Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Bộ trưởng Tài chính: Chúng tôi rất chia sẻ với TP.HCM

Phản hồi về việc giảm tỷ lệ điều tiết cho TP.HCM kể từ 2017, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng bày tỏ sự chia sẻ song ông cũng nhắc đến trách nhiệm với các địa phương khó khăn.

Trong phiên thảo luận chiều 1/11, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm của TP.HCM cho hay thành phố đồng ý việc giảm tỷ lệ ngân sách trung ương để lại nhưng phải ở mức độ sao không gây ảnh hưởng, không thể đột ngột cắt giảm 5% (từ 23% xuống còn 18%) được. "1% thu ngân sách của TP.HCM cũng là số tuyệt đối rất lớn, mất một khoản như vậy, thành phố rất khó mà thực hiện nhiệm vụ đề ra", bà nói.

Phản hồi về việc điều tiết ngân sách tại địa phương, Bộ trưởng Tài chính cho biết Thủ tướng cũng đã có chỉ đạo về vấn đề này. Theo luật Ngân sách, ngân sách nhà nước là thống nhất giữa Trung ương và địa phương, trong đó ngân sách Trung ương là chủ đạo. Sau mỗi thời kỳ ổn định ngân sách (như giai đoạn 2011-2016 vừa qua), mỗi địa phương đều phải tự cân đối, giảm dần tỷ lệ điều tiết của ngân sách trung ương khi bước vào giai đoạn mới (2017-2020).

dieu tiet ngan sach dia phuong anh 1
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng Ảnh: Hoàng Hà

Đất nước có 63 tỉnh thành nhưng đặc điểm, khả năng phát triển và quy mô kinh tế rất khác nhau. Tính riêng phần thu ngân sách của Hà Nội, TP.HCM đã tới chiếm tới 50% tổng thu cả nước, mở rộng ra 16 tỉnh thành trọng điểm thì nguồn thu tới 80% tổng số thu ngân sách cả nước. Ngược lại, có những địa phương nguồn thu rất khó khăn, hạn chế.

Đối với TP.HCM, dự toán thu nội địa trên địa bàn năm 2017 trình Quốc hội không kể tiền sử dụng đất, thu xổ số kiến thiết và lợi nhuận còn lại thì tăng khoảng 20% so với ước thực hiện 2016. Với dự toán thu như vậy và dự kiến nhu cầu chi ngân sách địa phương tính trên cơ sở hệ thống định mức phân bổ chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên đã được quyết định thì tỷ lệ điều tiết của TP.HCM năm 2017 là 17%, giảm 6% so với thời kỳ 2011-2016.

Bộ trưởng Dũng bày tỏ: “Chúng tôi rất chia sẻ với các địa phương, rất hiểu câu chuyện con gà đẻ trứng vàng và coi các địa phương trọng điểm như nuôi gà, cần cho ăn để tiếp tục đẻ ra nhiều trứng hơn nhưng chúng ta cũng phải có trách nhiệm với các địa phương khó khăn mà đa phần chính là những phần phên dậu của tổ quốc”

Theo Bộ trưởng, do nguồn lực có hạn, nên trong dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017, Chính phủ trình với Quốc hội dành một khoản 14.450 tỷ đồng để xử lý hỗ trợ thêm cho các địa phương này, bảo đảm tỷ lệ điều tiết của các địa phương này không giảm quá lớn. Trong đó, phân bổ 10.000 tỷ đồng cho chi đầu tư phát triển, 4.450 tỷ đồng cho chi thường xuyên.

Vị tư lệnh ngành Tài chính cũng phân trần là TP.HCM hay Hà Nội cũng được hưởng những ưu đãi đặc biệt từ trung ương như tăng định mức chi cho hoạt động kinh tế để xử lý môi trường, đảm bảo an sinh, an ninh trật tự…

Cụ thể, để bổ sung nguồn lực cho TP.HCM, Chính phủ phân bổ thêm 1.823 tỷ đồng, trong đó 1.447 tỷ đầu tư phát triển, 376 tỷ chi thường xuyên. Ngoài ra, giai đoạn 2016-2020, ngân sách Trung ương cam kết hỗ trợ 10.000 tỷ đồng tiền thu từ bán cổ phần hóa để xử lý chống ngập cho thành phố; hỗ trợ thêm 8.800 tỷ đồng để đầu tư hai bệnh viện. Trung ương còn cam kết hỗ trợ cấp phát cho thành phố khoảng trên 3 tỷ USD vốn ODA, cho vay lại khoảng 1 tỷ USD để xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, xử lý các vấn đề vệ sinh môi trường...

“Theo yêu cầu là rất khó khăn cho nên một lần nữa chúng tôi đề nghị với Thành ủy TP.HCM, cũng như nhân dân TP.HCM  là chia sẻ với trung ương, chia sẻ với Chính phủ trong đó có chia sẻ với Bộ Tài chính”, Bộ trưởng Dũng bày tỏ.

Bộ Tài chính: Không giảm nguồn lực của TP.HCM

Trước phản ứng của TP.HCM về việc giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nếu tính tổng thì nguồn lực của TP không giảm và việc này đã được tính toán kỹ.

 


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm