Phát biểu tại phiên họp trực tuyến Chính phủ với các địa phương chiều 4/7, Phó thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình đề cập đến vụ việc siêu thị Big C ngừng nhập hàng may mặc Việt Nam, gây băn khoăn và lo lắng cho các doanh nghiệp.
Làm rõ nghi vấn Big C phân biệt đối xử với hàng Việt
“Tôi đề nghị Bộ Công Thương kiểm tra, làm rõ xem có việc phân biệt đối xử với hàng hóa Việt Nam ngay trên lãnh thổ của mình không”, ông Bình chỉ đạo.
Theo ông, đây là vấn đề đã được dư luận cảnh báo từ trước.
Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình. Ảnh: VGP. |
Trước đó, ngày 2/7, Central Group gửi thông báo đến các đối tác nêu rõ “kể từ tháng 7 cho đến khi có thông báo mới sẽ tạm thời ngừng đặt hàng của đối tác theo hợp đồng hợp tác thương mại ký kết giữa đối tác và Central Group Việt Nam”.
Tập đoàn này cho rằng việc này nhằm chuẩn bị cho kế hoạch tái cấu trúc ngành hàng may mặc của tập đoàn tại thị trường Việt Nam.
Thông báo này có hiệu lực ngay vào ngày hôm sau, khiến doanh nghiệp không kịp trở tay. Ngày 3/7, hàng chục doanh nghiệp may mặc trong nước giăng băng rôn trước trụ sở văn phòng đại diện Central Group tại TP.HCM - đơn vị sở hữu hệ thống siêu thị Big C Việt Nam để phản đối.
Nhiều doanh nghiệp cho biết để có hàng giao cho Big C, nhà cung cấp phải chuẩn bị trước 3-6 tháng. Hiện tại kho hàng còn tồn đọng vải vóc, nguyên phụ liệu rất nhiều nhưng Big C không nhập hàng khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Ngay lập tức, doanh nghiệp và dư luận đặt câu hỏi có hay không việc Big C đang "đuổi khéo" hàng Việt Nam khỏi hệ thống bán lẻ của mình.
Ông Vũ Vinh Phú, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội - gay gắt: Big C đang thể hiện hai bộ mặt trái ngược. Một mặt Big C tuyên bố ưu tiên hàng Việt Nam nhưng hiện tại, họ lại ngưng nhập hàng dệt may trong nước.
Sáng nay, 4/7, đại diện Vụ Thị trường trong nước, Bộ Công Thương, cùng Hiệp hội Dệt may Việt Nam đã họp với Central Group Việt Nam về việc này. Big C cam kết ngay lập tức mở lại đơn hàng từ 50 trong số 200 nhà cung cấp Việt Nam. 100 doanh nghiệp khác sẽ được mở lại việc cấp hàng cho Big C sau 2 tuần tập đoàn này đánh giá lại. Central Group cũng sẽ dừng hợp tác với 50 doanh nghiệp Việt đang cung cấp sản phẩm may mặc cho hệ thống Big C.
Tránh giả mạo xuất xứ để bảo vệ hàng xuất khẩu của Việt Nam
Cũng trong buổi họp của Chính phủ với các địa phương, báo cáo về kinh tế - xã hội, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh việc cần tăng cường các biện pháp chống gian lận xuất xứ để bảo vệ các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam.
“Phải chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu trong trường hợp có yêu cầu xác minh xuất xứ, nhằm phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp mượn xuất xứ Việt Nam để tránh việc giả mạo xuất xứ”, Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Nhắc đến vấn đề này khi kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý các bộ ngành, địa phương thấy các vi phạm trong thương mại phải xử lý nghiêm.
Cho biết đã từng nhắc nhở về việc này, người đứng đầu Chính phủ nói một số doanh nghiệp và cơ quan chức năng vẫn mất cảnh giác.
Ông cũng cho biết cách đây ít phút đã ký đề án tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
“Các địa phương như TP.HCM, Hà Nội cần làm mạnh vấn đề này. Không thể biến Việt Nam thành chỗ không phải hàng Việt vẫn dán mác hàng Việt”, Thủ tướng nhấn mạnh.