Sau phiên đăng đàn của Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường, Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực Trịnh Đình Dũng báo cáo làm rõ một số vấn đề, trong đó ông đề cập đến việc phải giải quyết dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam vi phạm các quy định về khai thác hải sản. Đặc biệt là việc đánh bắt cá trái phép tại vùng biển nước ngoài.
Không gỡ được “thẻ vàng” sẽ ảnh hưởng lớn đến xuất khẩu thủy sản
Theo Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng, sau khi Ủy ban Châu Âu EC cảnh báo “thẻ vàng” với Việt Nam, Thủ tướng đã có nhiều chỉ đạo với các bộ, ngành, và 28 địa phương ven biển để triển khai các giải pháp nhằm chấm dứt tình trạng vi phạm của tàu cá và ngư dân Việt Nam.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên tình trạng đánh bắt cá trái phép vẫn chưa chấm dứt. Hiện tại, còn 7 địa phương có tàu cá của ngư dân vi phạm, bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
“Tuần sau, đoàn công tác của Uỷ ban Châu Âu EC sẽ trở lại Việt Nam để kiểm tra, xem xét có gỡ “thẻ vàng” cho Việt Nam hoặc nâng mức cảnh báo “thẻ đỏ”. Nếu không được gỡ thẻ vàng, thậm chí bị nâng mức cảnh báo “thẻ đỏ” sẽ ảnh hưởng lớn đến thị trường xuất khẩu của thuỷ sản Việt Nam và ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển của ngành thủy sản và nền kinh tế của Việt Nam và đời sống người dân”, Phó thủ tướng cảnh báo.
Do đó, ông đề nghị các đại biểu Quốc hội tại các địa phương sẽ hỗ trợ giúp đỡ trong công tác tuyên truyền, vận động, giám sát ngư dân, cùng với lãnh đạo các địa phương triển khai tốt các giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả các khuyến nghị của EC, sớm gỡ thẻ vàng cho thuỷ sản Việt Nam, để từ đó góp phần nâng cao uy tín, thương hiệu cho thuỷ sản Việt Nam.
“Đây cũng là trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và cá nhân tôi trong cương vị Trưởng Ban Chỉ đạo chống khai thác IUU”, ông Dũng nói.
Chuẩn bị xét xử vụ án vi phạm về đóng tàu cho ngư dân
Trước đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cũng trả lời làm rõ thêm ý kiến chất vấn của đại biểu về hành vi vi phạm trong chủ trương đóng tàu hỗ trợ ngư dân.
Chất vấn này được đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nêu ra với đại tướng Tô Lâm, vì sao các hành vi phạm tội trong lĩnh vực đóng tàu cho ngư dân chưa bị khởi tố, điều tra, xử lý.
Bộ trưởng Công an Tô Lâm. Ảnh: Hải Quân. |
Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho biết, thực hiện nghiêm quy định của pháp luật, cơ quan điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án ngày 16/8/2018. Quá tình điều tra, đến 9/1/2019, cơ quan an ninh điều tra có kết luận điều tra vụ án hình sự, đề nghị truy tố.
“Hiện vụ án chuẩn bị đưa ra xét xử”, đại tướng Tô Lâm thông tin trước Quốc hội.
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Phan Thái Bình (đoàn Quảng Nam) nêu tình trạng vừa qua có việc lợi dụng chính sách đánh bắt xa bờ để trục lợi.
Vị đại biểu thông tin tới Bộ trưởng Bộ NNPTNN Nguyễn Xuân Cường về việc một số ngư dân cấu kết với một số thành phần tháo phá kẹp chì định vị, tức là một tàu mang theo nhiều định vị ra đến vùng biển được hỗ trợ dầu, sau đó mang về được thanh quyết toán.
“Rất nhiều tỉnh đã khởi tố vụ án về tội lừa đảo. Do vậy, tôi đề nghị bộ trưởng xem giải pháp bây giờ chấn chỉnh tình trạng trạng này thế nào?”, ông Bình chất vấn bộ trưởng.
Ông cũng cũng đề nghị bộ trưởng quan tâm vấn đề không tránh khỏi tình trạng có nguy cơ có sự liên đới chịu trách nhiệm và thông đồng giữa các Chi cục hải sản, thủy sản ở các địa phương với những đối tượng này.
“Nguy cơ này có thể xảy ra, bởi vì để thanh quyết toán không thể bấy nhiêu ngư dân làm được mà rất nhiều bên liên quan, kể cả vấn đề ra khơi, đánh bắt và thực tế đã khởi tố việc này rồi. Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp nào để chấn chỉnh tình trạng này và sắp tới phải xử lý tình trạng này như thế nào?”, đại biểu đặt vấn đề.