Ông Nguyễn Văn Đính - Phó chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam - đã có những nhận định về tiềm năng của thị trường bất động sản và phân khúc cao cấp tại Đà Nẵng - thành phố biển trẻ, văn minh và năng động.
Nội lực lớn của đô thị biển
- Đà Nẵng là đô thị trẻ, phát triển năng động, ngày càng hội nhập và không ngừng thu hút cư dân đến sinh sống, làm việc lâu dài. Điều này sẽ tạo thuận lợi thế nào cho thị trường bất động sản?
- Để đánh giá về tiềm năng thị trường BĐS cần nhìn từ nhiều góc độ, trong đó có vấn đề phát triển kinh tế, quy hoạch, môi trường sống, dân số… Đà Nẵng là thành phố rất năng động với dân số gần 1,2 triệu người. Trong đó có khoảng 40% dân số ở độ tuổi làm việc, tham gia các hoạt động kinh tế, đặc biệt nhu cầu về nhà ở của nhóm này rất cao. Tiếp đến, đối tượng nằm trong nhóm lao động dịch vụ tăng trưởng ngày càng mạnh, khoảng 30% dân số Đà Nẵng đang tham gia vào hoạt động lao động dịch vụ. Tỷ lệ này càng cao càng thể hiện chất lượng sống tốt.
Tỷ lệ tăng trưởng dân số trong 10 năm nay của Đà Nẵng đạt bình quân khoảng 2,5%. Theo kế hoạch, đến năm 2030 dân số Đà Nẵng sẽ đạt 1,5 triệu người. Trong số cư dân đến Đà Nẵng định cư, làm việc, sinh sống, đáng chú ý là tỷ lệ người nước ngoài cao. Đến năm 2022, ước tính người nước ngoài đến định cư, đăng ký tạm trú, cư trú để làm việc tại Đà Nẵng đạt gần 100.000 người, tức chiếm khoảng 10% tỷ lệ cư dân Đà Nẵng. Tỷ lệ người nước ngoài trên tổng dân số ở Đà Nẵng cao hơn so với Hà Nội hay TP.HCM.
Đây là sự phát triển và tăng trưởng ấn tượng của thành phố quanh sông Hàn. Khi người nước ngoài đã chọn định cư nơi đây, phần lớn họ đã đánh giá kỹ về chất lượng, môi trường sống, các dịch vụ vì họ rất khắt khe trong lựa chọn nơi ở, nơi làm việc. Người nước ngoài đến Đà Nẵng từ nhiều nước phát triển như Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Australia… Trong đó, người Hàn Quốc chiếm tỷ trọng lớn nhất, khoảng hơn 11.000 người.
Đà Nẵng là đô thị trẻ, phát triển năng động, hội nhập quốc tế. |
Nói về kinh tế, Đà Nẵng có sự tăng trưởng ấn tượng suốt thời gian qua. Sau giai đoạn chững lại năm 2018-2019 và chững lại do đại dịch, đến năm 2022, Đà Nẵng bắt đầu bứt tốc trở lại, tăng trưởng đạt trên 14%, xếp thứ 3 cả nước. Sự hồi phục của nền kinh tế Đà Nẵng đến từ nội lực, tức khi đã có sự bắt nhịp trở lại thì sẽ tăng trưởng rất nhanh.
Đặc biệt, kinh tế du lịch của Đà Nẵng rất tiềm năng nhờ lợi thế hội tụ núi non, rừng biển, sông tạo thành thế cảnh quan đẹp, một quần thể có chất liệu để phát triển du lịch. Đà Nẵng đang được đầu tư lớn vào hệ thống hạ tầng giao thông kết nối để phát huy các lợi thế, tiềm năng sẵn có. Đà Nẵng hợp sức cùng Quảng Nam sẽ tạo thành một khu vực tâm điểm phát triển kinh tế du lịch.
Về quy hoạch, hiện Đà Nẵng đã được điều chỉnh quy hoạch để nâng tầm đô thị. Thực hiện đúng quy hoạch cộng với những gì có sẵn, đã được đầu tư, chất lượng sống sẽ ngày càng cao. Trong tương lai, Đà Nẵng được kỳ vọng sớm trở thành đô thị biển thuộc top cao trên thế giới.
Tất cả điều đó thể hiện rằng Đà Nẵng đang hồi sinh, có nội lực mãnh liệt. Như vậy, có thể đánh giá Đà Nẵng có giá trị tốt và đầy tiềm năng.
Phân khúc bất động sản cao cấp đầy tiềm năng
- Như ông nói, chất lượng sống tại Đà Nẵng sẽ ngày càng tăng, yêu cầu về không gian sống của người nước ngoài cũng có sự khác biệt. Có ý kiến cho rằng đây cũng là cơ hội cho phân khúc bất động sản cao cấp ở Đà Nẵng phát triển. Ông có ý kiến gì về điều này?
- Đà Nẵng hiện dựa vào nền tảng đô thị cũ, cảnh quan thiên nhiên sẵn có như sông, biển để phát triển đô thị, nhưng còn nhiều khu vực chưa khai thác hết. Đặc biệt, Đà Nẵng có dư địa lớn để phát triển những loại hình đô thị theo mô hình mới như đô thị thông minh, đô thị xanh, tổ hợp bất động sản hiện đại đầy đủ tiện ích, đáp ứng yêu cầu chất lượng sống ngày càng cao.
Người nước ngoài khi đến bất cứ nơi đâu, họ sẽ nhìn vào môi trường sống, chất lượng dịch vụ, hệ thống tiện ích để lựa chọn nơi sinh sống. Ví dụ công dân Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Anh… luôn có đòi hỏi cao. Chính vì vậy, họ cũng tìm kiếm những khu đô thị đáp ứng được yêu cầu này.
Chuyên gia đánh giá dư địa phát triển thị trường BĐS Đà Nẵng lớn. |
Tôi cho rằng Đà Nẵng còn nhiều khu vực phát triển tận dụng được lợi thế môi trường, cảnh quan sông - biển - núi, vừa tạo ra hạ tầng công cộng, hạ tầng xã hội, hạ tầng dịch vụ đạt chuẩn mà quốc tế đòi hỏi. Đã có một số chủ đầu tư lớn đang nghiên cứu và xúc tiến phát triển các mô hình bất động sản cao cấp, hiện đại. Chúng tôi đánh giá rằng khi đã có những sản phẩm như vậy, trong 2-3 năm tới, giá trị sống tại Đà Nẵng sẽ được nâng thêm nhiều bậc.
- Đà Nẵng vẫn là thành phố lấy du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Theo ông, ngoài bất động sản để ở, bất động sản cao cấp gắn với du lịch, nghỉ dưỡng tại Đà Nẵng sẽ có cơ hội ra sao?
-Đà Nẵng có lợi thế để phát triển kinh tế du lịch. Thành phố đón hàng triệu khách du lịch quốc tế mỗi năm. Nhiều nhà phát triển đã đặt chân tới đây và có nhiều dự án đáp ứng một phần nhu cầu. Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn còn dư địa để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, cũng như bất động sản cao cấp gắn với du lịch nghỉ dưỡng. Nếu phát triển tốt, Đà Nẵng sẽ ngày càng thu hút khách du lịch quốc tế, nhất là dòng khách giàu có.
Ngành du lịch đang phấn đấu để hoàn thiện chất lượng các điểm đến, với mục tiêu nâng cao trải nghiệm, giữ chân du khách. Đà Nẵng có đủ điều kiện hạ tầng tốt để tạo thành khu du lịch biển đẳng cấp khi có sự góp sức của nhiều doanh nghiệp hàng đầu như Sun Group... Khi dòng khách sang đến Đà Nẵng, giá trị bất động sản sẽ tăng lên, hiệu quả khai thác kinh doanh các bất động sản sẽ rất tốt.
Ta phải xác định rằng người giàu có chỉ đặt chân đến một điểm nào đó khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn, chất lượng dịch vụ, và khi đã đến thì họ sẵn sàng tiêu gấp nhiều lần khách du lịch khác. Như vậy, các bất động sản cao cấp gắn với du lịch nghỉ dưỡng càng có lợi thế để khai thác hiệu quả. Những bất động sản cao cấp đó còn thu hút các nhà đầu tư thứ phát mong muốn được đầu tư. Thậm chí, người giàu trên thế giới đến đây sẽ bị thu hút bởi các bất động sản đẳng cấp ở thành phố biển đáng sống và muốn sở hữu chúng. Đó là những dư địa tôi nhìn thấy, từ đó để các nhà phát triển nghiên cứu tạo ra những sản phẩm cao cấp, khác biệt, tạo ra dịch vụ khác biệt.
Giá bất động sản Đà Nẵng đang “dễ chịu”
- Với nhiều tiềm năng như vậy, dư địa giá trị của bất động sản Đà Nẵng trong trung và dài hạn sẽ ra sao, thưa ông?
-Giá trị bất động sản Đà Nẵng khá ổn định trong khoảng 3-4 năm trở lại đây. Giai đoạn 2017-2018, giá bất động sản Đà Nẵng dao động từ 30 triệu đồng đến 50-60 triệu đồng/m2, gần đây tăng lên khoảng 70-80 triệu đồng ở một số vị trí. Tuy nhiên, chúng tôi đánh giá so với các đô thị biển khác, mức giá bất động sản Đà Nẵng khá “dễ chịu”. So với Hà Nội và TPHCM thì khoảng cách rất lớn. Với sự đầu tư trong hiện tại cũng như tương lai, bất động sản Đà Nẵng sẽ có giá trị cao hơn chứ không chỉ dừng lại ngưỡng đó. Dư địa tăng trưởng về giá trị này ở Đà Nẵng còn lớn.
Giá bất động sản Đà Nẵng còn thấp so với tiềm năng, lợi thế. |
- Hiện nay Chính phủ đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản. Kinh tế, du lịch Đà Nẵng cũng đang có bước phục hồi mạnh mẽ. Theo ông, những tín hiệu tích cực đó có thể giúp thị trường bất động sản Đà Nẵng sớm thoát khỏi khó khăn không?
-Thị trường BĐS Đà Nẵng đang hiếm nguồn hàng mới. Thời gian qua thị trường Đà Nẵng có dấu hiệu chững lại. Chính phủ đang thúc đẩy tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, như tháo gỡ về cơ chế, pháp lý, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ dự án… giúp thị trường hồi sinh. Tuy nhiên, tháo gỡ, thay đổi thể chế, sửa lại các quy định pháp luật cần có thời gian nên buộc phải có độ trễ. Đó cũng là cơ hội để điều chỉnh cơ chế, chính sách tốt hơn, thanh lọc thị trường…
Bản chất nhu cầu đầu tư, kinh doanh bất động sản, nhà ở của thị trường luôn cao. Thực tế, kinh tế Việt Nam kể cả trong đại dịch Covid-19 vẫn tăng trưởng dương, hay trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, Việt Nam vẫn có những con số tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Mức tăng trưởng này đến từ hoạt động xuất khẩu, phát triển hạ tầng, đầu tư công, hệ thống giao thông kết nối trên cả nước, tốc độ tăng trưởng đô thị với tỷ lệ trên 40%... Không có lý gì tăng trưởng kinh tế, phát triển hạ tầng, tăng trưởng đô thị mà không đi theo nhu cầu về bất động sản. Tất cả hoạt động đó thúc đẩy nhu cầu về nhà ở, đầu tư kinh doanh bất động sản. Vì vậy, chúng tôi đánh giá dư địa phát triển của thị trường bất động sản ở Việt Nam khá cao.
Đối với những khu vực đã được đầu tư mạnh và giữ nhịp tăng trưởng tốt, có dấu hiệu hồi phục như Đà Nẵng, thị trường bất động sản được kỳ vọng hồi phục nhanh hơn. Chúng tôi hy vọng từ nay đến cuối năm, thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ hồi phục trở lại.