Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗi khổ Manila - làm việc trong xe, dạy con ở nhà vì sợ tắc đường

Giao thông ở Manila, cả đường bộ lẫn phương tiện công cộng, khó khăn đến mức người dân phải đi làm trong đêm để tránh tắc nghẽn, để rồi khi ra về trời cũng không còn sáng.

giao thong o Philippines anh 1
Thành phố San Jose Del Monte, Philippines đang ngủ say lúc 3h30 đêm. Nhưng đó là thời điểm Alejandro Galasao (phải), người quét đường 58 tuổi, rời nhà đi làm để tránh cảnh chen chúc. Trong ảnh, ông đang ăn sáng với vợ. Ảnh: Reuters.
giao thong o Philippines anh 2
Cầm theo đèn pin, ông Galasao đi qua những con ngõ nhỏ dẫn ra đường chính để bắt xe bus đến thủ đô Manila cách đó 30 km. “Nếu tôi đi làm vào giờ cao điểm, sẽ mất 3 tiếng. Nếu không phải vì tắc nghẽn, thời gian đi lại của tôi chỉ có 1 tiếng”, ông nói với Reuters. “Đây là công việc duy nhất tôi biết làm. Nếu tìm công việc khác, chắc tôi cũng không kiếm được nhiều hơn”. Ảnh: Reuters.
giao thong o Philippines anh 3
Ông Galasao thường ngủ trên đường đi làm. “Nói thật, không có đủ thời gian ngủ. Tôi thường ngủ lúc 8h, 9h tối, rồi thức dậy lúc 1h đêm”, ông nói với Reuters. Ảnh: Reuters.
giao thong o Philippines anh 4
Ông Galasao quét đường trên Đại lộ Quezon ở thành phố Quezon. Khu vực Metro Manila, bao gồm 16 thành phố nhỏ được kết nối bằng cơ sở hạ tầng đã cũ, đang oằn mình dưới sức nặng của hàng triệu chiếc xe, chính là dòng chảy của nền kinh tế Philippines đang tăng trưởng hơn 6% mỗi năm kể từ 2012. Ảnh: Reuters.
giao thong o Philippines anh 5
Người đi làm đang phải bám vào sau một chiếc xe jeepney đã hết chỗ ở thành phố Cainta. Phương tiện công cộng ở Philippines không đủ để đáp ứng nhu cầu đi lại. Đường sắt đô thị có phạm vi hoạt động hạn chế. Tàu xe thường xuyên hỏng và hàng đợi kéo dài lên mặt đường vốn dày đặc khí thải xe cộ. Ảnh: Reuters.
giao thong o Philippines anh 6
Janice Sarad làm việc ở trụ sở của một ngân hàng ở Bonifacio, thành phố ở Manila tập trung nhiều công ty. Cô rời nhà 4 tiếng trước giờ làm. Ảnh: Reuters.
giao thong o Philippines anh 7
Vào một ngày thông thường, Sarad, 22 tuổi, đi tàu, xe bus và hai xe jeep chở khách để tới chỗ làm. “Đi làm buổi sáng rất khổ vì sức ép không được đến muộn”, cô nói với Reuters. “Bạn thực sự phải tranh giành để đi được”, cô nói. Ảnh: Reuters.
giao thong o Philippines anh 8
Sarad thường về nhà lúc 20-21h30 tối. “Khi tôi cảm thấy mệt mỏi chuyện đi lại, tôi luôn nghĩ về số tiền sẽ mất nếu nghỉ, và tiếp tục đi làm. Một khảo sát năm 2015 bởi ứng dụng tìm đường Waze cho thấy Manila bị tắc đường tồi tệ nhất thế giới, một phần vì doanh số bán xe hơi đã tăng 3 lần so với thập kỷ trước. Ảnh: Reuters.
giao thong o Philippines anh 9
Oliver Emocling, 23 tuổi, đi tàu đi làm, nhưng vì phải xếp hàng quá dài, anh thường đến muộn, và thường bị phạt trừ lương. Mỗi ngày, phải mất 2 tiếng để anh đến nơi. Mỗi ngày, tắc nghẽn giao thông ở Manila gây thiệt hại về kinh tế 67,2 triệu đô-la, theo ước tính năm 2017 của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA), tăng lên từ mức 46,1 triệu đô-la năm 2012. Ảnh: Reuters.
giao thong o Philippines anh 10
“Khi tôi về đến nhà, đã là 10h tối”, Emocling, đang làm việc cho một tạp chí, nói với Reuters. “Tôi có thể dùng thời gian đó để ngủ và nghỉ ngơi nhiều hơn. Nhưng thay vào đó, thời gian của tôi bị bỏ phí”. Tổng thống Rodrigo Duterte ngày 23/1 nói cải thiện giao thông ở Manila không dễ dàng, và thừa nhận đây là lời hứa tranh cử duy nhất mà ông không hoàn thành. Ảnh: Reuters.
giao thong o Philippines anh 11
Xe đang kẹt dài ở cao tốc EDSA ở thành phố Makati. Gần đây, tổng thống Philippines đã thông qua một đạo luật khuyến khích các công ty hỗ trợ nhân viên của mình làm từ nhà. Chính phủ đã đầu tư 180 tỷ USD cho các chương trình hiện đại hóa đường bộ, đường sắt và sân bay. Một hệ thống tàu điện ngầm được khởi công ngày 27/2. Tuy nhiên, việc xây dựng sẽ càng gây ra tắc nghẽn. Ảnh: Reuters.
giao thong o Philippines anh 12
Ferdinand Tan, 53 tuổi, người tư vấn quản lý tài chính, để nhân viên của mình làm từ nhà và biến xe của mình thành văn phòng di động, có trang bị nguồn điện, máy tính, và máy massage chân, sẵn sàng sử dụng khi ông bị kẹt trên đường. “Không ai có thể giải được bài toán giao thông. Vì vậy thay vì phàn nàn, tôi cố gắng tối ưu hóa thời gian”, ông nói với Reuters. “Tôi dùng thời gian nhàn rỗi để làm việc hiệu quả”. Ảnh: Reuters.
giao thong o Philippines anh 13
Ông Tan và vợ quyết định tự dạy con cái ở nhà. “Tôi không muốn chúng dành nhiều thời gian đi lại mỗi ngày. Như vậy mất đi thời gian với gia đình. Đến khi về nhà, chúng đã mệt rồi”, ông Tan nói với Reuters. Ảnh: Reuters.



Trọng Thuấn

(theo Reuters)

Bạn có thể quan tâm