong thành phố sớm đưa đi điều trị. Ông chia sẻ việc liên hệ Trung tâm cấp cứu 115 để chuyển viện vẫn còn khó khăn.
Quận Bình Tân cũng đề xuất Sở Y tế chuyển công năng Bệnh viện quận Bình Tân thành cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19 toàn bộ hoặc tăng cường một phần. Mục tiêu là xử lý các ca F0 chuyển nặng mà chưa kịp đưa lên tuyến trên điều trị.
Cuối cùng, lãnh đạo quận kiến nghị ưu tiên tiêm vaccine cho công nhân, người lao động trong các khu nhà trọ để giảm nguy cơ với nhóm này.
Tại cuộc họp, Bí thư Nguyễn Văn Nên nhiều lần đề nghị các địa phương trình bày các đề xuất, kiến nghị hoặc giải pháp. Ông nhấn mạnh chính các địa phương mới là yếu tố quyết định cho thành công trong chống dịch của thành phố.
TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 từ 0h ngày 9/7 đến ngày 1/8. Sau 14 ngày đầu áp dụng Chỉ thị 16, số ca nhiễm mỗi ngày tại TP.HCM vẫn liên tục tăng. Từ 9/7 đến 6h ngày 23/7, TP.HCM ghi nhận 40.255 ca nhiễm, trung bình mỗi ngày phát hiện 2.780 ca; phần lớn trong khu cách ly, phong tỏa.
Hiện, TP điều trị 36.569 trường hợp dương tính mới (bao gồm xét nghiệm PCR và test nhanh dương), trong đó có 562 bệnh nhân nặng đang thở máy và 11 bệnh nhân được can thiệp ECMO, có 441 trường hợp tử vong. Ngày 22/7, TP.HCM có 2.046 bệnh nhân xuất viện.
Từ 27/4 đến sáng 23/7, TP.HCM ghi nhận 48.863 ca mắc Covid-19, là tâm dịch lớn nhất trên cả nước.
4 lần kéo dài thời gian giãn cách xã hội của TP.HCM
Lần 1: Từ 0h ngày 31/5, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 trong 15 ngày, riêng quận Gò Vấp và phường Thạnh Lộc (quận 12) áp dụng Chỉ thị 16.
Lần 2: Từ ngày 14/6, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 15 thêm 2 tuần.
Lần 3: Từ ngày 19/6, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 10, không nêu thời hạn.
Lần 4: Từ ngày 9/7, TP.HCM áp dụng Chỉ thị 16 trong 15 ngày.