Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Liên đoàn Lao động sẽ bỏ phiếu trắng nếu tăng dưới 14,3%

Bên lề hội nghị, ông Vũ Quang Thọ, đại diện người lao động, cho biết sẽ không bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu trắng nếu mức tăng thấp hơn năm trước là 14,3%.

Trong phiên họp sáng nay, hai phía đại diện người lao động và chủ doanh nghiệp là Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), tiếp tục căng thẳng, chưa có tiếng nói chung. Con số mà Tổng Liên đoàn Lao động đưa ra là mức tăng lương tối thiểu vùng 2016 nếu không như đề xuất ban đầu trên 16%, thì ở mức 14,4%. Song phía VCCI chỉ đưa ra mức 11,4%.

Hội đồng Tiền lương quốc gia nghỉ giải lao, để hai bên hội ý, thống nhất quan điểm và tiếp tục thảo luận để chốt mức tăng cuối cùng.

Trong giờ giải lao, chỉ có đại diện Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ra ngoài và chia sẻ với truyền thông. 5 vị đại diện cho VCCI ngồi trong phòng. Đây cũng là tình trạng của cuộc họp trước, diễn ra ngày 25/8 vừa qua. Chỉ duy nhất cuộc họp đầu tiên ngày 5/9, đại diện VCCI mới ra khỏi phòng trong cuộc họp. 

Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) nhận định, sau giải lao, mỗi bên sẽ đưa ra chính kiến của mình, và Hội đồng Tiền lương có thể sẽ đưa ra một ý kiến khuyến cáo, hơi có tính pháp lệnh, về một con số nào đó. 

Ông Thọ cũng chia sẻ, nếu mức tăng không hơn so với năm trước, là 14,3%, thì Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sẽ không bỏ phiếu hoặc bỏ phiếu trắng. 

Ông Vũ Quang Thọ-Viện trưởng Viện Công nhân-Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam-TLĐ)
Ông Vũ Quang Thọ, Viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam). Ảnh: Ngọc Lan. 

Cũng theo ông Thọ, hiện 5 đại diện phía doanh nghiệp chỉ chốt ở mức tăng tối đa là 10,7%. Cuộc đàm phán này cực kỳ khó khăn. Ông cũng cho rằng, chính khó khăn này mới thể hiện đúng tính dân chủ, liên quan mật thiết đến lợi ích của cả doanh nghiệp và người lao động.

“Lương tăng lên, phần thu của Chính phủ sẽ nhiều hơn, do chi phí doanh nghiệp nhiều hơn, thuế nhiều hơn. Có thể thừa nhận tăng lương tối thiểu, kéo theo chi phí doanh nghiệp tăng, bán hàng giảm. Tuy nhiên, năm ngoái, kinh tế khó khăn hơn năm nay mà mức tăng là 14,3%, các doanh nghiệp vẫn phát triển bình thường. Số vốn được bổ sung cũng nhiều hơn, số doanh nghiệp 'chết rồi sống lại', dự định giải thể rồi quay lại hoạt động cũng nhiều hơn. Vì thế, mức tăng năm nay nếu có cao hơn doanh nghiệp cũng không có bất lợi gì", ông Thọ nói.  

Hiện nay, điều Tổng Liên đoàn Lao động kỳ vọng nhất không phải tăng càng nhiều càng tốt, mà có tính đến sự hài hòa của nền kinh tế. Căn cứ vào khả năng của nền kinh tế và doanh nghiệp hiện nay, mức đề xuất có thể rút xuống một chút so với đề xuất ban đầu là dưới 16%, nhưng không phải thấp như đại diện phía doanh nghiệp đưa ra.

Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, năm nay các chỉ số khả quan, Chính phủ họp tổng kết 8 tháng đầu năm thông báo các con số tăng trưởng đều tốt: GDP tăng, xuất khẩu tăng, doanh nghiệp hoạt động tăng, doanh nghiệp tái hoạt động trở lại cũng tăng, số dừng hoạt động thấp hơn năm trước, thu hút đầu tư nước ngoài tăng, tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn... Do đó không có lí do gì mức tăng lương lại thấp hơn năm ngoái.

"Đừng nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách cắt xén đồng lương còm. Mức thấp nhất phải bằng chỉ số năm 2015, là 14,3%. Dù thế nào trong sáng nay cũng chốt phương án tăng", ông Chính khẳng định.

Ngọc Lan

Bạn có thể quan tâm