Báo PhilStar ngày 16/6 dẫn lời Bộ trưởng Truyền thông Philippines Herminio Coloma Jr. cho rằng việc Trung Quốc lôi kéo Philippines vào các chiến dịch truyền thông quốc tế không phải là chuyện lạ.
“Việc một nước sử dụng các kênh truyền thông để tuyên truyền về chính sách quốc gia là một phần trong sự vận động quan hệ quốc tế. Chúng tôi không hề bối rối và lo sợ vì hành động này của Trung Quốc”, Bộ trưởng Herminio Coloma Jr. nhấn mạnh.
Philippines không ngại những cáo buộc của Trung Quốc tại các diễn đàn quốc tế. Ảnh: PhilStar |
Theo Bộ trưởng Coloma, Philippines không cần phải phát động chiến dịch truyền thông tương tự như Trung Quốc, vì nhiều cơ quan thông tấn lớn - trong đó có những kênh quốc tế - rất quan tâm về quan điểm của Chính phủ Philippines trong những diễn biến trên Biển Đông.
Bộ trưởng Coloma cũng cho biết Chính phủ Philippines ủng hộ đề xuất của Ngoại trưởng Albert del Rosario về việc tổ chức đối thoại với Trung Quốc và các bên liên quan trong tranh chấp trên Biển Đông để kêu gọi đình chỉ mọi hoạt động xây dựng trái phép và các hành vi khiêu khích.
Tại cuộc họp tuần qua về Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS), Phó trưởng phái đoàn thường trực của Trung Quốc Vương Minh cáo buộc Philippines muốn tranh thủ sự thông cảm của quốc tế bằng những chiêu trò lừa dối. Ông Coloma từ chối bình luận về phát biểu của Vương Minh, cho biết Chính phủ Philippines đang chờ Bộ Ngoại giao báo cáo về vấn đề này.
Bộ trưởng Herminio Coloma Jr. nói báo chí quốc tế quan tâm quan điểm của Philippines. Ảnh: PhilStar |
Ngày 16/6, nhà báo người Trung Quốc, Tào Lâm - cây bút bình luận của Báo Thanh niên Trung Quốc - có bài nhận định các phương tiện truyền thông nước này nói ra từ "chiến tranh" một cách dễ dãi, như thể chiến tranh không liên quan đến mạng người. Tào Lâm khuyến cáo truyền thông Trung Quốc không nên hùa theo những “trò hề” kích động chủ nghĩa dân tộc cực đoan.
Theo quan sát của nhà báo Tào Lâm, trong thời gian qua nhiều chương trình truyền hình và tiêu đề trên trang nhất của nhiều báo gây cảm giác sợ hãi cho người xem. Chúng tạo cảm giác như chiến tranh sẽ bùng nổ ngay ngày mai với những luận điệu giật gân như “nhất định phải có một cuộc chiến giữa Trung Quốc và Nhật Bản“, “một cuộc chiến mới giữa Trung Quốc với Nhật Bản sẽ là cuộc chiến cho người dân Trung Hoa rửa nỗi nhục", hay "phải chiến đấu với Mỹ”, “quân đội đã sẵn sàng cho chiến tranh".
"Nhiều cơ quan truyền thông tùy tiện nhắc đến từ chiến tranh, tự coi họ là phe chủ chiến. Bên ngoài họ tỏ ra cứng rắn, hô hào cho chủ nghĩa dân tộc, song suy cho cùng thì họ vẫn mang tâm thế của kẻ yếu đuối", Tào lập luận.