Trước bức xúc của nhiều ngư dân, UBND tỉnh Bình Định quyết định lập tổ giám định độc lập, mời chuyên gia giỏi các lĩnh vực: Cơ khí, điện, máy tàu...về địa phương kiểm tra, rà soát tàu vỏ thép mới bàn giao vài tháng đã liên tục gặp sự cố, nằm bờ nơi đây.
'Tàu hỏng là do ngư dân vận hành chưa tốt'
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Văn Nguyện, Chánh văn phòng Công ty TNHH MTV Nam Triệu, cho biết đơn vị đã bàn giao 23 tàu vỏ thép cho ngư dân, đa phần làm ăn hiệu quả. Tuy nhiên, một số tàu ngư dân Bình Định gặp "sự cố hỏng lớn" về máy thủy chính, hộp số, máy phát điện, gỉ sét cục bộ...
Cabin tàu vỏ thép của ngư dân gỉ sắt, xuống cấp hỏng nặng nằm ở cảng Đề Gi (huyện Phù Cát). Ảnh: Minh Hoàng. |
Ông Nguyện trần tình tàu vỏ thép gặp sự cố hầm bảo quản không giữ được lạnh, tiêu đá nhiều là do đơn vị làm lần đầu, kinh nghiệm chưa nhiều. Mặt khác, do ngư dân bảo trì, bảo dưỡng tàu chưa tốt nên khi nước biển ngấm vào gây gỉ sắt cục bộ.
Có tàu không bố trí thợ máy trực để nước ngập máy tàu dẫn đến hỏng máy phát điện, máy bơm điện; sử dụng nhiên liệu nhiều cặn... gây ra sự cố.
Lãnh đạo doanh nghiệp đóng tàu thừa nhận, do loại máy này của hãng Mitsubishi (Nhật Bản) không sản xuất hộp số cùng loại.... Thời gian qua công tác bảo hành của hãng máy còn chậm kéo dài do thiết bị, phụ tùng thay thế không có sẵn trên thị trường mà phải đặt ở nước ngoài chuyển về...
Doanh nghiệp nói ngư dân 'chê' mẫu thiết kế tàu của Bộ
Lãnh đạo Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu khẳng định đóng mới tàu vỏ thép cho ngư dân theo Nghị định 67 của Chính phủ đúng thiết kế được Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn) duyệt.
"Do ngư dân không dùng 21 mẫu tàu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố mà dùng mẫu của các đơn vị thiết kế bên ngoài cho phù hợp với tập quán khai thác, ngành nghề. Do đó, ngư dân phải trả tiền thiết kế theo mẫu riêng đúng quy định hiện hành", ông Nguyện giải thích.
Máy phát điện, trong hợp đồng ghi của Doosan Hàn Quốc nhưng nhãn mác trên vỏ máy ghi rõ là Made in China (Trung Quốc). Ảnh: Minh Hoàng. |
Về vấn đề này, ông Lê Văn Thãi, Chủ tàu vỏ thép BĐ 99016-TS (Lê Gia 01) phủ nhận, ngay từ đầu ngư dân ai cũng thống nhất đóng tàu vỏ thép theo mẫu của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chứ nào dám "chê" bao giờ.
"Quá trình đóng tàu, chúng tôi yêu cầu đơn vị chỉnh sửa một số hạng mục, cụ thể 4 khoang cải tiến thành 6 khoang cho phù hợp... Khi nhận tàu về, tôi mới té ngửa vì họ tự ý đưa dự toán thiết kế mẫu tàu lên đến 323 triệu đồng chứ không được tham khảo mẫu thiết kế tàu riêng là gì đâu", vị chủ tàu bức xúc.
Yêu cầu doanh nghiệp đóng tàu bồi thường cho ngư dân
Trao đổi với Zing.vn, ông Trần Châu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, khẳng định tàu vỏ thép mới bàn giao mà đã liên tục hư hỏng là lỗi do đơn vị đóng tàu.
Tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải có nghĩa vụ sửa chữa các tàu cá do đơn vị mình thi công bị hư hỏng theo hợp đồng đã thỏa thuận với các chủ tàu.
"Việc khắc phục tàu vỏ thép gặp sự cố phải đảm bảo đúng nguyên trạng (vật liệu, chủng loại thiết bị) theo hợp đồng, hoàn thành trong tháng 6/2017", ông Châu nói.
Ông Châu cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải hoàn trả chi phí thiết kế cho chủ tàu; đồng thời đền bù cho ngư dân bị thiệt hại thời gian tàu nằm bờ. Trường hợp các đơn vị đóng tàu không thực hiện nghĩa vụ của mình, cơ quan chức năng Bình Định hướng dẫn thủ tục pháp lý hỗ trợ ngư dân khởi kiện doanh nghiệp đóng tàu ra tòa.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Trần Châu. Ảnh: Minh Hoàng. |
Trước thực trạng tàu vỏ thép mới bàn giao đã hư hỏng, nằm bờ, lãnh đạo tỉnh Bình Định cho rằng doanh nghiệp làm ăn không có tâm, thiếu đạo đức.
"Mạng người là quý nhất. Doanh nghiệp làm ăn gian dối lỡ không may tàu gặp sự cố giữa vùng biển thời tiết xấu thì sinh mạng ngư dân sẽ vô cùng nguy hiểm. Đó là chưa kể là tôm, cá đánh bắt được nếu tàu gặp sự cố không thể vào bờ được thì hỏng hết, tổn thất kinh tế rất lớn", vị Phó chủ tịch tỉnh Bình Định âu lo.
Ông Châu khẳng định Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) trả lời vòng vo, đổ lỗi cho ngư dân không biết vận hành, bảo dưỡng khiến tàu vỏ thép gỉ sắt cục bộ, liên tục gặp sự cố là không đúng. Doanh nghiệp đã lợi dụng lòng tốt của người dân, sự thiếu hiểu biết của các chủ tàu để làm như thế là không đúng với lương tâm.
Ông Nguyễn Chí Công, Phó chủ tịch UBND huyện Hoài Nhơn, cũng đề nghị cơ quan chức năng cần vào cuộc “giải phẫu”, đánh giá toàn bộ tàu vỏ thép do hai Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu thi công.
"Doanh nghiệp đóng tàu hay nhà cung ứng máy sai đến đâu phải xử nghiêm đến đó, chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đây là chương trình của Chính phủ mà ngư dân là người trực tiếp gánh chịu hậu quả nặng”, ông Công kiến nghị.