Tháng 5, tiết trời nắng đẹp, biển êm. Trong lúc ngư dân miền Trung hối hả ra khơi đánh bắt thủy sản thì nhiều tàu vỏ thép Bình Định trị giá hàng chục tỷ đồng đành phải nằm bờ chờ sửa chữa.
Ngồi thẫn thờ trước mũi tàu vỏ thép ở cảng Đề Gi (huyện Phù Cát), ông Lê Văn Thãi, Chủ tàu BĐ 99016-TS (Lê Gia 01) không ngờ đời mình bỗng chốc lâm cảnh khốn khổ thế này.
Bốn ngày trước, ngân hàng gửi thông báo thúc giục trả nợ quý quá hạn hơn 240 triệu đồng mà lòng ông như "lửa đốt" không biết xoay sở tiền đâu khi con tàu vỏ thép mới bàn giao đã hư hỏng liên tục.
Khốn đốn vì tàu liên tục gặp sự cố
Chủ tàu vỏ thép này nhớ lại, hưởng ứng chủ trương Nghị định 67 của Chính phủ, hai vợ chồng anh quyết định bán con tàu gỗ 1,4 tỷ đồng, rồi vay thêm ngân hàng 17,7 tỷ đồng gom góp tiền đóng tàu vỏ thép gần 19 tỷ đồng.
Dù mới được bàn giao nhưng tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định liên tục gặp sự cố phải nằm bờ thời gian dài chờ sửa chữa. Ảnh: Minh Hoàng. |
Tháng 9/2016, chưa kịp mừng vui vì sở hữu khối tài sản lớn, ông Thãi cùng các ngư dân ra khơi đánh bắt thủy sản thì tàu liên tục gặp sự cố ở hầm đá, hệ thống bơm nước, trục pô hư, máy chính...
"Ba chuyến biển ra khơi, gia đình tôi lỗ nặng hơn 400 triệu đồng nên phải đưa tàu về cảng sửa chữa. Công ty TNHH một thành viên Nam Triệu tự ý thay hộp số máy 3.0 (hợp đồng ký ban đầu là 5.0)", chủ tàu Lê Gia 01 bức xúc nói.
Theo ông Thãi, do hộp số có chỉ số vòng quay quá nhỏ không đồng bộ máy chính không chịu được tải trọng của con tàu làm hỏng máy chính buộc phải ngừng hoạt động sau ba chuyến biển.
Đơn vị đóng tàu tự ý thay vật liệu, thiết bị Trung Quốc
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lý (ngụ huyện Phù Mỹ), chủ tàu vỏ thép BĐ 99004-TS, cũng khốn khổ vì con tàu trị giá gần 16 tỷ đồng mới nhận bàn giao từ cuối 2016 nhưng đến nay đã gỉ sắt, xuống cấp. Tàu ra khơi đánh bắt được năm chuyến thì đã bị lỗ hơn 500 triệu đồng đành phải đưa về nằm bờ.
Máy phát điện, trong hợp đồng ghi của Doosan Hàn Quốc nhưng nhãn mác trên vỏ máy ghi rõ là Made in China (Trung Quốc). Ảnh: Minh Hoàng. |
Vị chủ tàu ấm ức nói tàu mới ra khơi vài chuyến biển đã gặp sự cố liên tục, lưới cứ thả xuống nước là bị cuốn vào chân vịt tơi tả hết. Hầm nước ngọt dưới khoan tàu sắt thép hoen gỉ nên anh em ngư dân ra khơi không thể sử dụng nước để sinh hoạt. Hầm chứa thủy sản thì nước thoát không kịp, nước ngập làm hỏng cá gây tổn thất lớn cho chuyến biển.
Ông cho hay doanh nghiệp đóng tàu tự ý thay vật liệu Hàn Quốc/Nhật Bản bằng sắt thép Trung Quốc; sử dụng sơn không đảm bảo nên bị gỉ sắt nhanh, tự ý lắp hộp số máy Trung Quốc (hợp đồng ghi rõ hộp số máy Nhật Bản), lắp máy phát điện Trung Quốc (hợp đồng ghi là máy phát điện Doosan Hàn Quốc)...
Lý giải về tình trạng này, đại diện các đơn vị đóng tàu giải thích lòng vòng. Ông Trương Văn Đài, Phó giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, cho rằng tàu xuống cấp do nước sơn bị bong tróc, một số thiết bị trên boong bị hư hỏng cũng do nước mặn và thời tiết.
Tàu vỏ thép trị giá 16 tỷ đồng của ông Nguyễn Văn Lý (ngụ huyện Phù Mỹ) mới nhận bàn giao từ cuối 2016 đã xuống cấp. Ảnh: Minh Hoàng. |
"Cái này, công ty chúng tôi cũng nhìn nhận là do sơn ban đầu mà không làm sạch bề mặt. Công ty có chuyển đổi từ thép Hàn Quốc, Nhật Bản sang thép Trung Quốc với giá trị tương đương", ông Đài nói.
Cùng quan điểm, ông Bùi Hữu Hùng, Phó tổng giám đốc công ty TNHH MTV Nam Triệu, cũng cho rằng tàu gỉ sắt là do nước biển mặn...
Khó chấp nhận tàu gỉ sắt do nước biển mặn
"Quá vô lý, không thuyết phục" - ông Trần Châu (Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định) thốt lên sau khi nghe hai lãnh đạo Công ty TNHH Đại Nguyên Dương và Công ty TNHH MTV Nam Triệu giải thích về việc tàu vỏ thép gỉ sắt nhanh do nước biển mặn và thời tiết.
"Tàu giao cho ngư dân mới vài tháng mà đã hư hỏng, gỉ sắt nặng trong khi doanh nghiệp đóng tàu tự ý thay thế sắt thép, thiết bị Hàn Quốc/Nhật Bản sang Trung Quốc thi rõ ràng sai hợp đồng, khiến ngư dân lâm cảnh khốn khó", ông Châu phản ứng.
Dự kiến tuần tới, tổ công tác liên ngành tổng kiểm tra giám định độc lập, rà soát toàn bộ tàu vỏ thép tìm nguyên nhân gây ra sự cố, gỉ sắt. Căn cứ trên cơ sở pháp lý này, cơ quan chức năng Bình Định sẽ truy cứu trách nhiệm các đơn vị đóng tàu, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con ngư dân.
Báo cáo với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Bình Định thống kê 15 tàu vỏ thép đóng tại hai Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đều bị hỏng máy, vỏ tàu và một số thiết bị trên tàu.
Lỗi sự cố kỹ thuật chủ yếu là máy thủy chính, máy phát điện hiệu Mitsubishi, Doosan Hàn Quốc (thậm chí tự ý thay bằng máy phát điện Trung Quốc); hầm bảo quản không đảm bảo yêu cầu giữ nhiệt...Tàu gỉ sét nặng phần vỏ, hệ thống đường van, ống... Công ty TNHH Đại Nguyên Dương tự ý thay đổi vật liệu đóng vỏ tàu từ thép Hàn Quốc/Nhật Bản sang vật liệu Trung Quốc.