Nhận định này được Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 đưa ra trong cuộc họp trực tuyến với tỉnh Đồng Nai về công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn, sáng 24/6. Đồng Nai được đánh giá là địa bàn nhiều nguy cơ dịch bệnh khi giáp TP.HCM và có nhiều khu công nghiệp.
Không để dịch xâm nhập địa bàn
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng dù số ca mắc Covid-19 ở Đồng Nai là đơn lẻ, rõ nguồn xâm nhập, nguy cơ dịch thời gian tới là rất cao, bởi tỉnh có đặc thù là địa bàn giáp ranh với nhiều địa phương dịch bệnh đang diễn biến phức tạp.
Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị tỉnh triển khai giải pháp giám sát chặt chẽ công nhân, người lao động trong các khu công nghiệp để bảo đảm an toàn dịch tễ phòng, chống dịch; triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà có sự giám sát của ngành y tế; chuẩn bị hệ thống máy móc phục vụ xét nghiệm, điều trị…
Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cũng khuyến nghị tỉnh có chiến lược xét nghiệm phù hợp, phối hợp nhuần nhuyễn phương thức xét nghiệm nhanh, mẫu đơn, mẫu gộp.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị tỉnh Đồng Nai phải tiếp tục tập trung ngăn chặn, không để dịch xâm nhập vào địa bàn. Ảnh: VGP. |
Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao tinh thần cảnh giác và các giải pháp phòng, chống dịch của Đồng Nai, đồng thời đề nghị tỉnh phải tiếp tục tập trung ngăn chặn, không để dịch xâm nhập vào địa bàn.
Theo Phó thủ tướng, Đồng Nai nằm sát TP.HCM, có hơn nửa triệu công nhân trong khu công nghiệp, có bến cảng, giao thương lớn với Bình Dương nên nếu để dịch bệnh xâm nhập sẽ “cực kỳ khó khăn”. Ông yêu cầu phải kiểm soát chặt chẽ người đi từ TP.HCM, Bình Dương sang Đồng Nai và ngược lại.
Trong chống dịch, Phó thủ tướng lưu ý kiểm soát chặt không phải “ngăn sông cấm chợ”, mà cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm soát người di chuyển từ các địa phương có dịch. “Hàng ngày phải nắm được cụ thể số lượng người đi lại, vận chuyển hàng hoá qua lại địa bàn tỉnh”, Phó thủ tướng yêu cầu.
Nhắc đến bài học kinh nghiệm của Bắc Ninh, Bắc Giang, Phó thủ tướng nhắc lại khi có ca nhiễm xuất hiện trong doanh nghiệp, thay vì cho công nhân nghỉ làm đồng loạt cần khẩn trương khoanh vùng những khu có nguy cơ cao; đồng thời vẫn duy trì hoạt động, giữ khoảng cách, bảo đảm an toàn… để quản lý tốt hơn.
Biến chủng mới, phải ứng phó rất nhanh
Theo Phó thủ tướng, với biến chủng mới của virus, các biện pháp ứng phó phải rất nhanh chóng, quyết liệt, dứt khoát trên cơ sở phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm người đứng đầu trong công tác phòng, chống dịch.
Ông yêu cầu Đồng Nai tính toán các phương án tiếp cận để khi xuất hiện ca nhiễm sẽ không bị động, không hốt hoảng, bình tĩnh căn cứ vào thực tiễn, quyết định khoanh thật gọn, thật chặt, thật nghiêm ngặt, tập trung toàn lực để dập dịch ngay từ đầu.
Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 họp trực tuyến với tỉnh Đồng Nai để bàn giải pháp chống dịch. Ảnh: VGP. |
Phó thủ tướng một lần nữa nhắc lại cần tuyệt đối tránh tình trạng bên ngoài phong tỏa chặt nhưng bên trong lại “lùng nhùng”, không đủ lực lượng quản lý.
Bộ Y tế được Phó thủ tướng giao họp với các địa phương để có cơ chế phối hợp, thống nhất giải pháp cụ thể, đồng bộ, quản lý chặt chẽ người qua lại giữa các tỉnh trong khu vực, tránh để dịch bệnh lây lan giữa các địa bàn.
Báo cáo trước đó, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đồng Nai Phan Huy Anh Vũ cho biết đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 35 ca mắc Covid-19, trong đó có 4 ca mắc trong đợt 4 (2 ca liên quan đến các ổ dịch ở TP.HCM, một ca liên quan đến Đà Nẵng, một ca liên quan đến Bình Dương); có 500 F1 và 2.000 F2.
Với đặc thù có mối liên hệ mật thiết với TP.HCM và tỉnh Bình Dương, nơi có số lượng ca mắc lớn, ông Vũ đánh giá khả năng dịch bệnh xâm nhập vào Đồng Nai rất lớn.
“Nếu không kiểm soát chặt chẽ, không hạn chế di chuyển giữa vùng có dịch về địa phương, chắc chắn Đồng Nai sẽ có nhiều ca mắc trong thời gian tới”, ông Vũ dự báo.
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng khẳng định với số lượng công nhân đông, nguy cơ lớn, thời gian qua, các lực lượng của Đồng Nai đã gồng mình chống dịch.
"Tỉnh hoàn toàn không có tư tưởng 'ngăn sông cấm chợ', hàng hoá vẫn liên thông. Các doanh nghiệp đến làm việc đều đề nghị tỉnh phải cố giữ, bởi nếu để dịch xâm nhập là đứt gãy chuỗi sản xuất, doanh nghiệp có nguy cơ phá sản", ông Dũng chia sẻ.
Lãnh đạo tỉnh cũng đề nghị Bộ Y tế ưu tiên vaccine để tiêm cho công nhân; có cơ chế phối hợp với các địa phương lân cận để hạn chế người di chuyển tránh lây lan giữa các địa bàn.