Văn phòng Chính phủ vừa có công văn truyền đạt ý kiến của Phó thủ tướng Phạm Bình Minh về việc gia hạn thời gian thực hiện dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.
Theo đó, Chính phủ đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT về việc gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến tháng 3/2021 và thời hạn rút vốn của Hiệp định vay bổ sung trị giá 1,598 tỷ Nhân dân tệ.
Đồng thời, Phó thủ tướng giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT và các cơ quan liên quan triển khai các thủ tục gia hạn theo quy định.
Trước đó, Ban quản lý dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông ấn định thời gian vận hành thử toàn tuyến kéo dài từ 12/12 đến 31/12.
Chính phủ đồng ý gia hạn thời gian hoàn thành tuyến Cát Linh - Hà Đông. Ảnh: Việt Linh. |
Từ ngày 12/12, các đoàn tàu tuyến chạy từ 5h đến 23h hàng ngày. Đoàn tàu sẽ dừng tại mỗi ga khoảng 30 giây để hành khách lên xuống. Tần suất khoảng 6-7 phút mỗi chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút mỗi chuyến.
Trong quá trình chạy thử, các đơn vị tổng thầu, tư vấn sẽ đánh giá, kiểm chứng mức độ an toàn, chính xác của hệ thống, đồng thời tổ chức diễn tập các tình huống ứng phó khẩn cấp, nghiệm thu bảo vệ môi trường, hệ thống phòng cháy chữa cháy.
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sẽ được tư vấn ACT (Pháp) đánh giá, chứng nhận an toàn độc lập. Giai đoạn vận hành thử toàn hệ thống 20 ngày cũng có sự theo dõi của Hội đồng nghiệm thu Nhà nước.
Hiện, các nhân sự được đào tạo cho dự án và nhân sự từ Trung Quốc sang đã sẵn sàng cho công tác vận hành thử. Các lái tàu có thể độc lập điều khiển, không cần sự kèm cặp trực tiếp của chuyên gia đào tạo.
Trong quá trình vận hành thử, tổng thầu sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục cần sửa chữa trên toàn tuyến như các đoạn đường ray trong khu depot.
Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông bắt đầu được thực hiện từ tháng 10/2011, tổng mức đầu tư hơn 18.000 tỷ đồng bằng vốn vay ODA của Trung Quốc theo Hiệp định khung ký ngày 30/5/2008 giữa hai Chính phủ Việt Nam - Trung Quốc.
Theo kế hoạch ban đầu, dự án sẽ hoàn thành vào cuối năm 2017 nhưng liên tục “lỡ hẹn” và phải lùi thời hạn vận hành sang năm 2018, tiếp đó lại xin gia hạn tới tháng 4/2019, nhưng do Tổng thầu không thực hiện đúng cam kết nên tới nay tuyến đường sắt này vẫn không thể đưa vào khai thác.