Sáng nay (6/11), Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn kéo dài 3 ngày, dành cho 4 bộ trưởng các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Công Thương; Nội vụ; Thông tin và Truyền thông. Sau phiên đăng đàn của các bộ trưởng là phần trả lời chất vấn của người đứng đầu Chính phủ - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Bổ nhiệm kiểu “con lạc đà chui lọt lỗ kim”, trách nhiệm của ai?
Chia sẻ với Zing.vn, Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy cho biết bà quan tâm đặc biệt đến một số vấn đề của Bộ Nội vụ.
Trước hết là vấn đề vừa qua gây bức xúc khi tinh giản biên chế theo kiểu cào bằng, khiến những giáo viên và người công tác trong ngành y tế trên chục năm bị thiệt thòi. Theo bà, làm chính sách phải có sự tính toán chứ không thể “ai cũng như ai”.
Ủy viên Thường trực Ủy ban về các vấn đề xã hội Nguyễn Thị Kim Thúy. Ảnh: Hải Quân. |
Nhắc đến một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ, lãnh đạo ở Đắk Lắk với những người “mượn bằng” để thăng tiến, bà Thúy cho rằng đây là điển hình cho việc đúng quy trình nhưng vẫn khiến cử tri bức xúc. Vì vậy, bà cũng muốn chất vấn về trách nhiệm trong việc bổ nhiệm kiểu “con lạc đà chui lọt lỗ kim”.
Bên cạnh đó là vấn đề bộ máy không ổn định. Suốt hàng chục năm qua, hết nhập lại tách, rồi tách lại nhập. Vấn đề này đặt ra trách nhiệm của ngành nội vụ trong vấn đề tham mưu.
“Chất vấn phải làm sao vừa nói được tiếng nói của cử tri, vừa giúp tư lệnh ngành nhìn ra vấn đề để có giải pháp căn cơ trong thời gian tới”, bà Thúy nói.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cũng chung mối quan tâm tới các vấn đề của ngành nội vụ.
Vấn đề ông muốn chất vấn là làm sao để tinh giản biên chế đi vào thực chất, vừa tinh giản vừa nâng cao được hiệu lực, hiệu quả; giải pháp nâng cao trách nhiệm công vụ, kỷ cương, kỷ luật, tránh tình trạng trên nóng dưới lạnh; không dám làm việc mà né tránh trong thực thi công vụ.
Phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội sẽ diễn ra trong 3 ngày: 6-8/11. Ảnh: Hải Quân. |
Ngoài ra, ông cũng quan tâm tới việc xử lý một số vi phạm trong công tác cán bộ, bổ nhiệm, xử lý kỷ luật. Đặc biệt với những cán bộ vi phạm nhưng trước đây từng giữ chức vụ lãnh đạo.
Bộ trưởng nhận trách nhiệm nhưng cần đưa ra giải pháp
Nữ đại biểu Phú Yên Phạm Thị Minh Hiền bày tỏ quan tâm đến vấn đề quản lý Nhà nước về truyền thông khi xuất hiện mô hình "truyền thông bẩn", nhằm bán các gói xử lý khủng hoảng truyền thông, gây ra năng lượng tiêu cực trong xã hội. Cùng với đó là việc kiểm soát các chương trình truyền hình, phát thanh có yếu tố liên quan đến trẻ em để không ảnh hưởng tiêu cực đến trẻ.
“Hy vọng các bộ trưởng đi thẳng vào các vấn đề đúng trọng tâm, trọng điểm những nội dung đại biểu đặt ra”, bà Hiền nói.
Theo nữ đại biểu, cử tri và đại biểu Quốc hội không quan tâm lắm đến việc Bộ trưởng có trả lời hay, suôn sẻ hay không, vì “nhiều lúc bộ trưởng trả lời rất hay nhưng lại không chứa đựng thông tin đại biểu cần và cử tri quan tâm”.
Bà kỳ vọng các tư lệnh ngành sẽ trả lời trực tiếp, đi thẳng vào vấn đề đặt ra. Trên nghị trường, bộ trưởng có thể xin lỗi hoặc nhận trách nhiệm, nhưng sau đó phải có giải pháp cụ thể thể hiện sự quyết tâm của mình.
“Lúc đó câu xin lỗi và nhận trách nhiệm của bộ trưởng mới trọn vẹn, nếu không chỉ là hình thức mà thôi”, đại biểu Phạm Thị Minh Hiền chia sẻ.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương - Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình. Ảnh: Hải Quân. |
Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) cũng muốn chất vấn Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông những giải pháp giải quyết tin nhắn rác, và tác động của mạng xã hội khi đưa những thông tin làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của cán bộ công chức hoặc lừa đảo người dân làm ảnh hưởng đến kinh tế, niềm tin của người dân.
Đại biểu Bùi Thanh Tùng (Hải Phòng) cho biết ông sẽ đặt ra câu hỏi về quản lý mạng xã hội với Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Ông cũng dự kiến chất vấn Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh liên quan đến quản lý các mô hình kinh tế số như thương mại điện tử.
Chất vấn lời hứa của Thủ tướng với miền Tây
Kinh tế là vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm và muốn chất vấn. Phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Đức Kiên kỳ vọng Bộ trưởng Công Thương sẽ đưa ra được những giải pháp để Việt Nam thích ứng những biến động bên ngoài, đặc biệt là căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Về công nghiệp, ông mong muốn nhận được câu trả lời về vấn đề thiếu điện và xây dựng đường dây truyền tải điện cho các dự án năng lượng trong thời gian tới.
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp). Ảnh: Hải Quân. |
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho biết ông rất kỳ vọng mang tiếng nói của bà con cử tri đồng bằng sông Cửu Long đến với Chính phủ và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cử tri miền Tây rất trông chờ hướng phát triển nông nghiệp ngày càng tốt hơn.
Tuy nhiên thực tế nông nghiệp vẫn ì ạch, người dân băn khoăn việc sản xuất ra cái gì, bán cho ai, bán ở đâu, như thế nào cho hiệu quả kinh tế. Trong khi đó, hàng năm có nhiều thiên tai, dịch bệnh, mang đến thiệt hại cho người dân.
Đại biểu kỳ vọng người đứng đầu ngành nông nghiệp đưa ra giải pháp phù hợp để phát triển thị trường xuất khẩu nông sản. Ông Hòa nhấn mạnh hiện nay phần lớn nông sản xuất sang Trung Quốc, nhưng người dân rất mù mờ về thị trường này. Việc thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu liên tục gặp khó khăn.
Ngoài ra, đại biểu Hòa cho biết sẽ chất vấn Thủ tướng trong việc giữ lời hứa với Đồng bằng sông Cửu Long trong lĩnh vực hạ tầng giao thông.
“Tôi mong Chính phủ và Bộ GTVT giữ lời hứa trong phát triển cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy, đường biển, chống sạt lở… Chính phủ cần ưu tiên để giúp miền Tây thực hiện được những ước mơ đổi đời, có nhiều đường để bà con đi lại thuận lợi, phát triển kinh tế”, ông nói.