Sáng 24/12, Bộ GTVT tổ chức hội nghị tổng kết công tác năm 2020 và triển khai kế hoạch năm 2021.
Đề cập đến việc sớm đưa đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào vận hành, Bộ GTVT kiến nghị các bộ, ngành liên quan phối hợp, hỗ trợ xử lý các vướng mắc, đảm bảo điều kiện tiếp tục giải ngân vốn nước ngoài cho dự án.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng dự hội nghị tổng kết công tác năm của Bộ GTVT. Ảnh: Ngọc Tân. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan phối hợp hỗ trợ Bộ GTVT xử lý các vướng mắc tại dự án Cát Linh - Hà Đông. Lãnh đạo Chính phủ cho rằng càng chậm đưa vào khai thác sử dụng thì dự án càng kém hiệu quả, đó là thất thoát vô hình.
Phó thủ tướng nhận định đường sắt Cát Linh đã hoàn thành, thậm chí chính ông đã đi thử vài lần nhưng công trình vẫn chưa đưa vào khai thác. Sự chậm trễ này một phần do đặc thù của đường sắt đô thị khác với những công trình đường bộ. "Đường bộ chưa xong thủ tục cũng đưa vào chạy rồi, vì nó an toàn, không nguy hiểm như đường sắt", ông Trịnh Đình Dũng chia sẻ.
Tính đến hết tháng 10, Bộ GTVT đã giải ngân hơn 4.000 tỷ đồng vốn ODA cho các dự án giao thông, đạt tỷ lệ 66,7%. Tuy nhiên, công tác giải ngân vốn ODA tại dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông vẫn còn có vướng mắc.
Thời điểm giữa năm, Tổng thầu Trung Quốc yêu cầu thanh toán ngay 50 triệu USD nhưng chủ đầu tư không chấp thuận. Lãnh đạo Ban quản lý dự án Đường sắt cho biết chủ đầu tư đã chuẩn bị sẵn tiền nhưng việc thanh toán phải theo đúng trình tự hợp đồng.
Từ tháng 11, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được tái khởi động và hứa hẹn đưa vào khai thác đầu năm 2021. Ảnh: Ngọc Tân. |
Tổng thầu cho biết đến nay mới nhận được gần 80% khối lượng thanh toán. Nếu được trả thêm 50 triệu USD, khối lượng thanh toán sẽ tăng lên 86,7% và vẫn còn cần 85,7 triệu USD nữa mới hoàn tất 100% khối lượng.
Theo trình tự, sau khi nghiệm thu và nhận bàn giao, chủ đầu tư sẽ phải hoàn thành 95% khối lượng thanh toán cho tổng thầu. 5% được giữ lại trong thời gian bảo hành dự án.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được Bộ GTVT phê duyệt đầu tư vào tháng 10/2008 với tổng mức đầu tư hơn 8.700 tỷ đồng (tương đương 552 triệu USD). Quá trình thực hiện, dự án đội vốn lên hơn 18.000 tỷ đồng (tương đương 868,04 triệu USD), trong đó vốn vay của Trung Quốc là 669,62 triệu USD và 198,42 triệu USD vốn đối ứng Việt Nam.