Trong cuộc gặp gỡ đầu năm với báo giới, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đưa ra nhiều đánh giá về tình hình đối ngoại 2017 cùng các thách thức. Zing.vn trích đăng nội dung cuộc trao đổi.
- Xin Phó thủ tướng đánh giá về tình hình thế giới và khu vực trong năm qua?
- Nhìn lại 2016, nếu dùng lời ngắn gọn đánh giá thì đó là năm bất ổn, khó lường. Nhìn cả năm, xu hướng chung của thế giới của khu vực vẫn là mong muốn hòa bình, đóng góp vào việc tạo dựng được hòa bình dù là góc độ này hay góc độ khác.
Đến cuối 2015, chúng ta đã hoàn thiện khuôn khổ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc, với hầu hết các nước có vai trò quan trọng trên thế giới. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Có những sự kiện mà có lẽ hàng chục năm trước chúng ta không bao giờ có thể đánh giá sẽ có kết quả hình thành trong 2016 như: bình thường hóa quan hệ Cuba và Mỹ sau gần 50 năm; thỏa thuận hạt nhân Iran, thỏa thuận ở Colombia.
Có những thể chế đã tồn tại rất lâu, gần 50 năm, lại có những bước ngoặt như trong Liên minh châu Âu với hiện tượng Brexit. Rồi chúng ta nói thế giới đang đi tới toàn cầu hóa, nhưng cũng đang có trào lưu quay lại chủ nghĩa dân tộc, dân túy, không ủng hộ xu hướng toàn cầu hóa, liên kết kinh tế.
2016 là tích tụ biến chuyển của một số năm và nó thể hiện ra khác với xu hướng nhận định trước đây. Tình hình an ninh, truyền thống, phi truyền thống đều phức tạp.
Khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào hiệu quả
- Đối ngoại Việt Nam 2016 được coi là năm thắng lợi của ngành ngoại giao với những hoạt động sôi động cho đến những ngày cuối năm. Phó thủ tướng có thể cho biết khái quát những điểm nổi bật?
- Đối ngoại năm 2016 là sự tiếp nối của những năm trước. Cũng là năm đầu tiên triển khai những kết quả đạt được của Đại hội Đảng 12.
2016 có thể tạm gọi là kết thúc giai đoạn xây dựng quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với tất cả các nước quan trọng trên thế giới.
Đến cuối năm 2015, chúng ta đã hoàn thiện khuôn khổ đối tác toàn diện, đối tác chiến lược với 5 nước thường trực Hội đồng Bảo An, với hầu hết các nước có vai trò quan trọng trên thế giới và các nước trong khu vực Đông Nam Á. 2016 là năm triển khai các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện đi vào cụ thể.
Phó thủ tướng Phạm Bình Minh đánh giá năm 2016 là năm bất ổn, khó lường của tình hình thế giới. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Không có nhiều nước như Việt Nam trên thế giới mà các nước quan trọng nhất đều có chuyến thăm cấp cao đến Việt Nam, cũng như lãnh đạo Việt Nam tới thăm các nước đó. Đơn cử như: tổng thống Nga, tổng bí thư chủ tịch Trung Quốc, tổng thống Mỹ, tổng thống Pháp, thủ tướng Anh, thủ tướng Nhật,...
Có lẽ tất cả lãnh đạo những nước quan trọng trên thế giới đều đến Việt Nam. Đó là sự thể hiện khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện đã đi vào hiệu quả cụ thể.
Về đa phương, năm 2016 là năm triển khai các hoạt động ngoại giao đa phương rất tích cực. Các hội nghị quan trọng trên thế giới, lãnh đạo cấp cao chúng ta đều tham dự: Hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Hội nghị cấp cao Pháp ngữ, Hội nghị Không liên kết, các hội nghị trong khu vực, kể cả các diễn đàn chúng ta không phải thành viên nhưng được mời tham gia như G7 ở Nhật...
Các hội nghị tổ chức ở Việt Nam cũng hết sức đa dạng gồm hội nghị trong tiểu vùng như ACMES, CLMV, Diễn đàn Kinh tế Mekong – một cơ chế hoàn toàn mới và là sáng kiến của chúng ta.
Chúng ta không chỉ tham gia mà đã thực sự đóng vai trò rất quan trọng thông qua các sáng kiến, các đề xuất cụ thể đối với các hội nghị này. Điều đó cho thấy sự trưởng thành của chúng ta trong hoạt động đối ngoại.
Theo Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, việc thực thi các thỏa thuận sau ký kết cần "tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn". Ảnh: Tiến Tuấn. |
Cần linh hoạt xử lý trên các nguyên tắc
- Tình hình chính trị thế giới gần đây có nhiều thay đổi đáng kể, đặc biệt ở Philippines và Mỹ. Phó thủ tướng đánh giá thế nào các thách thức mà Việt Nam gặp phải trong năm tới?
- Tất cả các nước sau vài năm sẽ có bầu cử, có sự thay đổi chính quyền theo các đảng phái thắng cử. Việc thay đổi là điều đương nhiên và diễn ra thường xuyên.
Điều quan trọng là chúng ta thúc đẩy quan hệ không phải với một chính quyền, với một đảng, mà là với một đất nước. Đó là điều chúng ta đã làm, xây dựng các khuôn khổ quan hệ - quan hệ đối tác chiến lược, quan hệ đối tác toàn diện.
Đó là khuôn khổ quan hệ với một đất nước thì dù chính quyền có thay đổi hay không thì chúng ta vẫn trên cơ sở khuôn khổ đó thúc đẩy. Chứ không có nghĩa sự thay đổi chính quyền sẽ dẫn tới thay đổi chính sách đối ngoại.
Đương nhiên sẽ có từng việc cụ thể, chúng ta vẫn thực hiện phương châm: đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ. Lấy mục tiêu lớn nhất là đa dạng, đa phương hóa quan hệ, quan hệ trên cơ sở cùng vì lợi ích của chúng ta và các nước đó. Với mục tiêu đó thì sự thay đổi sẽ không ảnh hưởng.
- Một năm vừa qua là năm bất ổn, bất thường, xu thế hội nhập quốc tế với nhiều thách thức. Với thách thức đó, ngành ngoại giao Việt Nam trong 2017 sẽ làm thế nào để vượt qua thách thức, hội nhập tốt hơn?
- Chiều hướng năm 2017 chúng ta hiểu rằng tình hình diễn biến hết sức khó lường. Trong năm nay, còn rất nhiều sự thay đổi của các nước do bầu cử, tuyển cử hoặc đại hội đảng ở các nước.
Sẽ có những tình huống nữa trên thế giới mà chúng ta chưa dự báo được hết. Phương châm của chúng ta là kiên trì đường lối làm bạn với tất cả các nước, đa dạng hóa, đa phương hóa trên cơ sở độc lập tự chủ, trên cơ sở của luật pháp quốc tế. Mục đích của chúng ta là tạo được lợi ích chung với các nước, làm sao duy trì được hòa bình ổn định.
Với phương châm như vậy, chúng ta sẽ thực hiện các biện pháp, trong đó tiếp tục khẳng định, làm sâu sắc hơn các quan hệ, các khuôn khổ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện.
Đó là những khuôn khổ hết sức quan trọng mà chúng ta đã dày công gây dựng và có được. Những khuôn khổ đó phải tiếp tục duy trì, phát huy. Đặc biệt là các nước láng giềng, các nước lớn, các nước có vai trò quan trọng.
2017 cũng là năm triển khai Nghị quyết 6 Trung ương 4 về hội nhập quốc tế. Chúng ta đã có đà là tham gia chủ động hơn vào các cơ chế đa phương, chúng ta đã có các hiệp định thương mại đã ký kết trong 2016 thì đó là cơ sở để thực hiện.
Thực hiện các biện pháp như vậy tôi tin hoạt động đối ngoại chúng ta sẽ vượt qua được những thách thức. Tôi tin rằng 2017 sẽ có nhiều thách thức về đối ngoại, cần phải rất linh hoạt xử lý trên các nguyên tắc của chúng ta.
- Về cộng đồng ASEAN, nhiều ý kiến cho rằng, khối đang đứng trước những thách thức to lớn về sự đoàn kết, nhất là liên quan đến các vấn đề nhạy cảm của khu vực như tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải… đòi hỏi yêu cầu xem xét là một số điều khoản trong Hiến chương ASEAN. Phó Thủ tướng đánh giá thế nào về những nhận định này?
- Nền tảng của ASEAN trong cơ chế của khu vực dựa trên 2 vấn đề: đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Từ đó, tổ chức ASEAN phát huy được sức mạnh, vai trò trong các cơ chế của khu vực.
Cho đến nay, ASEAN có nhiều điểm khác biệt so với các tổ chức khác. Không chỉ với các nước Đông Nam Á, ASEAN còn xây dựng cơ chế với các nước lớn, có vai trò quan trọng ở khu vực. Điều này cho thấy sự cần thiết trong quan hệ giữa ASEAN với các nước lớn, xuất phát trên cơ sở vai trò trung tâm và tình đoàn kết.
Đương nhiên, cũng có những ý kiến cho rằng cần xem xét lại Hiến chương ASEAN, nguyên tắc đồng thuận ASEAN. Sau hàng chục năm, các tổ chức có thể xem xét lại Hiến chương để làm cho tốt hơn, phù hợp hơn với tình hình. Trong giai đoạn hiện nay, chưa có đề xuất nào yêu cầu xem xét lại Hiến chương. Như vậy, có thể nói sự đồng thuận, đoàn kết của ASEAN vẫn là vai trò then chốt trong cơ chế của ASEAN.
- Xin cảm ơn ông!