Sau 5 tiếng đồng hồ thảo luận căng thẳng, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 cuối cùng đã được chốt ở12,4 %, tương đương 250.000-400.000 đồng một tháng. Mức này thấp hơn năm ngoái gần 2%, dù số tiền tăng lên ngang bằng với năm trước. Cụ thể, lương tối thiểu vùng 1 năm 2016 sẽ tăng 400.000 đồng, vùng 2 là 350.000 đồng, vùng 3 là 300.000 đồng và vùng 4 là 250.000 đồng. Mức điều chỉnh này sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2016.
Đại diện cả 2 phía chủ doanh nghiệp là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam đều tỏ thái độ không thoải mái với con số được quyết định cuối cùng bởi Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia, ông Phạm Minh Huân.
Sau 3 cuộc họp với những tranh cãi gay gắt, mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 cuối cùng đã được chốt, với 92% số phiếu đồng ý ở 12,4%. Ảnh: Ngọc Lan. |
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI, chia sẻ, ông hoàn toàn không thỏa mãn với mức tăng đến 12,4% mà Hội đồng Tiền lương quốc gia đã chốt. Mức đề xuất của VCCI ban đầu chỉ khoảng 7%, sau đó nâng lên mức 10%. Đề xuất này vênh khá lớn so với Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam. Phương án tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 được cơ quan đại diện quyền lợi người lao động gửi Hội đồng Tiền lương quốc gia là 16-17% so với năm 2015, tương đương 350.000-550.000 đồng một mức so với năm trước.
Còn bộ phận kỹ thuật của Hội đồng Tiền lương quốc gia cũng đưa ra 3 phương án điều chỉnh tiền lương, tăng bình quân 12,4%, 11,4% và 10,7%.
Ông Phạm Minh Huân, Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, cho biết, hội đồng đã họp 3 phiên, có đại diện phía người lao động và VCCI. Sau những tranh cãi không tìm được tiếng nói chung, hội đồng đã chọn phương án bỏ phiếu. Mức điều chỉnh lương tối thiểu với 4 vùng lần lượt là 400.000 đồng, 350.000 đồng, 300.000 đồng và 250.000 đồng. 14/15 thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia bỏ phiếu cho mức đề xuất này để trình Chính phủ. Số phiếu đồng thuận với phương án đưa ra đạt 92,8%, đây là mức cao nhất trong 3 năm qua.
Cũng theo ông Huân, mức tăng nói trên bằng năm 2015. Đây là mức tăng để mục tiêu lương tối thiểu đáp ứng mức sống tối thiểu theo quy định của Luật Lao động đạt được. Mặt khác, Hội đồng Tiền lương cũng tính đến thực tế của doanh nghiệp trong việc hội nhập và phát triển. Năm 2016, ngoài điều chỉnh mức lương tối thiểu, doanh nghiệp phải đóng bảo hiểm theo Luật Bảo hiểm xã hội. Do đó, ngoài sản xuất kinh doanh hợp lý, các đơn vị này cần phải bố trí tiết kiệm các chi phí, để dành nguồn điều chỉnh lương tối thiểu và đóng bảo hiểm cho người lao động.
“Và chúng tôi mong muốn VCCI tập hợp ý kiến của các doanh nghiệp trong việc đóng bảo hiểm, có tác động như thế nào để báo các các cơ quan liên quan điều chỉnh”, ông Huân cho hay.
Mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2016 so với năm 2015. |
Ông Mai Đức Chính, Phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, cho rằng, báo cáo của Chính phủ cho thấy các chỉ số đều có sự tăng trưởng tốt. Vì thế, sau những trao đổi nhân nhượng, Tổng liên đoàn Lao động đã đưa ra mức tăng ngang bằng so với mọi năm, chênh lệch giữa các mức là 50.000 đồng. Người lao động sẽ chia sẻ cùng khó khăn với doanh nghiệp. Ông cũng cho rằng, mức tăng này không tác động quá nhiều đến doanh nghiệp.
Song ông Hoàng Quang Phòng lại nêu quan điểm, doanh nghiệp còn rất nhiều khó khăn, mức tăng này thực tế đã vượt quá khả năng chi trả của doanh nghiệp. Tuy nhiên, doanh nghiệp sẽ phấn đấu để chi trả lương, thưởng và các chế độ, phúc lợi tốt cho người lao động, mặc dù nó là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn.