Phát ngôn viên Phủ tổng thống Philippines Harry Roque tuyên bố dù có quyền ban hành luật trên phạm vi lãnh thổ của mình, các quốc gia cần bảo đảm tuân thủ nghĩa vụ theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, trong đó Trung Quốc là một thành viên, theo Inquirer.
"Sử dụng vũ lực là hành vi nhìn chung bị cấm trừ một số ngoại lệ được quy định cụ thể: tự vệ chính đáng hoặc binh sĩ có vũ trang xâm nhập lãnh thổ Trung Quốc", ông Roque cho biết hôm 25/1.
Kêu gọi không gia tăng căng thẳng trên Biển Đông
Phát ngôn viên Roque tuyên bố Philippines hy vọng không nước nào có hành động làm gia tăng căng thẳng trên Biển Đông.
Tàu hải cảnh Trung Quốc. Ảnh: Reuters. |
"Tuyên bố của tổng thống chúng tôi là chúng ta nên hoàn tất bộ quy tắc ứng xử (trên Biển Đông) và các yêu sách tại Biển Đông cần tuân theo bộ quy tắc ứng xử đó", ông Roque cho biết.
Các nghị sĩ Philippines có phản ứng mạnh mẽ hơn, khi cho rằng Trung Quốc cần đưa ra giải thích phù hợp về luật hải cảnh mới ban hành.
"Chúng ta không thể bỏ qua chuyện này, khi một quốc gia tuyên bố chủ quyền với vùng biển xung quanh chúng ta, đe dọa phá hủy tàu đánh cá của chúng ta, hay của bất kỳ quốc gia nào khác, vì đi vào vùng biển đó", Thượng nghị sĩ Richard Gordon tuyên bố hôm 26/1.
Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros nói chính phủ Philippines không thể cho phép Trung Quốc lợi dụng chiêu bài hỗ trợ cung cấp vaccine để "đâm sau lưng tại Biển Đông".
Hôm 22/1, Bắc Kinh đã ban hành Luật Hải cảnh mới, trong đó cho phép lực lượng hải cảnh sử dụng vĩ khí sát thương đối với tàu nước ngoài trong khu vực mà Trung Quốc đơn phương tuyên bố là "vùng biển thuộc quyền tài phán" của nước này.
Luật sư Jay Batongbacal, giám đốc Viện Quan hệ hàng hải thuộc Đại học Philippines, cho rằng Manila và các bên liên quan trên Biển Đông cần có phản ứng mạnh mẽ trước luật mới gây tranh cãi của Trung Quốc.
"Mọi hành vi sử dụng vũ lực cần bị coi là hành động thù địch hoặc hành vi xâm lược. Các quốc gia Đông Nam Á cần đưa ra thông điệp rõ ràng như vậy", ông Batongbacal nói.
Theo chuyên gia từ Đại học Philippines, việc hải cảnh Trung Quốc sử dụng vũ lực "tương đương với hành vi gây chiến".
"Vấn đề là dù việc sử dụng vũ lực là điều bình thường đối với lực lượng bảo vệ bờ biển các nước, Trung Quốc lại không giới hạn phạm vi áp dụng của luật này trong vùng biển của họ, bởi họ đang đưa ra những yêu sách quá mức vào tận vùng biển các quốc gia khác", ông Batongbacal nói.
Việc ban hành Luật Hải cảnh là một thông điệp rõ ràng rằng Bắc Kinh sẵn sàng sử dụng vũ lực với tàu thuyền của các nước khác, ông Batongbacal nhận định.
"Đe dọa ngầm" gửi tới ngư dân nước ngoài
Nhiều ý kiến lo ngại Luật Hải cảnh mới dọn đường cho hải cảnh Trung Quốc nổ súng vào ngư dân các nước, trong đó có Philippines, đánh bắt cá trên ngư trường truyền thống ở Biển Đông.
"Lần tới Trung Quốc muốn đánh đắm tàu cá hoặc bỏ mặc ngư dân của chúng ta trên biển, có lẽ họ sẽ không chỉ đâm chìm tàu mà sẽ bắn các ngư dân?", Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros phát biểu.
Luật sư Batongbacal thì cho rằng luật mới có thể được xem như "đe dọa ngầm" gửi tới ngư dân nước ngoài. Ông Batongbacal nhắc lại các vụ việc tàu cá Philippines bị hải cảnh Trung Quốc đâm chìm trong quá khứ.
"Thông điệp của Trung Quốc đơn giản là nếu ngư dân của chúng ta bắt gặp tàu của họ, các ngư dân nên sợ hãi bởi họ có thể bị tàu Trung Quốc bắn", ông Batongbacal nói.
Trước các diễn biến mới, tổ chức ngư dân Pambansang Lakas đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Rodrigo Duterte lên án mạnh mẽ Bắc Kinh.
Ông ông Fernando Hicap, Chủ tịch Pambansang Laka, cho rằng luật mới của Bắc Kinh "đi ngược lại nguyên tắc tự do hàng hải được luật biển quốc tế thừa nhận" và "xúc phạm chủ quyền quốc gia" của Philippines.
Cựu Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosario cho rằng Philippines cần xây dựng một nền quốc phòng đáng tin cậy, củng cố liên minh an ninh với Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Australia, và các nước ASEAN để có thể đối phó với Trung Quốc.
"Đối với người Philippines, hành động này là lời nhắc nhở rằng mục đích sâu xa của Trung Quốc xâm chiếm vùng biển của chúng ta, đe dọa lực lượng của chúng ta, sẽ không biến mất bất chấp chính sách thân thiện của chính quyền Duterte", ông Rosario nói.