Bắc Kinh đã điều 95 tàu đến đảo Thị Tứ, nằm trong quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, để ngăn chặn các hoạt động xây dựng của Philippines ở đây, theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) đóng ở Washington.
Thị Tứ là đảo lớn thứ hai ở Trường Sa về diện tích tự nhiên, hiện do Philippines kiểm soát. Đội tàu, được điều đến từ đá Su Bi ở gần đó, bao gồm các tàu hải quân, tàu hải cảnh và hàng chục tàu đánh cá.
Các hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu hộ vệ tên lửa thuộc lớp Jianghu-V và tàu hải cảnh thuộc lớp Zhaoduan ngoài khơi đảo Thị Tứ vào ngày 20/12/2018, thời điểm số lượng tàu tăng cao nhất với 95 tàu.
Chiến hạm Trung Quốc khi đó chỉ cách chiến hạm BRP Ramon Alcaraz của hải quân Philippines 7 hải lý, theo báo cáo của AMTI.
Ảnh vệ tinh ngày 20/12/2018 cho thấy đội tàu Trung Quốc tiến gần đảo Thị Tứ thuộc quần đảo Trường Sa. Ảnh: CSIS/AMTI. |
“Việc điều động tàu này giống các ví dụ trước đây cho thấy ‘chiến lược bắp cải’ của Trung Quốc, tức điều nhiều lớp tàu đánh cá, hải cảnh và hải quân tới quanh vùng tranh chấp”, báo Inquirer của Philippines trích dẫn báo cáo trên bình luận.
Những tàu đánh cá trên thực ra thuộc lực lượng “dân quân biển” của Trung Quốc, không thực sự đánh cá mà chuyên dọa nạt tàu các nước khác có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.
“Những tàu đánh cá này có nhiều dấu hiệu thuộc dân quân biển của Trung Quốc, bao gồm việc không có dụng cụ dưới nước cho thấy chúng đang đánh cá, và tắt bộ thu phát Hệ thống Nhận dạng Tự động (AIS) để che giấu hoạt động. Chẳng hạn, vào ngày 20/12, chỉ 1 trong số 95 tàu trên có truyền phát dữ liệu AIS”, Inquirer viết.
Tháng 4/2017, chính phủ Philippines công bố việc xây dựng một con dốc ở bờ biển của đảo Thị Tứ, giúp tàu nước này đưa vật liệu xây dựng lên đảo để sửa chữa và mở rộng đường băng trên đảo, cho phép máy bay cỡ lớn hạ cánh.
Việc này dự kiến được hoàn tất cuối năm ngoái, nhưng đã bị chậm trễ vì thời tiết xấu và biển động mạnh, theo các quan chức Philippines.
Song AMTI nói các hoạt động của Trung Quốc cũng làm chậm quá trình xây dựng.
Ảnh vệ tinh ngày 14/12 cho thấy một chiếc sà lan của Philippines neo đậu ở bờ tây của đảo Thị Tứ phục vụ việc xây dựng. Ảnh: CSIS/AMTI. |
Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana nói với Inquirer ngày 4/2 rằng giờ con dốc này có thể sẽ được xây xong trong những tháng đầu năm nay.
“Cần phải có dốc này mới mang được vật liệu lên... Do vậy, tôi tin rằng nó sẽ được làm xong trong quý 1 năm nay”, ông nói.
Ông Lorenzana cũng nói Philippines nên phản đối trung tâm cứu hộ mà Bắc Kinh hôm 30/1 tuyên bố sẽ xây dựng trên đá Chữ Thập thuộc chủ quyền Việt Nam nhưng Trung Quốc đang chiếm giữ.
Dựa vào hình ảnh vệ tinh, AMTI nói số tàu Trung Quốc trong vùng biển này tăng lên 24 tàu vào ngày 3/12/2018 trước những hoạt động xây dựng mới nhất, và tăng lên 95 tàu vào ngày 20/12. Số tàu giảm xuống còn 42 tàu vào ngày 26/1.
Theo AMTI, việc rút bớt số tàu cho thấy “Trung Quốc đành phải theo chiến thuật theo dõi kết hợp dọa nạt, sau khi số lượng lớn tàu được điều tới ban đầu đã không thể buộc Manila dừng việc xây dựng”.