- Phiên chất vấn trực tiếp ở Quốc hội diễn ra trong 3 ngày: 6-8/11. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là người mở đầu.
- Nội dung chất vấn Bộ trưởng Cường xoay quanh các vấn đề: Chất lượng, hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; Công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm; Chính sách khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...
-
Bộ trưởng Nông nghiệp đã trả lời 27 câu hỏi chất vấn
Trong phiên chất vấn sáng 6/11, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường đã trả lời 27 câu hỏi chất vấn của đại biểu. Ngoài Bộ trưởng Nông nghiệp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng tham gia trả lời những nội dung chất vấn có liên quan.
Chiều nay, ông Cường sẽ tiếp tục trả lời 10 câu hỏi chất vấn và 2 tranh luận của các đại biểu. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng tham gia trả lời chất vấn về những vấn đề do mình phụ trách.
Sau phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh sẽ đăng đàn trả lời đại biểu Quốc hội. Phần trả lời của ông Trần Tuấn Anh sẽ kéo dài đến gần hết buổi sáng 7/11. -
Bộ trưởng mong dân thông cảm nếu giá thịt lợn tăng
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) hỏi về giải pháp bù lượng thịt bị dịch tả lợn, nhằm cung cấp thịt cho dân ăn Tết? Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường cho biết dịch tả lợn châu Phi xảy ra hồi đầu tháng 2, bộ trưởng nhấn mạnh bộ đã họp và chỉ đạo tập trung xử lý, xác định rõ ba nguyên tắc. Trước hết là bảo đảm an toàn dịch bệnh, không để bung ra dịch bệnh. Hai là phải tổ chức có sự xâu chuỗi, doanh nghiệp làm cùng người dân. Ba là phải có thị trường chứ không thể bán tràn lan. Nhờ các giải pháp đó, trong 9 tháng gia cầm tăng 12% sản lượng với khoảng 1 triệu tấn với 13 tỷ quả trứng, thủy sản tăng 6,5%, gia súc tăng chậm hơn, ở mức 4%. “Nếu khả năng dự báo thiếu thực phẩm thì sẽ tập trung bồi dưỡng tăng số lượng nhanh, bằng sự gia tăng đó sẽ cân đối, đảm bảo để không thiếu thực phẩm, không để xảy ra khủng hoảng như Trung Quốc”, ông Cường nói. Nhắc đến việc người Việt có văn hóa ăn quen ăn thịt lợn, nhưng theo Bộ trưởng Cường, với những thực phẩm khác cũng phải tuyên truyền chứ không phải một sớm, một chiều thay đổi được. Ông thông tin vừa qua bộ đã làm việc với 13 doanh nghiệp đầu ngành, họ cam kết phát triển tối đa nhưng phải đảm bảo an toàn. “Đoàn lợn nái hiện nay 109.000 đàn giống hạt nhân, chúng tôi sẽ tập trung tăng đàn để có thể hạ giá thành, đáp ứng yêu cầu từ nay đến cuối năm”, Bộ trưởng nói và cam kết bằng mọi giải pháp không để xảy ra khủng hoảng. Về vấn đề giá thịt lợn cao, Bộ trưởng cho biết trước đây giá 40-45 nghìn đồng/kg nhưng nay tăng lên 60-65 nghìn đồng/kg. Ông mong người dân thông cảm vì giá thành sản xuất cao hơn và nhấn mạnh quan điểm làm sao để người tiêu dùng và người sản xuất cùng chấp nhận được, và đặc biệt, chú ý cân đối để không tái đàn một cách vô nguyên tắc để rồi phải chịu rủi ro. Ảnh: Hải Quân.
-
Trung Quốc yêu cầu 100% mặt hàng phải nhập chính ngạch
Trả lời ý kiến của đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) về khó khăn thương mại Việt Nam và Mỹ, Trung Quốc, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường khẳng định Mỹ và Trung Quốc là 2 đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, trong đó có sản phẩm nông nghiệp. Việt Nam đã khai thác được lợi thế khi tiếp giáp thị trường Trung Quốc, văn hóa tiêu thụ nông sản hai nước gần như nhau và có nhóm nông sản bổ trợ cho nhau. Tuy nhiên, vừa qua Trung Quốc có bước chuyển căn bản về vấn đề tổ chức thị trường nhập khẩu. “Cơ quan quản lý thị trường của Trung Quốc thay đổi. Đến nay, Trung Quốc yêu cầu 100% mặt hàng phải nhập chính ngạch. Khó khăn thứ ba là những năm gần đây, Trung Quốc quay trở lại rất chú ý đến nông nghiệp”, Bộ trưởng nói. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn khẳng định cần tính toán 3 nguy cơ trên để cơ cấu lại hướng sản xuất, tổ chức lại thị trường Việt Nam. Thủ tướng cũng chỉ đạo các bộ và các địa phương biên giới nắm bắt tình hình để có chương trình hành động chủ động. -
Cây dừa có thể trở thành cây tỷ phú
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) chất vấn về biện pháp tháo gỡ khó khăn nâng cao sản phẩm cây dừa Việt Nam. Bên cạnh đó, yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nêu biện pháp để gỡ thẻ vàng EU. Trả lời, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết cây dừa là một cây lợi thế trong ứng phó biến đổi khí hậu và khai thác tài nguyên của Việt Nam. “Cây dừa mà tập hợp tốt sẽ trở thành cây tỷ phú được”, Bộ trưởng nói. Về biện pháp tháo gỡ thẻ vàng EU, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết Việt Nam đang tập trung nỗ lực cho các chương trình hành động các cấp. Toàn bộ tuyến Thái Bình Dương, quốc đảo không còn vụ vi phạm nào nữa. Tuy nhiên, vi phạm ở vùng biển phía nam vẫn còn. Việc thực hiện các bước từ công tác tổ chức, quản lý, khai báo, ghi nhận của doanh nghiệp, ngư dân chưa được tốt. Tính hiệu quả của việc tổ chức lực lượng kiểm tra, giám sát của Việt Nam trên tuyến biển chưa triệt để. -
“Đường ra biển sao lại đi hỏi ông Bộ Nông nghiệp?"
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp tình trạng resort, khách sạn bịt kín đường ra biển của ngư dân. Song ông cũng cho rằng “tất nhiên Bộ cũng có trách nhiệm phối hợp với địa phương”.“Đường ra biển sao lại đi hỏi ông Bộ Nông nghiệp”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói. Câu nói của Bộ trưởng Cường khiến nhiều đại biểu ngồi phía dưới hội trường bật cười.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân ở vị trí điều hành nhắc việc này cũng có trách nhiệm của Bộ Nông nghiệp ở khía cạnh hỗ trợ ngư dân. Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, ở góc độ đó thì bộ ủng hộ, bộ sẽ cùng bà con ngư dân và có trách nhiệm nêu vấn đề đó lên để tháo gỡ. Ảnh: Hải Quân.
-
Dân bỏ nhà cửa, nương rẫy đi nơi khác tìm việc và trách nhiệm của Bộ trưởng
Đại biểu Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) đề cập vấn đề xoay quanh cà phê, tiêu - là những mặt hàng mang giá trị xuất khẩu trong nhiều thập kỷ qua, vậy nhưng thực tế hiện nay, nhiều người dân trồng cà phê và tiêu đã dần bỏ sau lưng nhà cửa, rẫy nương và những món nợ để lên TP.HCM, Đồng Nai tìm việc làm. “Trách nhiệm của Bộ trưởng về vấn đề này và giải pháp trong thời gian tới”, đại biểu chất vấn. Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường trả lời nhưng đại biểu Hữu chưa hài lòng và tiếp tục sử dụng quyền tranh luận. “Nông dân bỏ nương rẫy chứng tỏ chính sách nông nghiệp chưa hiệu quả. Tới đây phải làm sao? Việc giá cà phê, giá tiêu xuống thấp kéo dài thì cử tri biết hết nhưng ước mong của cử tri mong Nhà nước có phản ứng quyết liệt thì người nông dân mới thỏa đáng”, ông Hữu nói. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành nói thêm mặt hàng tiêu và cà phê là mặt hàng có giá trị xuất khẩu nhưng đời sống người dân rất bấp bênh, vậy Bộ trưởng cần làm rõ giải pháp thế nào. Người tiếp theo được mời tranh luận là đại biểu Phan Thanh Bình. Ông ghi nhận Bộ trưởng đã nắm công việc và sát sao công việc cụ thể. Đồng tình sản xuất nông nghiệp có rủi ro, nguyên nhân do công nghiệp chế biến và kinh tế thị trường, thiên tai địch họa.... Nhưng ông Bình nói “băn khoăn khi Bộ trưởng nhìn nhận về nông nghiệp như thế”. Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cũng không bấm nút chất vấn nhưng được mời tranh luận. Bà nói có vấn đề lo lắng khi Bộ trưởng Cường nói khâu tổ chức sản xuất không còn là số một. Bà Tâm cho rằng khâu tổ chức sản xuất luôn phải là khâu gốc, được quan tâm nhiều nhất. Tổ chức sản xuất không tốt thì lấy đâu ra sản phẩm để bán. Bà đề nghị Bộ trưởng làm rõ quan điểm trong vấn đề này. -
Trường hợp chủ tàu chây ì, tiến hành thu hồi nợ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết trong thời gian vừa qua, đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiến hành cơ cấu lại thời hạn trả nợ, ưu tiên tập trung thu nợ gốc trước và nợ lãi sau, thực hiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Tuy nhiên, trước tình hình nợ xấu còn phát sinh, Ngân hàng Nhà nước kiến nghị Thủ tướng đề nghị ủy ban các tỉnh, thành phố rà soát lại những trường hợp. Cụ thể, với trường hợp bất khả kháng, tiếp tục hỗ trợ để cơ cấu lại nợ; đối với trường hợp chây ì, tiến hành thu hồi nợ. “Chúng tôi cũng phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn để hoàn thiện cơ chế chuyển đổi chủ tàu. Đặc biệt có giải pháp xử lý chênh lệch giữa giá trị thực tế của tàu được định giá lại và dư nợ của tàu cũ ở thời điểm bàn giao”, ông Hưng nói. Thống đốc Lê Minh Hưng. Ảnh: Hải Quân.
-
Đưa các bác sĩ trẻ, tốt nghiệp loại giỏi về các huyện nghèo
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến giải trình thêm về vấn đề chênh lệch trong cung cấp dịch vụ y tế ở một số vùng miền. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định nhiều bệnh viện tuyến huyện ở vùng sâu, vùng xa đã có thể thực hiện kỹ thuật cao mà người bệnh không cần lên tuyến trên. Bộ cũng đã đào tạo mô hình bác sĩ gia đình cho các trạm y tế xã, nhưng để cải thiện cần có thời gian. Về nhân lực, bà Tiến thông tin Bộ Y tế có đề án chọn các bác sĩ trẻ tốt nghiệp loại giỏi, loại khá, sau 6 năm đào tạo chính thức sẽ có thêm 2 năm đào tạo chuyên khoa, sau đó đưa về 61 huyện nghèo trên cả nước. Những người này sẽ được nhận làm việc ngay từ đầu, có 3 năm thử nghiệm và được hưởng phụ cấp 8% lương theo Nghị định 64. Bộ Y tế đang muốn nâng mức phụ cấp này nhưng hiện còn gặp khó khăn. Cũng theo bà Tiến, ở các vùng sâu, vùng xa hiện còn có mô hình “cô đỡ thôn bản” - họ được hỗ trợ nửa số lương và giúp đỡ nhiều cho đồng bào thiểu số. Về cơ sở kỹ thuật, bằng việc vay vốn ODA và có sự hỗ trợ từ Chính phủ, Bộ Y tế đang xây dựng gần 2.000 trạm y tế ở các xã khó khăn, triển khai và sẽ khai trương 26 trạm mẫu trên cả nước. Về tài chính, Bộ trưởng Y tế nhắc đến 2 chỉ số, trong đó BHYT toàn dân vượt mức, ở vùng sâu, vùng xa được Nhà nước mua toàn bộ bảo hiểm cho người nghèo nên họ không phải chi trả khi khám chữa bệnh. Ảnh: Hải Quân.
-
55 tàu đóng mới nằm bờ
Đại biểu Phan Thanh Bình (Quảng Nam) chất vấn về những bất cập trong hoạt động đánh bắt xa bờ của ngư dân và việc các tàu đóng mới hoạt động không hiệu quả, xuống cấp nhanh.
Bộ trưởng Cường cho hay Nghị định 67 Chính phủ ban hành năm 2014 được đưa ra trong bối cảnh Việt Nam rất cần ngư dân vươn ra các ngư trường xa để đảm bảo phát triển kinh tế cùng với đảm bảo an ninh quốc phòng của quốc gia. “Chúng ta đã phát triển được 1.030 phương tiện, với công suất lớn từ 800 mã lực trở lên với 3 loại vật liệu: sắt, composit và gỗ. Riêng tàu sắt, thì đây là loại hình đóng mới. Hiện nay có 358 chiếc, tương đương với 34,2%”, ông Cường cho hay. Bộ trưởng đánh giá loại hình tàu sắt là phương tiện mới, quá trình đóng thì để xảy ra 40 tàu bị hỏng hóc, trong đó có 21 cái của Bình Định của 2 công ty đóng tàu thì tỉnh phải đặc biệt vào cuộc. Hiện nay, còn 55 chiếc tàu đóng mới nằm bờ nhưng không ra khơi được do nhiều nguyên nhân như đánh bắt không hiệu quả, chủ tàu chết, một số chủ tàu không có điều kiện hoạt động, hay chủ tàu không tích cực tham gia. Các chủ tàu đến kì bảo dưỡng nhưng không đem đi bảo dưỡng. “Trước tình hình này, chúng tôi đã tham mưu, Thủ tướng đã có nhiều quyết sách. Về tiềm năng ngư trường chúng ta không khuyến khích nhiều nữa, phương án hỗ trợ tín dụng 11 năm không còn phù hợp”, ông Cường nói.
-
Bí thư, Chủ tịch tỉnh ra tận sân bay mời đón doanh nghiệp
Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) đặt vấn đề đời sống người dân Tây Nguyên khó khăn là do giá thành sản phẩm bấp bênh. Ông chất vấn bộ trưởng về giải pháp cho tình trạng này. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường thừa nhận dù có nhiều chính sách hỗ trợ, cuộc sống của đồng bào dân tộc ở Tây Nguyên còn nhiều khó khăn. Một thực tế do họ sản suất bấp bênh, kém hiệu quả. Ông nhấn mạnh giải pháp tập trung kêu gọi nhiều doanh nghiệp vào tổ chức liên kết cho bà con nông dân, phục vụ sản xuất. “Trong các tỉnh Tây Nguyên thì Gia Lai rất tích cực, Bí thư, Chủ tịch tỉnh mời rất nhiều doanh nghiệp, thậm chí, họ ra tận sân bay đón mời doanh nghiệp”, ông Cường nói và cho hay hiện có 1 nhà máy đã được hình thành phục vụ sản xuất, nhưng do sự mời gọi nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh, doanh nghiệp cảm động nên quyết định đầu tư thêm một nhà máy nữa. Ông cũng khẳng định việc này là trách nhiệm của bộ nên bộ sẽ cùng địa phương có chính sách để sớm mời gọi doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ở vùng Tây Nguyên. Đại biểu Ngô Thanh Danh chất vấn. Ảnh: Hải Quân.
-
Người Việt Nam cũng có quyền ăn những sản vật ngon
Đại biểu Nguyễn Phương Tuấn (Ninh Bình) hỏi sản phẩm cá ngừ đại dương là sản phẩm chất lượng có giá trị xuất khẩu của Việt Nam, nếu làm tốt khâu bảo quản sẽ nâng cao hiệu quả kim ngạch của sản phẩm này. Để sản phẩm này là xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ông hỏi Bộ trưởng có giải pháp gì hỗ trợ ngư dân bảo quản tốt sản phẩm? Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh hiện nay cá ngừ là sản vật khai thác ở vùng biển của ta, đã có giá trị xuất khẩu lên đến 650 triệu USD. “Đây là sản phẩm rất có giá trị, tôi đồng ý với đại biểu nếu có giải pháp thì sẽ còn cho giá trị cao hơn”, ông Cường nói. Nêu một mô hình làm tốt ở Khánh Hòa, nhưng theo Bộ trưởng Cường, mô hình tiên tiến chưa được áp dụng đại trà. Nếu làm tốt chúng ta có thể nâng cao gấp đôi, thậm chí gấp ba giá trị xuất khẩu của cá ngừ. Ông nhấn mạnh cần tập trung vấn đề công nghệ chế biến và liên kết tổ chức sản xuất, như ở Khánh Hòa có liên kết của ngư dân với 145 tàu, khi đánh bắt được cá ngừ sẽ có tàu chở về để chế biến ngay. Bộ trưởng Cường cho rằng cần tổ chức chuỗi khai thác trên biển, tập trung công nghệ chế biến và phát triển thị trường. “Đi đôi với mở rộng thị trường xuất khẩu, hãy nhớ phục vụ thị trường 100 triệu dân của Việt Nam vì chúng ta có quyền ăn những sản vật ngon”, ông Cường nói và cảm ơn đại biểu đã hỏi câu hỏi này để Bộ nhìn thấy vấn đề, từ đó sẽ có giải pháp chú trọng hơn. -
Bộ trưởng Nông nghiệp: Không ai dự báo được ngày mai giá cả thế nào
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường
cho rằng khâu chế biến và tổ chức thương mại đang để lộ nhiều bất cập. “Nếu không cải thiện được khâu chế biến, thì không dập được chuyện hôm nay được, ngày mai mất. Nền kinh tế thị trường cũng rất khó đấy, không ai dự báo được ngày mai cái gì giá thế nào cả”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời. Ông đơn cử ở Tây Nguyên có 5 triệu ha đất, có 5 cây công nghiệp chủ lực, nhưng giai đoạn trước kia phát triển quá nóng. Riêng Việt Nam, sản lượng hồ tiêu đã là 350.000 tấn, chiếm đến 60% sản lượng của thế giới, như vậy là quá thừa. “Trách nhiệm của bộ với các ngành, chúng tôi đã bàn kỹ, tới đây tập trung chế biến. Thứ hai, tổng rà soát lại, phát triển các ngành lợi thế. Như cây tiêu chỉ dừng đến mức nào thôi, không để vọt lên 150.000 ha trong khi quy hoạch đến năm 2020 chỉ có 55.000 ha. Diện tích không hiệu quả, kém canh tác phải nhường chỗ cho cây khác”, ông Cường nhấn mạnh. Ảnh: Hải Quân.
-
Cơ hội để lắng nghe
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng Nông nghiệp Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là vấn đề được Đảng, Nhà nước quan tâm, chỉ đạo bằng các quyết sách trong từng giai đoạn. Chỉ trong 3 năm đầu nhiệm kỳ, ông Cường cho biết khu vực nông nghiệp được thông qua 5 luật rất quan trọng. Bên cạnh đó có 3 nội dung căn cốt được giám sát gồm: xây dựng nông thôn mới, an toàn thực phẩm và cơ cấu nông nghiệp. Các nội dung này đều giám sát tối cao, tạo bước bứt phá và sự phát triển rất tích cực. Ông Cường cho hay đây là lần thứ 2 ông trả lời chất vấn và trước đó từng tham gia trả lời ở Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cùng các thành viên Chính phủ báo cáo giải trình hàng năm. “Việc tham gia trả lời mang lại tác động tích cực cho công tác quản lý của ngành nhìn rõ hơn hiện trạng, đặc biệt là tồn tại, bất cập để tham gia quản lý, tham mưu, phối hợp thực hiện tốt hơn”, ông Cường nhấn mạnh. Ông coi kỳ chất vấn này là cơ hội để lắng nghe, rà soát lại việc làm được cũng như những bất cập để tổ chức thực hiện tốt hơn. Bộ trưởng Cường nhấn mạnh năm 2019 là năm thử thách đặc biệt cho ngành nông nghiệp, nhưng với sự đoàn kết, quyết tâm đạt kết quả, ngành sẽ cố gắng hạn chế thấp nhất tác hại dịch bệnh, thị trường có nhiều mục tiêu tích cực. Theo thông báo trên bảng điện tử, ban đầu có 64 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường. Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng sẽ báo cáo thêm các vấn đề thuộc lĩnh vực này. Ảnh: Hải Quân.
-
Số lượng doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tăng 3 lần
Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, số lượng doanh nghiệp thành lập mới trong lĩnh vực nông nghiệp đã tăng gấp 3 lần. Số lượng từ khoảng 3.000 doanh nghiệp/năm, nay đã tăng gấp 3 lên khoảng 9.000 doanh nghiệp/năm. Ông cũng nhấn mạnh số lượng doanh nghiệp thành lập mới trải đều khắp vùng miền và các lĩnh vực, từ sản xuất trực tiếp, chế biến, đến tổ chức thương mại. Tuy nhiên, số lượng tăng nhưng vẫn còn chưa đáp ứng yêu cầu. Ông đánh giá 11.800 doanh nghiệp nông nghiệp và hơn 40.000 doanh nghiệp hỗ trợ vẫn còn nhỏ, chưa đáp ứng yêu cầu. “Số lượng này còn ít, cần thiết phải tăng số lượng doanh nghiệp để làm hạt nhân cho 8,6 triệu nông dân”, ông Cường nói. Đại biểu Phạm Thị Thu Trang tranh luận về giải pháp căn cơ thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói dù số doanh nghiệp tăng lên 3 lần nhưng số tuyệt đối còn rất thấp. Ông kỳ vọng vào việc sắp tới thông qua luật PPP để huy động đầu tư. Bởi thực tế hiện doanh nghiệp thiếu điều kiện, nếu có khuôn khổ pháp lý tốt, đặc biệt hướng PPP sẽ tiếp làn sóng đầu tư vì nông nghiệp dù khó khăn nhưng còn dư địa và thể hiện khát vọng của doanh nghiệp. Ảnh: Hải Quân.
-
Chủ tịch Quốc hội: Đề nghị bộ trưởng trả lời thẳng thắn, thể hiện trách nhiệm
8h sáng 6/11, phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường bắt đầu dưới sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn,
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các bộ trưởng trả lời thẳng thắn, đúng trọng tâm câu hỏi, đặc biệt thể hiện trách nhiệm và có giải pháp cụ thể. Bà cho biết cuối phiên chất vấn, Quốc hội sẽ ban hành nghị quyết để giám sát. Chủ tịch Quốc hội cũng kỳ vọng phiên chất vấn sẽ diễn ra dân chủ, sôi nổi, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và nhân dân. Đặc biệt, trong 3 ngày chất vấn sẽ có sự tham dự của 86 học viên lớp bồi dưỡng kiến thức mới cho cán bộ quy hoạch cấp chiến lược khoá XIII.
-
Infographic 3 ngày đăng đàn trả lời chất vấn của Thủ tướng và 4 tư lệnh ngành
-
Bộ trưởng Nông nghiệp ngồi "ghế nóng" trong 210 phút
Sáng 6/11, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ.
Có 4 nhóm vấn đề được đưa ra chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp này gồm: Nội vụ; Công Thương; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Thông tin và Truyền thông, tương ứng với trách nhiệm trả lời của 4 tư lệnh ngành: Lê Vĩnh Tân; Trần Tuấn Anh; Nguyễn Xuân Cường và Nguyễn Mạnh Hùng.
Người đầu tiên lên “ghế nóng” là Bộ trưởng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn Nguyễn Xuân Cường. Ông Cường từng đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khoá này.
Phiên đăng đàn của Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ diễn ra từ 8h10-14h30. Trừ thời gian nghỉ giải lao, ông Cường có tổng lượng thời gian trả lời chất vấn là 210 phút.
Ông sẽ trả lời nhóm vấn đề về chất lượng, hiệu quả chương trình quốc gia về xây dựng nông thôn mới; công tác phòng, chống và kiểm soát dịch bệnh cho gia súc, gia cầm và chính sách khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản...