Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Phim Việt phải đầu tư hơn 100 tỷ đồng mới đủ sức cạnh tranh

Ngày càng nhiều nhà làm phim chịu khó đầu tư cho các dự án điện ảnh. Tuy nhiên, để có thể cạnh tranh ở quốc tế, điện ảnh Việt cần nhiều hơn thế.

dien anh Viet anh 1

Đạo diễn Lương Đình Dũng là thành viên hội đồng giám khảo phim truyện tại LHP Việt Nam 2021. Trước đó, anh cũng là cố vấn phim tại LHP Black Nights, thành viên giám khảo LHP Pune Ấn Độ.

Sau khi LHP Việt Nam lần thứ 22 khép lại, nam đạo diễn gửi Zing bài viết với chủ đề: "Làm sao để nâng tầm điện ảnh Việt trên đấu trường thế giới".

Những năm gần đây, các nhà sản xuất Việt “chịu chi” hơn cho các dự án điện ảnh. Nếu trước đây, kinh phí sản xuất cho một bộ phim chỉ rơi vào khoảng từ 10-20 tỷ đồng, hiện tại điện ảnh Việt đã có những “cú hích” với mức đầu tư theo chiều hướng đi lên. Nhiều tác phẩm có kinh phí sản xuất trên dưới 30 tỷ đồng, thậm chí là 60 tỷ đồng.

Đây là tín hiệu tốt trên con đường phát triển điện ảnh của nước nhà. Thế nhưng, câu hỏi đặt ra là làm thế nào để nâng sức cạnh tranh của phim Việt tại đấu trường quốc tế. Và hướng đi để các tác phẩm “made in Việt Nam” thực sự tạo thương hiệu trên bản đồ điện ảnh thế giới.

NSX Việt khao khát tạo ra sản phẩm toàn cầu như "Squid Game"

Điện ảnh Việt đang ngày càng nhận được sự quan tâm của khán giả, độ tuổi ra rạp xem phim cũng đa dạng và mở rộng hơn, không còn chỉ dừng lại ở giới trẻ. Để đáp ứng nhu cầu và phù hợp với xu thế thị trường, số lượng phim Việt được sản xuất và chiếu rạp cũng tăng lên đáng kể, có lúc "lấn át" cả phim nước ngoài.

dien anh Viet anh 2

Phim Bố già từng đạt doanh thu 420 tỷ đồng, phát hành ở nhiều thị trường quốc tế. Ảnh: ĐPCC.

Những năm qua, các nhà sản xuất Việt làm việc tích cực, đóng góp mỗi năm 40-50 phim cho thị trường điện ảnh. Tuy nhiên, có một thực tế là chỉ vài phim trong số đó “ăn khách”, còn lại đều là những cú "ngã ngựa", phải lặng lẽ rời khỏi rạp.

Giới làm phim đau đáu ước mơ làm một tác phẩm mang chất Việt Nam nhưng trở thành hiện tượng toàn cầu

Các nhà sản xuất giờ đây đã chú ý hơn vào chất lượng, tăng tốc trong việc nâng cao số lượng và chăm chút hơn trong những chiến dịch truyền thông thu hút dư luận.

Nhưng phim điện ảnh của nước ta hầu như vẫn chỉ có thể phổ biến trong nước, tận dụng các câu chuyện đơn giản, dễ hiểu hoặc tác phẩm văn học dễ lấy cảm xúc để minh họa hình ảnh mà không chú tâm vào khai thác ngôn ngữ điện ảnh một cách đúng nghĩa.

Một vài phim đã tìm được con đường đi ra nước ngoài nhưng khi chiếu quốc tế cũng đa số để phục vụ khán giả Việt kiều.

Nhiều nhà làm phim, trong đó có tôi luôn đau đáu ước mơ sẽ làm được tác phẩm mang chất Việt Nam nhưng trở thành "hiện tượng toàn cầu", "quả bom giải trí" khiến cả thế giới choáng ngợp như Hàn Quốc vừa qua có Squid Game.

Điện ảnh Việt đang bị "cùm chân"

Có thể khẳng định rằng tiềm lực của Việt Nam hoàn toàn cho phép các nhà làm phim mơ giấc mơ đó. Rất nhiều đoàn làm phim quốc tế, cả kinh đô điện ảnh Hollywood từng chọn nước ta là bối cảnh quay phim như Kong: Skull Island, Pan và vùng đất Neverland. Điều đó cho thấy thiên nhiên, văn hoá Việt Nam thực sự tiềm năng, là một trong những đòn bẩy góp phần đưa phim Việt vượt biên giới.

Quay lại với câu chuyện kinh phí sản xuất, mặc dù mức đầu tư cho phim Việt đã tăng lên đáng kể nhưng thực tế là khi đặt con số ấy lên bàn cân với các dự án nước ngoài, chi phí sản xuất phim của nước ta vẫn còn quá nhỏ, kể cả khi lấy những dự án phim ngốn số tiền "không phải dạng vừa" đem ra so sánh.

Bản thân các nhà làm phim hiểu rõ sức tiêu thụ của thị trường trong nước cũng chỉ có một giới hạn. Nếu làm phim với chi phí sản xuất quá lớn, ví dụ hơn 100 tỷ đồng thì doanh thu phải đạt được 220 tỷ thì nhà sản xuất mới bắt đầu có lãi. Như vậy, không một nhà sản xuất nào có ý định mạo hiểm đầu tư với con số quá lớn như vậy.

dien anh Viet anh 3

Đạo diễn Lương Đình Dũng cho rằng điện ảnh Việt cần đặt mục tiêu phát hành toàn cầu. Ảnh: NVCC.

Bên cạnh chi phí "khập khiễng", chất lượng phim cũng chênh lệch, sức cạnh tranh phim Việt trên đấu trường quốc tế vẫn rất yếu. Nước ta có nhiều bối cảnh đẹp nhưng chỉ có thiên nhiên thôi thì chưa đủ.

Điều quan trọng nhất và cũng là nguyên nhân chính “cùm kẹp” điện ảnh Việt là nhiều dự án chưa sử dụng ngôn ngữ điện ảnh đúng nghĩa. Rất ít các kịch bản có tầm nhìn lớn với những câu chuyện mang tầm quốc tế, có sự đồng điệu của con người với con người, không phân biệt biên giới hay màu da. Ngoài ra, diễn xuất của không ít diễn viên vẫn bị sân khấu hóa và nhiều nguyên do khác.

Điện ảnh thế giới đã tiến xa với những chuẩn mực mới. Đòi hỏi, yêu cầu của khán giả quốc tế cũng khắt khe hơn về cả phần nhìn, nghe và câu chuyện gửi gắm. Muốn vươn ra nước ngoài, đứng ngang hàng hoặc tạo nên những cú nổ mang tầm cỡ quốc tế, đầu tiên là tác phẩm đó phải đạt được những chuẩn mực của ngôn ngữ hình ảnh tối thiểu của một bộ phim điện ảnh.

Thứ hai, phim tạo nên sự mới lạ và khác biệt mang đậm nét văn hoá đời sống của Việt Nam. Tất nhiên đưa ra câu chuyện nào ra thì phải khai thác tới tận cùng câu chuyện đó.

Bên cạnh những nguyên nhân khách quan ấy, có một nguyên nhân chủ quan đến từ chính năng lực của nhà làm phim. Chi phí sản xuất lớn đồng nghĩa với việc đòi hỏi người cầm cân nảy mực phải có thực tài. Không phải nhà làm phim nào cũng am hiểu một quy trình sản xuất phim chuyên nghiệp để biết đầu tư tiền, thời gian vào cái gì để tốt nhất cho một bộ phim, nó không phải là tiểu xảo để giải trình hợp lý.

Điều này nghe dễ mà khó. Tôi lấy ví dụ nhà đầu tư chi 100 tỷ đồng thì yêu cầu đạo diễn phải có kịch bản lớn để xứng tầm với số tiền ấy và giải trình chi tiết, thuyết phục là đầu tư vào đâu để phục vụ bộ phim tốt. Lúc ấy yêu cầu người đạo diễn phải có nghề, biết chi tiền hợp lý vào từng khâu, yêu cầu chất lượng tới tầm nào cho chính đáng.

Nhiều người luôn nói rằng tiền nhiều sẽ làm phim hay. Điều này vừa đúng, vừa sai, như tôi đã nói ở trên, cần có một kịch bản xứng tầm với kinh phí lớn là chuyện không hề dễ dàng. Chưa kể cần một đạo diễn, ê-kíp đủ năng lực thực hiện dự án 100 tỷ đồng.

Phim Việt cần đặt mục tiêu phát hành toàn cầu

Điện ảnh Việt khát khao muốn bay xa nhưng vẫn còn đó những sợi dây níu chân chưa thể dứt ra. Nhận thức được vấn đề như vậy, nhưng làm thế nào, hành động ra sao để tiến lên lại là câu chuyện nan giải khác.

Nhiều năm qua, giới làm phim lên tiếng cần phải lập ra một quỹ hỗ trợ điện ảnh, đầu tư, mở đường và khuyến khích điện ảnh Việt. Tuy nhiên, đã rất lâu rồi, việc triển khai quỹ gần như chưa thấy tín hiệu khả quan.

Từ lâu, việc đầu tư đào tạo nhân sự cho ngành điện ảnh Việt Nam cũng là câu chuyện đáng bàn. Thực tế, phim Việt thiếu nhân sự rất nhiều, ở mọi khâu từ sản xuất đến diễn viên. Vì thế, trong nhiều dự án điện ảnh lớn, nhà sản xuất phải thuê nhân sự từ nước ngoài để đảm bảo chất lượng của phim.

Điện ảnh thế giới phát triển được tính theo từng phút. Một vài phát kiến, một vài ý tưởng nếu không thực hiện ngay thì có thể ngay ngày hôm sau đã trở thành lỗi thời

Điện ảnh thế giới phát triển được tính theo từng phút. Một vài phát kiến, một vài ý tưởng nếu không thực hiện ngay thì có thể ngay ngày hôm sau đã trở thành lỗi thời. Muốn bắt kịp nhịp điệu của quốc tế, chúng ta không có con đường nào khác là phải nỗ lực gấp trăm nghìn lần, phải nhanh tay thực hiện những ý tưởng thành hình hài.

Nếu ý tưởng cứ mãi là ý tưởng, kế hoạch cứ mãi là kế hoạch thì chúng ta sẽ ngày càng bị bỏ xa hơn nữa. Điện ảnh thế giới không dừng lại để chờ đợi sự phát triển của một quốc gia nào.

dien anh Viet anh 4

Các nhà sản xuất Việt ngày càng nâng mức đầu tư cho phim Việt. Ảnh: ĐPCC.

Vậy nên, khi đã chỉ mặt điểm tên được những điểm yếu của điện ảnh Việt Nam, điều chúng ta cần làm trước mắt là nên đầu tư một cách nghiêm túc và chọn lọc mỗi năm khoảng 5-6 dự án phim lớn, có tầm nhìn với mục tiêu, nhiệm vụ phát hành là toàn cầu chứ không chỉ dừng lại ở thị trường nội địa.

Nhà làm phim được hỗ trợ tối đa và "cháy hết mình" để các phim đó thực hiện tốt nhất. Chúng ta nên coi đó là nhiệm vụ quốc gia, với mục tiêu duy nhất là đưa điện ảnh Việt đến với thế giới một cách sớm nhất có thể.

Tôi nghĩ điều đó sẽ hiệu quả và cụ thể hơn rất nhiều nếu liên tiếp duy trì thực hiện trong vòng 6-8 năm tới đây. Tôi tin điện ảnh nước ta sẽ sớm có tên trên bản đồ quốc tế.

Ngay bản thân tôi cũng đang trong quá trình thực hiện dự án phim kinh dị Mật mã 45: Ma đói dự kiến quay tại Việt Nam và một nước châu Á khác, kinh phí sản xuất dự kiến 5,3 triệu USD, phát hành toàn cầu. Mục tiêu doanh thu kỳ vọng đặt ra là 50 triệu USD. Trong dự án này tôi chỉ đảm nhiệm phần kịch bản và đạo diễn, có sự tham gia các nhà đầu tư Việt Nam và nhà sản xuất ở nước ngoài.

Lối đi cho phim Việt tại LHP quốc tế

Con đường ra quốc tế của nhiều bộ phim thường sẽ bắt đầu từ các liên hoan phim, sự kiện điện ảnh quốc tế. Đây là con đường ngắn và chi phí thấp mà rất nhiều nhà làm phim quốc tế đã lựa chọn để bắt đầu. Vì vậy, nhà sản xuất Việt nên đi theo con đường này để đưa điện ảnh Việt ra thế giới nhanh hơn.

Chúng ta ước mơ trong tương lai gần về những "cú hit" từ Việt Nam tới thế giới mới được kéo gần và thực hiện được. Và khi những "quả bom" ấy nổ trên trường quốc tế, có lẽ tầm ảnh hưởng của văn hóa (từ phong cảnh, lối sống, con người, nét ẩm thực…) Việt Nam đến khán giả thế giới cũng là điều không thể cản được. Nó sẽ là một "làn sóng" đẹp mang nhiều lợi ích quảng bá cho thương hiệu quốc gia.

BGK LHP Việt Nam cân nhắc nhiều khi trao giải nam chính cho Tuấn Trần

Đạo diễn Lương Đình Dũng, thành viên ban giám khảo phim truyện tại LHP Việt Nam 2021, cho biết ông đánh giá cao diễn xuất của Tuấn Trần và Trần Nghĩa.

'Mắt biếc' đoạt giải Bông sen Vàng

Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 diễn ra tại Huế từ ngày 17 đến 21/11. "Mắt biếc" được xướng tên ở giải thưởng danh giá nhất tại LHP.

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Bạn có thể quan tâm