Sáng 12/12, công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông bước vào 20 ngày vận hành thử toàn hệ thống. Đây là lần vận hành thử cuối cùng để nghiệm thu và đưa dự án vào khai thác thương mại.
Đoàn tàu đầu tiên lăn bánh từ 5h và kết thúc vào 23h hàng ngày. Tàu dừng tại mỗi ga khoảng 30 giây để hành khách lên xuống. Tần suất 6-7 phút mỗi chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút mỗi chuyến. Quá trình vận hành đoàn tàu sẽ hoàn toàn do nhân sự người Việt đảm nhiệm.
Diễn tập cứu hỏa tại đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước ngày vận hành thử. Ảnh: Ngọc Tân. |
"Hẹn chạy thử đến lần này là 'quá tam mười bận rồi'. Nhưng tôi tin trong thời 'mười bận' đó họ đã giải quyết hết các vấn đề vướng mắc, lần chạy thử này sẽ là lần cuối cùng. Nếu sau lần này mà dự án vẫn chưa được đưa vào khai thác thì quá yếu kém", chuyên gia giao thông Nguyễn Xuân Thủy chia sẻ với Zing.
Hai năm qua, lời hẹn "vận hành thử" được các đơn vị thực hiện dự án nhắc đến nhiều lần nhưng chưa lần nào hoàn tất.
Tháng 8/2018, lần đầu tiên Ban quản lý dự án Đường sắt (Bộ GTVT) đưa ra lời hẹn vận hành thử toàn tuyến 3-6 tháng và sau đó đưa vào khai thác thương mại. Hết thời hạn, dự án vẫn dậm chân tại chỗ.
Tháng 9/2019, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết quá trình chạy thử trước đây mới là "chạy thử đơn chiếc", cần phải vận hành thử tích hợp toàn hệ thống trong 20 ngày để đánh giá chất lượng.
Một tháng sau, với mong muốn sớm bàn giao dự án, Tổng thầu Trung Quốc đơn phương tuyên bố bắt đầu vận hành thử toàn hệ thống trong 20 ngày. Bộ GTVT không phê duyệt kế hoạch này do tổng thầu chưa cung cấp đủ hồ sơ cho Tư vấn đánh giá an toàn ACT. Kế hoạch vận hành thử bị trì hoãn đến cuối năm 2020.
Để ấn định được lịch vận hành thử cuối cùng, các đơn vị quản lý dự án đã giải quyết nhiều vấn đề vướng mắc trong suốt 2 năm qua.
Vấn đề đầu tiên là tổng thầu không thể cung cấp đủ hồ sơ thiết bị để phục vụ khâu đánh giá an toàn. Tư vấn ACT đã tháo gỡ vấn đề này bằng cách cho phép tổng thầu thí nghiệm trực tiếp tại hiện trường những thiết bị thiếu hồ sơ.
Đến đầu năm nay, dịch Covid-19 đã khiến cả trăm nhân sự của tổng thầu mắc kẹt ở Trung Quốc. Gần cuối năm, số nhân sự này mới được tập hợp đầy đủ trên công trường.
Một vấn đề khác là việc tổng thầu gây sức ép đòi thanh toán 50 triệu USD vào giữa năm. Vấn đề này cũng được giải quyết với việc chủ đầu tư kiên quyết từ chối yêu cầu này, buộc tổng thầu phải chấp nhận hoàn thành nghiệm thu công trình mới tiếp tục thanh toán.