Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

'Phép trừ 0,5 m' trong bài toán chống dịch của TP.HCM

TP.HCM vừa quyết định rút cự ly giãn cách giữa người với người từ 2 m xuống còn 1,5 m. Khoảng cách này có đảm bảo an toàn trong bối cảnh dịch bệnh ở địa phương này còn phức tạp?

gian cach 1, 5 m chong dich anh 1

Tối 19/6, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong ký Chỉ thị số 10 về siết chặt và tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

Theo chỉ thị này, TP.HCM yêu cầu người dân thực hiện giữ khoảng cách tối thiểu 1,5 m tại nơi công cộng thay vì 2 m như trước đây.

Cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu để phục vụ người dân TP và nhà máy, phân xưởng, xí nghiệp được tiếp tục hoạt động nhưng phải đảm bảo khoảng cách 1,5 m, mang khẩu trang tại nơi làm việc, khử trùng, diệt khuẩn, đảm bảo không gian thông thoáng.

Giãn cách 1,5 m có an toàn?

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, "cách xa 2 m" là nguyên tắc giãn cách quen thuộc trong nếp sống bình thường mới. Tuy nhiên, chỉ thị chống dịch được áp dụng riêng cho TP.HCM nêu rõ người dân có thể giữ khoảng cách tối thiểu là 1,5 m.

Theo bác sĩ Nguyễn Trung Hòa, Giám đốc Trung tâm y tế quận Gò Vấp, việc giảm cự ly giãn cách bớt 0,5 m giúp cho người dân thành phố thuận lợi hơn trong sinh hoạt đời thường như khi đi chợ hoặc vào các ngõ hẻm.

Ông Hòa nhận định việc giãn cách 1,5 m còn tạo thuận lợi hơn khi bố trí nơi xét nghiệm tầm soát cộng đồng. Với những điểm xét nghiệm tập trung hàng nghìn người ngồi chờ lấy mẫu, việc giãn cách ghế ngồi 1,5 m giúp tăng sức chứa của khuôn viên.

gian cach 1, 5 m chong dich anh 2

Chuyên gia cho biết giãn cách 1,5 m là mức tối thiểu chấp nhận được theo khuyến cáo của WHO. Ảnh: Ngọc Tân.

Về góc độ an toàn dịch tễ, PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam, nhận định TP.HCM hay bất cứ địa phương nào cũng đều muốn người dân giữ khoảng cách xa để đảm bảo phòng dịch, nhưng tùy từng điều kiện thực tế có thể rút ngắn khoảng cách.

"Tất nhiên là càng xa càng tốt, 2 m thì tốt hơn 1,5 m và 10 m thì còn tốt hơn nữa. Nhưng 1,5 m là mức tối thiểu chấp nhận được theo khuyến cáo của WHO", ông Phu nói với Zing.

Ông Phu nhận định virus ở trong phòng kín có thể tồn tại như các hạt rất nhỏ, lơ lửng trong không khí và lâu rơi xuống. Do đó, vừa qua, những trường hợp tiếp xúc gần trong phòng kín lây lan mạnh.

Chuyên gia dịch tễ cho rằng các công xưởng có thể cho công nhân làm việc cách nhau 1,5 m nhưng phải thực hiện các biện pháp bổ sung như đeo khẩu trang, khử khuẩn, hạn chế nói chuyện, thông gió tự nhiên.

"Khi ăn uống không đeo khẩu trang được thì chỗ ngồi ăn phải có tấm chắn, vách ngăn giữa từng người. Trong điều kiện không thể áp dụng được thì phải có biện pháp nọ hỗ trợ biện pháp kia", ông Phu chia sẻ.

"Thực sự là tin vui"

Đối với chủ một doanh nghiệp sản xuất áo thun như ông Nguyễn Phương Nam, việc điều chỉnh cự ly giãn cách từ 2 m xuống 1,5 m thực sự là tin vui, bởi nó giúp giảm bớt khó khăn cho việc bố trí cấu hình sản xuất trong nhà xưởng.

"Những ngày qua, xưởng của chúng tôi chỉ bố trí được 100 công nhân thì sắp tới có thể tăng lên 150 người. Số máy móc bị bỏ trống cũng ít hơn", ông Nam chia sẻ.

gian cach 1, 5 m chong dich anh 3

Doanh nghiệp mong muốn có vaccine để không phải sản xuất giãn cách. Ảnh: Chí Hùng.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp ở TP.HCM than phiền rằng giãn cách 1,5 m, thậm chí giảm xuống còn 1 m vẫn là thách thức đối với việc vận hành dây chuyền sản xuất của họ.

"Thực sự 1,5 m thì cũng khó mà làm việc lắm. Có những dây chuyền, công đoạn mà anh em phải đứng sát nhau, làm cơ khí thì không thể tránh được", ông Trung Hiếu, Giám đốc một doanh nghiệp sản xuất trạm trộn bê tông tại TP Thủ Đức, chia sẻ.

Tuần trước, doanh nghiệp của ông Hiếu phải tạm ngừng hoạt động sau khi phát hiện có công nhân là F3. Đang nhận hợp đồng cung cấp trạm trộn bê tông cho dự án cao tốc Vĩnh Hảo - Phan Thiết, doanh nghiệp phải gửi thư cho chủ đầu tư dự án để xin giao hàng linh động theo điều kiện dịch bệnh.

"Quy định này không thể áp dụng được với ngành sản xuất nhiều công nhân như da giày hay điện tử. Một dây chuyền của tôi cần 100 người ngồi, giờ chỉ cho ngồi 30 người thì không vận hành được, bắt buộc phải đóng cửa nhà máy", ông Nguyễn Chí Trung, Giám đốc Công ty giày Gia Định có quy mô 6.000 công nhân, chia sẻ.

Để duy trì sản xuất, chủ các doanh nghiệp như ông Hiếu và ông Trung đều khẳng định sẵn sàng bỏ tiền ra mua vaccine cho 100% nhân công. Họ xác định việc tiêm chủng là lối thoát để duy trì sản xuất mà không cần giãn cách.

Mong muốn tự mua vaccine của nhiều doanh nghiệp đã được truyền đạt tới lãnh đạo thành phố. Tuy nhiên, hiện nay, lượng vaccine đưa về TP.HCM có giới hạn nên đang được phân phối cho các nhóm đối tượng ưu tiên.

TP.HCM sẽ có chỉ thị riêng để hướng dẫn chống dịch

Đóng cửa chợ tự phát; không tụ tập quá 3 người; giãn cách tối thiểu 1,5 m... là một số biện pháp sẽ được áp dụng cho chuỗi ngày chống dịch tới của người dân TP.HCM.

Ngọc Tân

Bạn có thể quan tâm