Sau buổi họp căng thẳng diễn ra sáng 3/9, lương tối thiểu năm 2016 được chốt tăng 12,4%, tương đương 250.000-400.000 đồng một tháng. Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã có một số trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này. VCCI là đơn vị đại diện cho khối doanh nghiệp, giới chủ sử dụng lao động.
- Ông đánh giá như thế nào về kết quả của phiên họp sáng nay?
- Quả thực chúng tôi chưa thực sự thỏa mãn với mức tăng trên. Bởi trong thời gian qua, doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn, mức này thực tế đã vượt quá mức khả năng chi trả của họ. Tuy nhiên, thời gian tới, doanh nghiệp sẽ phấn đấu cật lực hơn nữa để phát triển và đáp ứng khả năng chi trả cho người lao động, mặc dù đó là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.
- Trong các phiên họp trước, quan điểm của ông là mức tăng trên 10% là quá sức chịu đựng. Vậy ông bình luận gì về con số 12,4% vừa chốt?
- Chúng tôi đã nói mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 trên 10% đã là quá mức chịu đựng của doanh nghiệp hiện nay. Qua khảo sát thực tế của cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước, trong 16 hiệp hội doanh nghiệp có 14 hiệp hội nước ngoài đề xuất mức tăng chỉ dao động khoảng 5-7%.
Chúng tôi đã khảo sát thực tiễn kết hợp với bộ phận nghiên cứu, kỹ thuật và đưa ra đề xuất là 10%. Mức tối đa từng đưa ra 10,7% là quá khả năng chi trả. Tuy nhiên, theo cơ chế đồng thuận của Chính phủ đã đưa ra quyết sách, mặc dù không thỏa mãn, nhưng thôi, chúng tôi vẫn phải chấp nhận với kết quả này!
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI tại buổi họp chốt phương án tăng lương tối thiểu hôm nay. Ảnh: Ngọc Lan. |
- Nếu không thỏa mãn, ông có quyền kiến nghị. Tại sao buộc phải chấp nhận?
- Chúng tôi đã kiến nghị và sẽ tiếp tục đề xuất. Song cơ chế đồng thuận trong hoạt động của các bên đã đi đến thỏa thuận cuối cùng. Tất cả đã có những ý kiến, phân tích thấu tình đạt lý để đi đến thỏa thuận cuối cùng này.
- Có thông tin cho rằng doanh nghiệp FDI không phản ứng nhiều với việc tăng lương và đóng bảo hiểm xã hội?
- Tôi chia sẻ với ý kiến của chị nhưng không hoàn toàn nhất trí.
Trong 4 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc đề xuất mức tăng chỉ là 5-6%, Đài Loan là 6%. Trong đó, hiệp hội doanh nghiệp TP HCM lớn nhất cả nước, sức chịu đựng chi trả của họ chỉ là 8%.
Duy chỉ có doanh nghiệp Nhật Bản đưa ra mức tăng tối thiểu còn chịu đựng được là dưới 10%. Thực tế, cũng có doanh nghiệp đủ khả năng chi trả, nhưng đó là con số rất ít.
- Song song với điều chỉnh mức tăng lương tối thiểu cho người lao động, doanh nghiệp còn cho biết khó khăn với quy định đóng bảo hiểm trong thời gian tới. Ý kiến của ông như thế nào?
- Chúng tôi sẽ cùng các cơ quan chức năng tập hợp để kiến nghị mức đóng bảo hiểm xã hội cũng như giãn lộ trình lương tối thiểu bằng mức sống tổi thiểu theo Luật Lao động. Khi nhận được các đề xuất đó, chúng tôi đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu xem xét để có quyết sách kịp thời, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Với điều chỉnh này, hiện nhu cầu tăng lương tối thiểu và khả năng thực tế chi trả của doanh nghiệp có khoảng cách tương đối lớn. Các đơn vị kinh doanh không còn cách nào khác phải tái cơ cấu sản xuất, nâng cao khoa học công nghệ và năng lực quản trị để có năng suất lao động cao hơn, đáp ứng nhu cầu phát triển hội nhập.
- Ông có ý kiến gì về kế hoạch của doanh nghiệp trong thời gian sắp tới?
- Doanh nghiệp đang rất khó khăn. Họ phải tồn tại thì mới đáp ứng được các chi trả cho người lao động để duy trì mức sống tối thiểu. Trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp đang tái cơ cấu để duy trì và tồn tại.
Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với yêu cầu tăng mức lương tối thiểu. Nhưng trong khả năng thực tế, người lao động có việc làm mặc dù chưa đủ mức sống tối thiểu còn hơn là không có việc làm hoặc mức luơng tối thiểu cũng không có.
Doanh nghiệp sẽ kiến nghị giãn lộ trình ban đầu về mục tiêu lương tối thiểu của người lao động bằng mức sống tối thiểu. Bên cạnh đó, cũng kiến nghị điều chỉnh về mức đóng bảo hiểm xã hội để tạo điều kiện cho doanh nghiệp có sức kháng cự tốt hơn với sức ép hiện tại.