Máy bay huấn luyện TC-90 của Nhật Bản. Ảnh minh họa: Japandailypress.com |
Phát biểu tại một căn cứ không quân ở phía nam thủ đô Manila ngày 9/3, Tổng thống Philippines Benigno Aquino cho biết, Manila đang thuê 5 máy bay huấn luyện TC-90 của Nhật Bản nhằm hỗ trợ lực lượng hải quân tuần tra trên Biển Đông. Tuy nhiên, ông không nói rõ thời gian nhận các máy bay từ Tokyo, theo Reuters.
Thiếu tướng Restituto Padilla, phát ngôn viên của quân đội Philippines, cho hay, Manila và Tokyo đã hoàn tất thỏa thuận thuê máy bay. “Chúng tôi đã hoàn tất các điều khoản và điều kiện của hợp đồng cho thuê, gồm chi phí và thời gian”, ông Padilla nói.
Tổng thống Aquino đã hành động nhiều hơn so với 3 chính quyền trước nhằm xây dựng lực lượng không quân phát triển. Các hoạt động này bao gồm tăng số lượng máy bay và trực thăng để vận chuyển binh lính cùng thiết bị quân nhu, đồng thời bảo vệ biên giới trên biển. “Tất cả thiết bị mới sẽ nâng cao năng lực không quân nhằm bảo vệ lãnh thổ chúng ta”, ông Aquino cho hay.
Đồng minh Philippines gồm Mỹ và Hàn Quốc đã đề nghị trợ giúp Manila tăng cường năng lực hàng không. Ông Aquino thông báo Manila sẽ tiếp nhận hai máy bay vận tải C130 của Mỹ đã được nâng cấp.
Hàn Quốc đã cung cấp cho Philippines hai máy bay chiến đấu hạng nhẹ và sẽ hỗ trợ nước này thêm 10 chiếc cho từ nay tới năm 2017. Ông nói thêm rằng chính phủ sẽ cấp hợp đồng cho 6 máy bay hỗ trợ trên không và hai máy bay tuần tra tầm xa. 3 hệ thống radar giám sát trên không cũng sẽ được lắp đặt.
Quân đội Philippines dự tính chi 83 tỷ peso (1,77 tỷ USD) từ nay tới năm 2017 nhằm nâng cấp và hiện đại hóa không quân và hải quân. Quân đội Philippines có kế hoạch mua một phi đội máy bay chiến đấu đa năng, hệ thống tên lửa không đối đất, phi cơ cảnh báo sớm và máy bay không người lái.
Tuần trước, Philippines và Nhật Bản đã ký thỏa thuận chuyến giao thiết bị quân sự và công nghệ.
Philippines ưu tiên hiện đại hóa lực lượng không quân và hải quân trong bối cảnh Trung Quốc triển khai tên lửa và máy bay chiến đấu tới một số đảo nhân tạo ở Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền phi lý đối với hầu hết diện tích Biển Đông, vùng biển với giá trị thương mại khoảng 5.000 tỷ USD mỗi năm.