Theo Channel News Asia, quan điểm trên được Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana đưa ra hôm 5/3, vài ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố Washington sẽ can thiệp trong trường hợp Manila bị tấn công trên Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana. Ảnh: PNA. |
"Tôi không lo lắng vì thiếu các cam kết (từ Mỹ). Cái tôi lo là bị kéo vào cuộc chiến mà chúng tôi không tìm kiếm, không mong muốn", ông Lorenzana phát biểu.
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines cho rằng việc Washington tăng cường hoạt động qua lại của tàu thuyền trên Biển Đông, thường được gọi với cái tên tuần tra tự do hàng hải (FONOP) có khả năng dẫn tới chiến tranh nóng.
"Trong trường hợp như vậy và với cơ sở là hiệp ước quốc phòng (giữa Mỹ và Philippines), Philippines sẽ tự động bị kéo vào cuộc chiến", ông Lorenzana cho biết.
Bộ trưởng Lorenzana cho rằng môi trường an ninh hiện nay đã có nhiều khác biệt và "hiệp ước quốc phòng cần được xem xét lại".
Binh sĩ Mỹ và Philippines trong cuộc tập trận chung năm 2015. Ảnh: VOA. |
Mỹ và Philippines ký hiệp ước quốc phòng chung từ năm 1951, chỉ 5 năm sau khi quốc gia Đông Nam Á được trao trả độc lập. Sau hơn 67 năm tồn tại, hiệp ước này hiện đứng trước nhiều chỉ trích do được cho là không còn phù hợp với hoàn cảnh thực tế.
Trước đó, các quan chức Philippines đã đề xuất không áp dụng hiệp ước quốc phòng chung với Mỹ tại các tuyến hàng hải chiến lược do Washington đã không ngăn chặn Bắc Kinh bồi đắp, xây dựng công trình nhân tạo trên các thực thể ở Biển Đông mà Manila tuyên bố chủ quyền.