Theo chia sẻ của phó thủ tướng, việc áp dụng công nghệ vào sản xuất phải đối mặt với nhiều thách thức về giải quyết công ăn việc làm cho người lao động. Trong khi đó muốn tập trung phát triển kinh tế theo chiều sâu thì lợi thế về nhân công giá rẻ cũng mất đi, đòi hỏi nền kinh tế phải nỗ lực nhiều hơn.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh chia sẻ tại hội nghị. Ảnh: Hải An. |
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh phân tích trước đây kinh tế Việt Nam dựa vào nguồn nhân công rẻ. Hiện nay, kinh tế phát triển đạt đến mức nhân tố nhỏ lẻ không thể phát triển như thời gian trước đây. Đã đến lúc thay đổi mô hình phát triển theo hướng nâng cao mô hình phát triển, tăng năng suất lao động, sử dụng tri thức trong thúc đẩy sản xuất. Đó chính là những nhân tố để thúc đẩy phát triển, kết hợp chiều rộng lẫn tập trung vào chiều sâu.
Đối với lĩnh vực chủ đạo là nông nghiệp, cần tập trung phát triển kỹ thuật cao, tích tụ ruộng đất để tạo ra nền sản xuất với môi trường rộng lớn hơn là cá nhân riêng lẻ. Cố gắng giảm số lượng người làm trong nông nghiệp xuống với mục tiêu 40%.
Phó thủ tướng chỉ rõ để đạt mục tiêu đó, phải nâng cao chất lượng của phát triển nông nghiệp, đồng thời chuyển dịch trong nông nghiệp sang ngành nghề và dịch vụ. Đó là mục tiêu lớn cần phải thực hiện khẩn trương.
Tuy nhiên, nhiều đại biểu đặt vấn đề, tình trạng thâm dụng lao động ở Việt Nam là rất lớn. Ứng dụng công nghệ tăng năng suất lao động sẽ dẫn đến áp lực giải quyết việc làm. Đối phó với vấn đề này không hề đơn giản và đòi hỏi giải pháp phù hợp.
Các diễn giả thảo luận tại hội nghị. Ảnh: Hải An. |
Phản hồi về vấn đề này, ông Minh cho rằng sẽ phải đào tạo lại nghề. Bởi vì trong bất cứ nền kinh tế đều cần có lực lượng lao động lành nghề.
Ông dẫn lại một báo cáo gần đây của tổ chức lao động thế giới cho biết cách mạng công nghệ lần 4 có thể tác động 86% lao động trong ngành dệt may, da giày vì sử dụng tay nghề đơn giản. Đây là thách thức cực kỳ lớn, nên trước mắt cần phải đào tạo lại nguồn nhân lực và chuyển dịch ngành nghề phù hợp.
“Động thái đầu tiên cho chuyển dịch mô hình tăng trưởng chính là phát huy khái niệm “Chính phủ kiến tạo”. Kiến tạo có nghĩa là Chính phủ đưa ra chính sách trong khuôn khổ pháp luật để tạo thuận lợi cho người dân và các loại hình kinh tế hoạt động. Không có mô hình xin-cho, tạo điều kiện cơ sở thông thoáng chứ Chính phủ không tham gia vào điều hành", Phó thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh.
Nếu không thông qua TPP sẽ còn nhiều FTA khác
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh cho biết Việt Nam tham gia vào đàm phán cũng như ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với mong muốn thúc đẩy tự do thương mại giữa các nước.
Chia sẻ mong đợi Mỹ sẽ phê chuẩn hiệp định quan trọng này, Phó thủ tướng cho biết Việt Nam cũng đang trong quá trình xem xét để phê chuẩn hiệp định.
"Đây cũng là quyết tâm của Chính phủ Việt Nam", Phó thủ tướng Minh cho biết. Tuy nhiên, ông cũng thẳng thắng, "nếu vì một lý do nào đó mà TPP không được thông qua thì Việt Nam thì còn có các hiệp định thương mại tự do khác".
Phó thủ tướng đơn cử Hiệp định với Liên minh Châu Âu, Liên minh Á – Âu, việc Việt Nam tham gia vào cùng các nước ASEAN để tạo lập 1 hiệp định thương mại tự do của khu vực, cũng như APEC cũng đang đàm phán về một hiệp định thương mại tự do cho Khu vực Châu Á Thánh Bình Dương.