Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

TP.HCM sẽ chống dịch như thế nào khi chưa đủ vaccine?

Theo chuyên gia, biện pháp của chính quyền TP.HCM phải quyết liệt, người dân phải chấp hành, nơi nào phong tỏa phải cửa đóng then cài thì chống dịch mới có hiệu quả.

TP.HCM uu tien chong dich hon phat trien kinh te anh 1

Sau hơn 20 ngày giãn cách xã hội, số ca mắc Covid-19 ở TP.HCM vẫn tăng nhanh. Thậm chí, có những ngày số ca nhiễm ở thành phố cao kỷ lục.

Trao đổi với Zing, các chuyên gia cho rằng cần chờ thêm thời gian để đánh giá hiệu quả các biện pháp chống dịch của TP.HCM, song việc dập dịch sớm ở TP.HCM có ý nghĩa rất quan trọng.

Ưu tiên chống dịch hơn phát triển kinh tế

Đại biểu Quốc hội, PGS.TS kinh tế Trần Hoàng Ngân (Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM), nhận định đợt dịch bùng phát lần thứ 4 diễn biến phức tạp và rất nhanh do chủng virus Delta của Ấn Độ lây qua đường không khí.

Trong khi đó, TP.HCM vốn là một đô thị đặc biệt, mật độ dân cư đông với dân số hơn 10 triệu người. Trong đó, có khoảng 340.000 lao động trong các khu công nghiệp, khu chế xuất nên tốc độ lây lan của dịch tại đây càng nhanh hơn.

TP.HCM uu tien chong dich hon phat trien kinh te anh 2

PGS.TS kinh tế Trần Hoàng Ngân cho rằng TP.HCM phải chấp nhận suy giảm kinh tế, chấp nhận thiệt hại để lo kiểm soát dịch bệnh. Ảnh: Hoàng Hà.

Ông Ngân đánh giá TP.HCM đã nỗ lực, chấp nhận hy sinh kinh tế để lo sức khỏe cho dân và thực hiện Chỉ thị 15+ rất sớm, áp dụng Chỉ thị 16 ở một số nơi.

“Phải chấp nhận suy giảm kinh tế, chấp nhận thiệt hại để lo kiểm soát dịch bệnh vì TP.HCM vốn là nơi đi, nơi đến của rất nhiều người đến làm việc, lao động, học tập, điều trị bệnh. Nếu không kiểm soát dịch ở TP.HCM sớm, nguy cơ lây lan đến các địa phương khác là rất cao”, ông Ngân nêu quan điểm.

Nếu không kiểm soát dịch ở TP.HCM sớm, nguy cơ lây lan đến các địa phương khác là rất cao

Nhắc đến sự hỗ trợ của Trung ương, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng quyết định chuyển 836.000 liều vaccine cho TP.HCM vừa qua đã củng cố thêm sức mạnh, tạo thêm niềm tin để TP chống dịch hiệu quả.

Dù luôn quán triệt “mục tiêu kép”, theo ông Ngân, tới đây TP.HCM vẫn cần được ưu tiên vaccine vì thành phố xác định “chống dịch, kiểm soát dịch và bảo vệ sức khỏe là ưu tiên hàng đầu”. Sau đó, kinh tế thành phố sẽ phục hồi rất nhanh nếu dịch được kiểm soát.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho biết 6 tháng đầu năm, TP đã thu ngân sách tăng so với cùng kỳ, đạt 56% - vượt so với dự toán của năm.

“TP.HCM bắt nhịp rất nhanh và quyết định 26% nguồn thu ngân sách quốc gia nên khâu kiểm soát dịch tại đây cần được ưu tiên hơn so với lĩnh vực kinh tế. Trong đó, TP.HCM cần ưu tiên tiêm vaccine ở các khu công nghiệp, khu chế xuất vì đây là khu có khả năng lây lan nhanh”, ông Ngân nhấn mạnh.

Theo ông, hiện nay, TP.HCM đang triển khai quyết liệt các biện pháp để dập dịch sớm nhất. Sau hơn 20 ngày giãn cách xã hội, TP vẫn xác định đặt vấn đề kiểm soát dịch lên hàng đầu vì nó ảnh hưởng tới sức khỏe nhân dân, tác động đến kinh tế của TP nói riêng, vùng kinh tế phía Nam và cả nước nói chung.

“Vùng động lực tăng trưởng phía Nam đóng góp tới 40% GDP toàn quốc nên việc kiểm soát dịch cần ưu tiên hàng đầu. Với 62% tỷ trọng trong GRDP là ngành dịch vụ, việc thực hiện Chỉ thị 10 của UBND TP.HCM tức là địa phương chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế để bảo vệ sức khỏe nhân dân, ưu tiên dập dịch nhanh”, ông Ngân phân tích.

TP.HCM uu tien chong dich hon phat trien kinh te anh 3

TP.HCM vắng vẻ sau khi thực hiện Chỉ thị 10 của UBND thành phố. Ảnh: Duy Hiệu.

Ông cho rằng dịch lần này không thể chấm dứt ngay mà xác định còn kéo dài với các biến chủng khác nhau, vì thế cần phòng thủ chặt chẽ, đảm bảo sản xuất kinh doanh trong điều kiện an toàn thì mới đảm bảo sự phát triển bền vững.

Với việc giãn cách xã hội trong thời gian dài, nhiều người lao động tại TP.HCM gặp khó khăn, nhất là lao động ở những doanh nghiệp bị đóng cửa hay kinh doanh dịch vụ. Theo ông Ngân, cần có 2 nguồn hỗ trợ cho các đối tượng này.

Trước hết là nguồn hỗ trợ từ TP.HCM. “Nội dung này đang xây dựng để kịp thời trình HĐND TP tại phiên họp tới đây, nhằm hỗ trợ cho người nghèo, người lao động, hộ kinh doanh gặp khó khăn do đại dịch”, ông Ngân cho biết.

Bên cạnh đó, ông cho rằng Chính phủ cần hỗ trợ cho TP.HCM và người lao động của TP vì địa phương đóng vai trò quan trọng trong điều tiết nguồn ngân sách Trung ương.

Nơi nào phong tỏa phải cửa đóng then cài mới hiệu quả

PGS.TS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam) đánh giá biện pháp chống dịch hiện nay của TP.HCM là đúng, song việc thực hiện phải nghiêm mới đem lại hiệu quả.

“Biện pháp của chính quyền phải quyết liệt, người dân phải chấp hành, nơi nào phong tỏa phải cửa đóng then cài thì chống dịch mới có hiệu quả”, ông Phu nói.

TP.HCM uu tien chong dich hon phat trien kinh te anh 4

PGS.TS Trần Đắc Phu cho rằng biện pháp của chính quyền phải quyết liệt, người dân phải chấp hành, nơi nào phong tỏa phải cửa đóng then cài thì chống dịch mới có hiệu quả. Ảnh: Hoàng Hà.

Đánh giá 2 tuần đầu tiên giãn cách của TP.HCM, ông Phu đánh giá việc thực hiện giãn cách trong 2 tuần đó chưa nghiêm, “giải pháp đúng nhưng chưa hiệu quả”.

“Giãn cách theo Chỉ thị 16 phải rất nghiêm, nhưng vừa rồi ở Gò Vấp người dân vẫn đi lại rất đông đến mức ùn tắc trên đường, như vậy là thực hiện lệnh giãn cách không nghiêm”, ông Phu đánh giá.

Theo ông, TP.HCM cần làm quyết liệt và đánh giá tốt nguy cơ, phong tỏa diện hẹp nhưng chặt còn hơn phong tỏa rộng mà quản lý lỏng lẻo.

Đề cập đến giải pháp phòng, chống dịch mà TP.HCM cần áp dụng trong thời gian tới, ông Phu cho rằng khi chưa đủ vaccine, giải pháp quan trọng trước mắt vẫn là truy vết, giãn cách, phong tỏa, thực hiện nghiêm việc đeo khẩu trang và thông điệp 5K.

“Nếu không thực hiện nghiêm giải pháp chống dịch, nếu còn tụ tập đông người, vẫn còn đi lại giữa vùng dịch và vùng không có dịch thì tình hình dịch còn phức tạp, nguy cơ cao, khó kiểm soát”, ông Phu cảnh báo.

Cùng với đó, ông lưu ý phải tăng cường xử phạt, truy trách nhiệm người đứng đầu nếu làm không nghiêm.

Nếu không kiểm soát dịch tốt dịch ở TP.HCM sẽ lây lan sang các tỉnh khác và chính nội bộ TP.HCM cũng bị ảnh hưởng do dân số đông, dịch lây lan sẽ khó khống chế.

“Các giải pháp truy vết, khoanh vùng, cách ly vẫn cần làm trong giai đoạn hiện nay vì số ca mắc tăng cao sẽ không ứng phó được. Thời gian qua chứng minh giải pháp này vẫn áp dụng có hiệu quả ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Hà Nội”, ông Phu nêu quan điểm.

Khẳng định dịch Covid-19 không thể “hết sạch” vì có nhiều chủng virus lây lan nhanh, tình hình thế giới vẫn phức tạp, ông Phu nhấn mạnh phải làm sao để dịch chỉ là đốm lửa nhỏ, không để dịch bùng phát.

Với việc số ca nhiễm ở TP.HCM không giảm trong thời gian giãn cách xã hội, ông Phu cho rằng đây là điều bình thường vì càng xét nghiệm nhiều sẽ càng phát hiện nhiều ca mắc ủ bệnh từ trước mà chưa được phát hiện.

Song ông cho rằng tình hình dịch ở TP.HCM phức tạp và nguy hiểm vì có nhiều nguồn lây trong khi thành phố rất đông dân và có nhiều khu công nghiệp.

TP.HCM uu tien chong dich hon phat trien kinh te anh 5

Theo chuyên gia, việc thực hiện giãn cách xã hội phải được thực hiện nghiêm mới có hiệu quả. Nếu giãn cách mà vẫn để người dân ra đường đông thì không có nhiều ý nghĩa. Ảnh: Quỳnh Danh.

Đặc biệt, việc dập dịch nhanh ở TP.HCM rất quan trọng vì đây là địa phương lớn, có liên quan đến nhiều nơi khác trên cả nước, là đầu mối giao lưu, đi lại, dân số đông. Hơn nữa, TP có nhiều hình thái, liên kết với nhiều khu công nghiệp ở Đồng Nai, Bình Dương… nên nguy cơ lây lan rất lớn. Nếu không kiểm soát dịch tốt sẽ lây lan sang các tỉnh khác và chính nội bộ TP.HCM cũng bị ảnh hưởng do dân số đông, dịch lây lan sẽ khó khống chế.

Cũng theo ông Phu, TP.HCM là đầu tàu kinh tế, chống dịch không tốt sẽ ảnh hưởng trầm trọng đến sự phát triển chung. Vì thế, nơi nào chống dịch vẫn chống dịch, nơi không có dịch phải lo tập trung phát triển kinh tế.

Với số lượng vaccine hiện tại mà TP.HCM có, ông Phu nhận định mới chỉ giảm bớt nguy cơ cho các khu công nghiệp. Nhưng mấu chốt trong việc thực hiện “chiến lược vaccine” là phải bao phủ cả cộng đồng và quốc gia, như vậy mới có hiệu quả.

Thủ tướng: ‘Mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể’

Để thực hiện “chiến lược vaccine”, Thủ tướng chỉ đạo các ngành đẩy mạnh giải pháp mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể, song phải thống nhất một mối.

Hai tuần giãn cách xã hội là 'thời gian vàng' của TP.HCM

Theo các chuyên gia, giãn cách xã hội 2 tuần sẽ giúp TP.HCM ngăn chặn dịch bệnh lây lan. Tuy nhiên, cần có hướng dẫn cụ thể về giãn cách để người dân không lúng túng.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm